NgyThanh (Thời Báo Online)
- Nghe tới tên Trần Quang Thành, với phản ứng tự nhiên đầu tiên, chúng
ta nghĩ ngay rằng nhân vật ấy là người Việt Nam. Điều ấy quả không sai.
Trần Quang Thành Việt nam có thật (và câu chuyện của ông ta có khi còn
đau thương hơn chuyện ông Trần Quang Thành bên Tàu) Ông là một người
Việt sinh sống, làm việc và phục vụ chế độ Cộng sản miền Bắc. Để chính
xác hơn, chúng ta có thể gọi ông ấy là Việt Cộng, và trở thành nổi tiếng
do cách đối xử cạn tàu ráo máng của chính quyền Cộng sản Việt Nam.
Sinh năm 1941, sau khi tốt nghiệp bậc trung học tại Hà Nội, năm 18 tuổi
ông Trần Quang Thành gia nhập ngành truyền thông. Từ 1959 đến năm "ngừng
bắn" 1973, ông là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Từ 1974 ông chuyển
sang làm phóng viên dặc trách các đề tài thời sự, chính trị, ngoại
giao, quân sự cho đài truyền hình Việt Nam suốt 22 năm. Trở về từ chiến
trường Miên với một chân bị thương tật năm 1982, số phận ông tưởng đã có
thể an nhàn, với nhiệm vụ "ngồi mát ăn bát vàng", lo xây dựng cơ sở hạ
tầng và đào tạo phóng viên cho các đài truyền hình địa phương, và chuyên
về thủ tục nhập cảng máy móc cho ngành truyền thanh truyền hình trực
thuộc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình Sài Gòn.
Dưới danh xưng "nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương và trung ương
cùng làm," cơ quan của ông Thành cố vấn cho các địa phương tiến hành xây
dựng đài, lên danh sách nhập cảng máy móc và phương tiện kỹ thuật để
trang bị, nhưng việc xoay sở để có ngoại tệ là việc của địa phương.
Trong thực tế, sau khi cơ quan của ông Thành xin được giấy phép rồi, tập
đoàn tham nhũng ở "Viện Nghiên cứu" dùng tiền vốn của các đài địa
phương để nhập cảng những thiết bị theo nhu cầu tiêu thụ ngoài thị
trường. Sau khi máy móc về nước, họ mang ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng
bán lại, lấy tiền lời đút túi, còn tiền vốn tiếp tục mua sắm thiết bị
nữa, cuộc kinh doanh bằng vốn kẻ khác quay vòng trên tờ giấy phép xây
dựng đài truyền hình địa phương… Khi ông Thành đặt vấn đề, lãnh đạo cơ
quan thách thức ông cứ việc phúc trình. Bản báo cáo chi tiết của Trần
Quang Thành dẫn đường cho công an mở cuộc điều tra, thu hồi số hàng hóa
trị giá gần 30 ngàn đô của thời giá năm 1987, và dẫn đến chỗ cả bản thân
ông Thành lẫn người con gái mất việc. Để hợp pháp hóa việc trói tay ông
Thành, năm 1988, lãnh đạo cơ quan đẩy ông trở về Hà Nội, vẫn trong sổ
lương của đài truyền hình Việt Nam nhưng ông bị vô hiệu hóa, ngồi chơi
xơi nước, và lãnh trợ cấp thất nghiệp để sống qua ngày.
Để thoát cảnh ăn không ngồi rồi, Trần Quang Thành trở lại viết báo, mở
đầu là phóng sự "Đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới", phơi bày ra
ánh sáng đường dây trải dài từ Hà Nội, Hải Phòng vào tận Nha Trang, Cần
Thơ, Sài Gòn để xuất cảng chui đàn bà con gái Việt Nam qua Mã Lai, Ma
Cao và Miên phục vụ thị trường tình dục. Sau khi phóng sự được truyền
thanh, công an đến gặp để xin ông cung cấp tài liệu cho họ phá án. Lần
này, ông Thành không cho. Tác giả bài báo tâm sự: "Tôi không còn tin
công an. Tôi đã có quá đủ kinh nghiệm sau vụ chống tham nhũng lần trước ở
Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình Sài Gòn rồi. Lần ấy
công an cũng yêu cầu tôi cung cấp tài liệu để phá án, nhưng sau khi thủ
đắc tài liệu và chứng cớ, công an đã gặp riêng để thông đồng với bọn
tham nhũng, và nhận chìm xuồng vụ án. Kết quả chỉ có hai bố con tôi mất
việc".
Lần này, bị Trần Quang Thành từ chối, công an báo cáo cho Tổng Bí Thư Đỗ
Mười; ông Mười cho thư ký xuống truyền lệnh Trần Quang Thành phải cung
cấp tài liệu, vào dạo tháng 10/1989. Với tài liệu cụ thể, chỉ trong vòng
1 tuần, công an Hà Nội "phá" xong vụ trọng án, và kết quả là bọn xã hội
đen bắn tin cho biết hoặc sẽ giết, hoặc sẽ làm cho anh nhà báo thân tàn
ma dại. Như thế, rõ ràng chính công an đã tiết lộ cho các hung thủ biết
người cung cấp tài liệu là Trần Quang Thành.
Vài tháng sau, trùng hợp với quyết định của chủ tịch hội đồng bộ trưởng
về công tác chống buôn lậu thuốc lá nước ngoài, Trần Quang Thành lại
viết phóng sự "Đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại bằng đường bưu điện và
đường hàng không". Mấy hôm sau, lại cũng Tổng Bí Thư Đỗ Mười cho người
xuống ra lệnh cho ông cung cấp tài liệu để phía công an phá án.
Đúng là công an có "phá" án, nghĩa là thay vì bắt chính thủ phạm đưa
thuốc lá từ Nam ra Bắc là Vinh Lé, Hà Nội lại cho tuyên đọc lệnh bắt
Cường Ngọng, thằng bé 16 tuổi con của Vinh Lé, trong khi Vinh Lé đứng
đấy xem công an lập biên bản. Trần Quang Thành phản đối. Ngày hôm sau,
khi công an ầm ỹ xe pháo tới diễn vở tuồng bắt Vinh Lé, thì thằng bố đã
bỏ trốn từ khuya. Tháng 3/1991, chúng đưa thằng con ra tòa, và thằng bé
vô can bị tuyên án 3 năm tù. Mấy tuần sau, vào một đêm đầu tháng 4 Vinh
Lé đã trở về. 12 giờ đêm, công an hình sự do trung tá Đỗ Kim Tuyến đột
nhập vào nhà để bắt, Vinh Lé xuất chưởng bằng tờ lệnh 'ngưng truy nã' do
Nguyễn Đức Nhanh, trung tá trưởng phòng cảnh sát điều tra xét hỏi ký.
Thế là cuộc bắt giữ đã bị vô hiệu hóa. Để biết mạng lưới mafia đang
ngang nhiên thao túng bên trong bộ máy chính quyền Việt Nam thế nào,
chúng ta chỉ cần biết hiện nay Nguyễn Đức Nhanh là trung tướng Phó Tổng
Cục trưởng Tổng Cục An ninh 2 thuộc Bộ Công an Việt Nam kiêm Giám đốc
Công an thành phố Hà Nội kiêm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII Quận
Ba Đình, Cầu Giấy của thủ đô Hà Nội.
Ngay sau màn công an tép riu đụng đầu lệnh 'ngưng truy nã', ký giả Trần
Quang Thành phổ biến bài báo "Ông Nhanh ký nhanh quá!", trong đó tác giả
nói huỵch toẹt rằng lực lượng công an chỉ bảo vệ cho bọn tham nhũng chứ
không hề bảo vệ cho lực lượng chống tham nhũng. Ba tháng sau, tác giả
bài báo mới thấm thía hết hậu quả của ngòi bút mình. 5g30 sáng
4/07/1991, khi ông Trần Quang Thành đang cởi trần và mặc quần xà lỏn
quét sân nhà chuẩn bị cho người con gái bày hàng quán bán bún ốc, riêu
cua, một thanh niên trên dưới 20 tuổi ghé vào hỏi "chú ơi cho cháu hỏi
nhà báo Trần Quang Thành ở đâu?" Liền sau khi ông Thành trả lời "Là tôi
đây", hắn đã hắt nguyên một ca đầy acid vào mặt Trần Quang Thành.
Lượng acid quá nhiều tạt vào mặt và chảy dài xuống hai cánh tay ông
Thành, làm nạn nhân phải đi cấp cứu và trải qua 15 cuộc giải phẫu, rồi
nằm điều trị tại bệnh viện trên một năm. Ngày nay, hai cánh tay còn đầy
những vết sẹo cháy dính da, mắt trái mù, mất cả miệng lẫn mũi, thương
tật tới 81%, riêng khuôn mặt bị tàn phá và biến dạng đến độ ghê rợn (xem
trong hình đăng kèm), mặc dù đã được tái tạo phần nào những chỗ trên
khuôn mặt đã bị chất cường toan ăn mất đi. Trong thời gian này, gia đình
ông đã gửi đơn lên phòng cảnh sát điều tra của công an thành phố, để
rồi được đội trọng án của công an Hà Nội và đội cảnh sát điều tra công
an quận Đống Đa vào bệnh viện thăm hỏi, và báo cho nạn nhân biết "vụ án
của bác đã được báo cáo lên bộ rồi. Trung Tướng Phạm Tâm Long, thứ
trưởng thường trực Bộ Nội Vụ đã chỉ đạo một ban chuyên án. Sở Công An Hà
Nội cũng có một ban chuyên án do ông Vũ Đình Hoành làm trưởng ban.
Chúng tôi đến đây để làm nhiệm vụ thu thập bằng chứng". Về sau, ông
Thành kể "họ giao hẹn với tôi là tuyệt đối tôi không được cung cấp tư
liệu cho các báo. Vì khi các báo đăng vụ của tôi lên, nếu có người vào
bệnh viện giết tôi để thủ tiêu chứng cớ thì phía công an không chịu
trách nhiệm". Từ chỗ ông TQT đã im lặng để bảo toàn tính mạng, không một
tờ báo nào trong nước biết để loan tin về vụ tạt acid này. Mười bốn
tháng sau, đến khi nạn nhân Trần Quang Thành xuất viện, vụ án vẫn chìm
xuồng. Tới tháng 11/1992, tờ Tuần Tin Tức đăng bài "Nỗi Đau Người Mẹ",
kể về bà mẹ của Trần Quang Thành, người từ năm 1960 đã từng nhận nuôi 30
đứa trẻ mồ côi, vừa cho đi học chữ vừa học nghề. Sau ba mươi năm đóng
góp, người mẹ nay chỉ có một người con trai duy nhất đang lâm cảnh tàn
tật không nơi nương tựa. Bài báo lọt vào mắt Đỗ Mười, ông ra lệnh cho Bộ
Lao Động Thương Binh Xã Hội và Bộ Nội Vụ 'làm rõ' vụ này. Nghe được tin
này, ông Thành đến thẳng công an Hà Nội để hỏi xem về tiến triển vụ án,
để được đại tá phó giám đốc công an phụ trách an ninh Phạm Chuyên cho
xem toàn bộ sổ họp giao ban ngày ông Thành bị tạt acid 4/07/1991, trong
đó hoàn toàn không có bất cứ báo cáo nào về trường hợp ông Thành bị đòn
thù. Việc bưng bít vụ án ngay từ đầu đã thành công tuyệt diệu. Không tin
vào mắt mình, Trần Quang Thành đến hỏi ông Nguyễn Văn Tình, phó giám
đốc công an phụ trách tổ chức lực lượng, ông ta cũng thề rằng ông ta
không hề biết gì cả. Chưa nản, nạn nhân xin gặp Phạm Tâm Long, thứ
trưởng thường trực Bộ Công An. Ông Long cũng nói không biết gì hết. Ở
chỗ riêng tư, cả hai ông Tình và Long đều xác nhận với ông Thành nếu như
đừng bị bưng bít thì vụ này chỉ cần nửa tháng hay 10 ngày là tóm được
thủ phạm ngay. Tiếp theo, bà trung tá Thủy, Đội trưởng Đội Trinh sát
Hình sự Công an Hà Nội mời nạn nhân đến, và nhìn nhận với ông Thành là
trong vụ án này công an Hà Nội "có tiêu cực". Trần Quang Thành, người
dân Hà Nội, một bánh xe trong guồng máy cai trị của cộng sản đã rút ra
bài học. Ông kết luận: "Tôi phản đối chuyện họ làm ăn gian dối; họ lại
thách thức tôi: 'nói thật với bác, đó là cả một bộ máy có bánh xe nhỏ
bánh xe to. Bác mà đi ngược bánh xe bác sẽ gãy. Kinh nghiệm của bác
đấy!'"
Ngoài bản thân bị tàn phế, hành động chống tham nhũng của Trần Quang
Thành còn làm con gái ông liên lụy. Cháu thất nghiệp phải đi bươn chải
để nuôi một đứa con không cha, nhiều lúc cùng đường phải vào bệnh viện
"hiến máu" để nhận được tiền thù lao bồi dưỡng. Rồi một lần đang cho máu
thì người mẹ bị trụy tim và gục. Hôm 12/08/2004, con gái ông Thành đã
vĩnh viễn ra đi, bỏ lại cho ông đứa cháu ngoại. Trần Quang Thành tìm tới
gõ cửa cả nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng để chỉ nhận được an ủi và
lời khuyên suông.
Gần đây, sau khi trả lời phỏng vấn của các đài VOA và Á châu Tự do,
trong đó vạch mặt chế độ thối nát và bất nhân, nhà báo Trần Quang Thành
cảm thấy sống trong nước không còn an toàn nữa nên phải chọn giải pháp
bỏ Hà Nội ra đi. Biết rằng tị nạn chính trị sẽ gây khó khăn cho con cái
và thân nhân ở lại, ông Thành đã quyết định xin định cư cùng con trai ở
Slovakia (một phần đất trước năm 1993 còn là lãnh thổ Tiệp Khắc) từ
tháng 8/2008.
Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của đài SBTN hôm 22/06/2011, ông cụ 70
tuổi Trần Quang Thành bật khóc dễ dàng như một đứa bé thơ khi kết thúc
câu chuyện thương tâm của chính mình và ngỏ lời cảm ơn đồng bào Việt Nam
ở hải ngoại đã quyên góp tiền bạc gửi về giúp ông trang trải trong
những lần giải phẫu. Nạn nhân không đưa ra một lời hô hào chính trị nào,
nhưng với chỉ một khuôn mặt tàn phá ghê rợn của ông cũng đủ để thế giới
thấy bằng chứng tội ác và sự dã man của đảng Cộng sản và nhà nước Việt
Nam mà Hồ Chí Minh đã cưu mang và sản sinh.
Gia đình "phản động" ở tỉnh Sơn Đông
Ngày mồng hai tết Nhâm Thìn, mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền TQ
(Chinese Human Rights Defenders, www.CHRDnet.com) báo tin hồi tháng
10/2011 thằng bé 10 tuổi Trần Khắc Duệ, con trai luật sư mù Trần Quang
Thành, đã dùng dao cắt trái cây để tự cắt vào tay mình, với hy vọng sau
khi nhập viện vì vết thương, bố mẹ em có thể đến thăm em. Nghe tin con
vào nhà thương, người mẹ là Viên Vĩ Tĩnh, vợ anh Trần Quang Thành, tìm
mọi cách để đi thăm con, nhưng mỗi lần đi đều bị công an bắt lại, đánh
dập, và giam lỏng tại nhà. Đã lâu lắm, từ tháng 9/2008, mẹ con chị không
gặp nhau. Trong tình trạng chồng chị bị quản thúc tại gia sau khi được
phóng thích từ khám đường hồi tháng 9/2010, thằng bé phải sống với ông
bà ngoại, và vợ chồng chị liên tiếp bị chính quyền địa phương từ chối
đơn xin thăm con.
Kinh nghiệm mà luật sư họ Trần học được khi tiếp cận chính quyền, là vào
lần anh lặn lội về Bắc Kinh hồi 1994 để xin chính phủ xét lại mức thuế
mà nhà nước áp đặt lên gia đình anh. Là diện tàn tật, lẽ ra anh phải
được miễn thuế và các thứ phụ phí. Từ thành công này, TQT vội tưởng rằng
đời là một bài toán dễ, hai với hai nhất thiết sẽ là bốn. Anh tự nguyện
đứng ra làm đơn cho những người tàn tật khác không thể đóng nổi thứ sưu
cao thuế nặng mà họ phải gồng gánh. Tiến thêm bước nữa, anh tổ chức dân
làng tiến hành các chiến dịch chống lại bất công xã hội. Năm 2000, Trần
Quang Thành tập hợp người trong xã ấp mình và 78 người địa phương khác,
để ký tên tập thể, chống lại một nhà máy giấy xả hóa chất nhuộm bột
giấy độc hại ra sông, làm mùa màng bị hủy hoại và các giống thú hoang
hiếm quý bị tuyệt chủng.
Nhưng tới năm 2005 vụ làm tên tuổi anh dậy sóng mới bùng nổ. Lần này,
TQT được thế giới biết tới sau khi anh tiến hành một vụ kiện chính quyền
thành phố Lâm Nghi về sai phạm của họ trong việc cưỡng bức chính sách
"một con". Cán bộ địa phương này đã cưỡng ép trên 7.000 phụ nữ phải
triệt sản và phá thai khi thai nhi đã lớn, cận kề ngày sinh, trong khi
trên danh nghĩa, luật pháp quốc gia ngăn cấm các biện pháp thất nhân tâm
ấy. Trong vụ này, anh nêu đích danh nhiều quan viên đã có hành vi bắt
giữ trái phép và tra tấn dã man người thân thích của những đối tượng tìm
cách trốn tránh hay chống đối các biện pháp triệt sản và phá thai ấy.
Nhân danh các phụ nữ bị xử ức, Trần Quang Thành nạp hồ sơ kiện bộ máy
chính quyền thành phố Lâm Nghi, làm dân làng tỏ thái độ công khai đồng
tình với anh. Anh lại lặn lội về Bắc Kinh để tìm cách đòi chính quyền
bồi thường cho các phụ nữ đã bị biến thành nạn nhân. Lần này anh trượt
vỏ chuối. Đảng và nhà nước gạt hồ sơ, không xử. Phần thưởng dành cho anh
là phóng viên tuần báo TIME tìm gặp anh để phỏng vấn, rồi tường thuật
nội vụ khiến cả thế giới để mắt vào. Bài báo đã làm Ủy ban Quốc gia về
Kế hoạch Dân số và Gia đình TQ phải mở cuộc điều tra vào tháng 8/2005.
Qua tháng kế, ủy ban này thông báo một số viên chức cao cấp của Lâm Nghi
bị bắt, nhưng chính Thành cũng bị quản thúc tại gia từ tháng 9/2005,
sau khi anh không thỏa thuận "làm việc" với chính quyền để bãi nại và
rút đơn khiếu tố. Đến tháng 10, anh trốn về thủ đô để tìm cách liên lạc
với các đầu mối liên lạc tại Bắc Kinh, nhưng đã bị chặn bắt, bị đánh
đòn, và áp giải về lại địa phương. Họ tố cáo anh nhận tiền bạc của ngoại
bang để tiến hành các chiến dịch chống phá đảng và chính phủ trong
nước. Với tội danh này, người ta dẫn anh đi khỏi nhà vào tháng 3/2006,
và Ủy ban Nhân dân thành phố Lâm Nghi chính thức đọc lệnh bắt giam anh
từ tháng 6/2006, và sẽ ra hầu tòa vào ngày 17/07. Giờ chót, phiên tòa bị
đình hoãn tới 18/08/2006, vì dân chúng tập trung trước pháp đình để ủng
hộ cho TQT. Một ngày trước tòa khai mạc, công an đã bắt cả 3 luật sư
ghi tên biện hộ cho anh. Kế đó, hai người được thả ra sau khi điện thoại
di động của họ bị tịch thu. Riêng Hứa Chí Vĩnh, người luật sư của Công
ty Dịch vụ Luật pháp Ức Thông nắm vững tường tận nhất chi tiết các vụ
cưỡng bức phá thai trong hồ sơ khiếu tố của Trần Quang Thành, đã bị công
án giam giữ vì tội lấy trộm ví của một người đàn ông khác. Ngày xử án,
luật sư của anh bị cấm vào tòa, và anh không được biện hộ thích đáng.
Ngày 24/08/2006, sau phiên tòa chớp nhoáng kéo dài trước sau đúng 120
phút, Trần Quang Thành bị tuyên án 4 năm 3 tháng vì tội “phá hại tài sản
và tổ chức bọn côn đồ để làm gián đoạn giao thông công cọng”. Luật sư
Hứa Chí Vĩnh chỉ được thả ra sau khi phiên tòa kết thúc.
Vụ án Trần Quang Thành được bà Margaret Beckett, Bộ trưởng Ngoại giao
Anh, chọn làm trường hợp điển hình của bản báo cáo về nhân quyền của
chính phủ năm 2006, để chứng minh chủ trương của nhà cầm quyền TQ thực
hành cách tùy tiện áp dụng luật pháp và hiến pháp. Ngày 30/11/2006, tòa
án huyện Nghi Nam y án Trần Quanh Thành, rồi ngày 12/01/2007, Tòa Hòa
giải Lâm Ấp bác đơn kháng án của anh luật sư mù to gan dám một mình
chống đối chính quyền Cộng sản.
Vào ngày 8/09/2010, sau khi thi hành trọn vẹn bản án, anh được phóng
thích, nhưng vẫn còn dưới chế độ quản chế, tức bị giam lỏng như các cựu
sĩ quan VNCH khi học tập về, tại Đông Sư Cổ thôn nơi anh đăng ký hộ khẩu
thường trú. Tuy nhiên, cả Trần Quang Thành lẫn chị vợ Viên Vĩ Tĩnh đều
coi thường công an, và cứ tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài qua
băng video hay thư tín. Đáp lễ lại, công an đánh đập cả vợ liền chồng,
cũng như tịch thu tài liệu, dụng cụ liên lạc của họ. Nhà nước cũng ưu ái
cắt điện, và gắn các tấm sắt lên cửa sổ để phá sóng nhà họ. Việc sách
nhiễu của chính quyền nhằm vào gia đình anh TQT, bao trùm cả đứa con
trai bị cách ly của họ. Thằng bé Trần Khắc Duệ thoạt đầu bị cấm tới
trường, đồ chơi bị công an lập biên bản tịch thu. Sau đó, mỗi lần cháu
đi học, có 3 tên công an bám theo như canh giữ một điệp viên; mỗi ngày
như mọi ngày, chúng lục soát sách vở và cặp của cháu, xem kỹ từng trang,
từng dòng chữ viết trong các cuốn tập. Tại trường, cháu không được ra
khỏi lớp. Về nhà cháu không được ra khỏi cửa. Phần mẹ của anh TQT, một
cụ bà tuổi 80, đang bị thấp khớp mản tính, ra đồng làm việc thì bị công
an theo sát từng bước để quấy phá, nằm nhà thì không được gặp con cháu
tới thăm để mang cho bà thuốc men trị bệnh. Có lần một viên chức đảng
cặp tay mẹ anh rồi xô bà té ngữa, đầu đập vào khung cửa, chắc đau lắm,
nên bà đã bật khóc. Đã thế, công an còn mắng TQT rằng vì anh mà đảng và
nhà nước đã tốn kém hết 60 triệu Nhân dân tệ (9 triệu rưỡi đô) để giữ
anh mù trong tình trạng quản thúc tại gia. Năm ngoái, báo New York Times
tường thuật rằng một số đông người ủng hộ và kẻ ngưỡng mộ đã tìm cách
chọc thủng hàng rào công an để vào thăm vợ chồng anh luật sư mù, nhưng
đã bị đuổi lui. Trong một ít trường hợp, mấy người này còn bị đòn vọt tả
tơi, bị đập đánh tàn bạo, bị trấn lột không thương tiếc bởi công an -
những người có súng. Vẫn còn những kẻ khác nóng lòng muốn tới tận nơi để
chia sẻ với người luật sư tật nguyền, trong số đó có các ký giả, các
nhà ngoại giao châu Âu, luật sư và trí thức. Hồi tháng 11/2011, dân biểu
Hoa Kỳ Chris Smith đã tìm cách tới thăm chính thức, nhưng giấy xin phép
của ông bị từ chối. Bà Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, mô tả rằng chính phủ
Mỹ đang báo động vì chính phủ TQ kéo dài việc giam cầm một người đấu
tranh ôn hòa; bà kêu gọi Bắc Kinh mở một lộ trình đối xử với dân khác
hơn. Các tổ chức hoạt động nhân quyền mô tả tình trạng quản chế của Trần
Quang Thành là "phi pháp", và kêu gọi nhà chức trách trả tự do cho anh.
Các người ủng hộ anh không ngớt mở các chiến dịch trên mạng để hỗ trợ
anh. Vào tháng 11/2011, Christian Bale cùng đi với một toán ký giả của
đài CNN tới tìm gặp TQT nhưng vì đám công an không coi xi-nê nên tài tử
lừng danh người Anh đã bị đấm, đá, bị xô đẩy thô bạo, đúng bài bản kiểu
công an cộng sản. Đoạn băng video ghi lại chuyến đi này đã cho khán giả
thấy Bale và các ký giả truyền hình Mỹ bị ném đá, rồi một chiếc minivan
đã rượt đuổi theo xe của họ suốt 40 phút mới thôi. Bale lên tiếng sau đó
rằng anh tìm đến chỉ với một mục đích tỏ tình đoàn kết với một trong
những nhà hoạt động cho nhân quyền mà anh hằng ủng hộ mục đích, và đến,
anh chỉ mong muốn được gặp gỡ và bắt tay để nói với TQT rằng việc làm
của con người khuyết tật ấy đánh động suy tư của người diễn viên tới mức
độ thế nào.
Sau khi các tổ chức nhân quyền công bố tình trạng giam lỏng của vợ chồng
anh hôm 9/12/2011, cả vợ lẩn chồng đã bị kẻ lạ mặt xông vào đánh nhừ
đòn. Tin tức vụ đánh đập này lọt ra ngoài nước, làm Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ
Ngoại giao Anh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, Tổ chức Ân xá Quốc
tế phải lên tiếng, kêu gọi nhà chức trách TQ phải thực sự phóng thích
anh, và gọi anh là "tù nhân lương tâm". Trần Quang Thành là người trúng
giải thưởng Hòa Bình Ramon Magsaysay năm 2007 của Phi Luật Tân - giải
thưởng được coi là Nobel của châu Á. Ngoài ra, tạp chí TIME của Mỹ ghi
tên anh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới nhất năm
2006.
Trèo tường
Ngày 22/04/2012 vừa qua, chờ đến khi bóng đêm phủ xuống xóm làng, Trần
Quang Thành đã trèo bức tường do nhà nước dựng lên bao vây quanh nhà
anh. Ra ngoài, như con mèo, anh nhẹ nhàng len lỏi khỏi nhiều trạm canh
bủa chặt quanh căn hộ dùng làm tù ngục giam giữ anh. Là một người mù,
giờ giấc nào trong ngày cũng là đêm đối với anh; ban ngày hay ban đêm
chẳng có gì khác biệt.
Bạn anh, nhà hoạt động dân chủ Hồ Giai, kể rằng Trần Quang Thành đã
quyết tâm vượt ngục từ lâu, và đã thai nghén trong đầu ý nghĩ đào hầm để
trốn, nhưng đã thất bại. Trong vài tuần trước lần tẩu thoát sau cùng
này, TQT đã không hề ló mặt ra khỏi nhà lúc ban ngày, để tạo cho công an
ấn tượng rằng anh đang bị bệnh nằm bẹp gí trên giường. Giữ liên lạc với
mạng lưới hoạt động của những nhà tranh đấu nhân quyền qua một điện
thoại di động chuyển chui vào trước đó, anh đã được hướng dẫn từng nước
bước, từng đường đi, vượt qua đỉnh bức tường chắn quanh nhà, và xuyên
qua các các trạm canh dày đặc như mắc cữi. Mặc dù anh chẳng còn xa lạ gì
với khung cảnh và địa hình làng xóm với không biết bao nhiêu lần tới
lui từ thuả bé, nhưng cuộc chạy trốn của một người mù trong đêm hôm
khuya khoắt cũng chẳng thể giống như cuộc vượt ngục của một người với
hai con mắt lành lặn như chúng ta. Nhìn đường và định hướng bằng hai lỗ
tai, anh đã té ngửa té sấp không ít hơn 200 lần. Hai mươi tiếng đồng hồ
sau khi rời nhà, anh đã tìm đến được vị trí qui ước trước, nơi Hà Bội
Dung, một phụ nữ làm nghề "bán cháo phổi" vừa là nhà hoạt động dân chủ
bí mật, đang chờ ở đó. Với cô giáo Hà Bội Dung làm tài xế, anh đã được
một dây chuyền của những nhà hoạt động dân chủ vận chuyển chui đến thủ
đô, để mất thêm mấy ngày sắp xếp bố trí nữa, trước khi anh lọt vào đại
sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Sau khi anh biến mất khỏi căn hộ tù ngục của
mình ở Sơn Đông, nhiều thân nhân và một số anh chị em trong dây chuyền
những nhà hoạt động dân chủ TQ đã bị công an bắt, hoặc đã mất tích. Ngày
27/04, Hồ Giai cho hay TQT đã được phép lánh nạn bên trong sứ quán Mỹ,
nhưng khi báo chí quốc tế hỏi, sứ quán không xác nhận, cũng chẳng phủ
nhận. Tin tức tiếp tục lan truyền ra, là Trần Quang Thành không tìm cách
rời lãnh thổ TQ, nhưng hy vọng sẽ có thể mặc cả với chính phủ, để tiếp
tục sống như một công dân bình thường, ở trong nước.
Tờ New York Times mô tả rằng sứ quán Mỹ chứa chấp Trần Quang Thành sau
khi đã chỉ thị lãnh sự quán Thành Đô từ chối cho trưởng công an thành
phố Trùng Khánh tị nạn trong vụ Bạc Hy Lai, đã tự gánh vào thân "một
tình trạng ngoại giao khó xử" đúng thời điểm mà Hoa Kỳ đang tìm cách cải
thiện quan hệ với TQ, nhằm được TQ hậu thuẩn trong các tiến trình ngoại
giao khác với Iran, Sudan, Syria và Bắc Hàn. Đã thế, ứng cử viên đảng
Cộng Hòa ông Mitt Romney còn tìm cách dồn Barack Obama vào chân tường,
bằng cách kêu gọi đương kim tổng thống phải làm bất cứ điều gì có thể để
bảo vệ cho Trần Quang Thành không bị trả về tình trạng bị bắt giam, như
đã quay lưng với Vương Lập Quân. Chỉ còn mấy bữa nữa là ngoại trưởng
Hillary Clinton sẽ đáp xuống Bắc Kinh để dự họp Hội nghị Cao cấp Thường
niên về Chiến lược và Kinh tế với TQ. Nhưng chuyện không thể chờ. Ngày
29/04, ông Kurt M. Campbell, phó ngoại trưởng được gởi tới trước để dàn
xếp vụ Trần Quang Thành có mặt bên trong sứ quán Mỹ, đúng lúc người luật
sư khiếm thị cho phát trên trang YouTube đoạn băng anh xuất hiện trong
một căn phòng tăm tối ở một địa điểm bí mật, nhấn mạnh mối lo rằng chính
phủ sẽ tiến hành các biện pháp trù dập và trả thù thẳng tay nhắm vào
người thân thích của anh, đồng thời anh đưa ra 3 yêu cầu với Thủ tướng
Ôn Gia Bảo: 1) những viên chức chính quyền địa phương từng hà hiếp gia
đình anh phải được đem ra tòa xử; 2) an ninh của gia đình anh phải được
bảo đảm; và 3) chính phủ TQ phải xét xử các vụ tham nhũng đúng theo qui
định của luật pháp. Trần Quang Thành đã nêu đích danh tên tuổi nhiều
viên chức hành chánh và công an địa phương đã đích thân đánh dập anh và
chị vợ, cũng như biến cuộc sống của đứa trẻ con anh thành một cuộc đọa
đày. Anh nói rõ ràng từng chữ: "mặc dù hiện nay tôi đang tự do, tôi vẫn
hết sức lo âu cho gia đình tôi: mẹ tôi, vợ tôi, con tôi còn trong tay
bọn chúng. Chúng đã làm khổ đau những người này từ rất lâu rồi và nay
chúng sẽ không từ bỏ màn trả thù điên cuồng nhắm vào họ vì sự ra đi của
tôi. Màn trả thù này có thể tới mức vượt ra ngoài sự tự chế". Bản cáo
trạng của người mù tiếp tục: "Tình hình thực tế ấy đã quá vô nhân đạo,
chính nó bôi bác hình ảnh của Đảng Cộng sản. Ví dụ có bữa chúng xông bừa
vào nhà tôi, hàng chục người đàn ông cùng đánh đá vợ tôi trong nhiều
tiếng đồng hồ. Phần kẻ tật nguyền như tôi, chúng cũng không từ nan việc
dùng đòn thô bạo". Trần Quang Thành đã nêu ra tên tuổi một đảng viên CS
điển hình cho những đảng viên khác. Đó là một hung thần có tên Trương
Kiện, phó bí thư huyện ủy đặc trách dịch vụ luật pháp của địa phương mà
TQT bị giam lỏng. "Ông này công khai tuyên bố nhiều lần rằng đừng nghĩ
tới chuyện pháp luật, đừng mơ tới thông lệ, đừng tưởng tới thủ tục, đừng
nói tới hiến pháp". Không thể nào rõ ràng hơn: trong các nước cộng sản,
đảng viên là cha mẹ dân, là luật pháp, là hiến pháp; đảng viên là ông
trời.
Trong khi đó, có tin anh ruột TQT và con trai ông ta, cũng như cha con
người anh thúc bá của Thành, đã bị công an xã Đông Sư Cổ bắt, vì tội
tiếp tay cho Trần Quang Thành trốn thoát. Tổ chức Ân xá Quốc tế lại kêu
gọi chính quyền Bắc Kinh bảo đảm an toàn cho TQT, cho gia đình anh, và
bạn bè anh, những kẻ đã giúp anh vượt trốn, họ viết: "Đây là thời điểm
để tấn tuồng nhơ nhuốc này kết thúc". Trong vòng 24 giờ, tất cả những
trang mạng nhận được ba chữ tắt "TQT" hay "luật sư mù" đều bị ngăn cản.
Cho tới khi ông phó ngoại trưởng Mỹ đến, nhà nước TQ hoàn toàn tịnh khẩu
về chuyện vượt ngục của người mù, còn báo Mỹ nói cuộc vượt thoát thành
công làm rúng động tâm can các nhà hoạt động dân chủ trong nước.
Người trong âm thầm
Cũng như khi bà tới thủ đô Miến Điện để gặp người cựu tù Aung San Suu Kyi, mọi chuyện đã vỡ ra và lắng xuống, sau khi ngoại trưởng Mỹ Clinton đặt chân tới Bắc Kinh, những cuộc dàn xếp ngoạn mục và các thỏa thuận chóng vánh đã xẩy ra. Bước một, Trần Quang Thành được Mỹ công khai bảo đảm an ninh. Đích thân đại sứ Hoa Kỳ tại TQ ông Gary Locke hộ tống TQT tới bệnh viện Triều Dương để khám và chữa trị vết thương ở chân. Bước hai, ông Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố nếu TQT muốn xin xuất cảnh đi du học, nhà nước sẽ cho đi, như cho bất cứ công dân nào khác. Giáo sư Jerome Cohen, người đang cố vấn cho TQT và là kẻ trung gian xin học bổng cho người luật sư mù cho rằng du học là giải pháp trọn vẹn nhất cho cả phía hai chính phủ Mỹ và TQ, cũng như cho cả gia đình Trần Quang Thành. Nhưng trong khi thủ tục du học chưa bắt đầu, thì Viện đại học New York đã ngỏ lời mời Trần Quang Thành đến với tư cách là giảng sư vãng lai.
Câu chuyện về ông Trần Quang Thành gốc Sơn Đông sắp chấm dứt bằng cuộc
sống tạm dung như người Việt chúng ta sau khi cộng sản miền bắc chiếm
miền nam. Còn người phụ nữ đóng vai trò kín đáo nhất và liều lĩnh nhất
trong cuộc vượt thoát từ Đông Sư Cổ thôn? Nữ giáo viên Hà Bội Dung đã bị
công an bắt tại nhà cô ở thủ phủ Nam Kinh của tỉnh Giang Tô.
Đối với công dân mạng, họ biết tới cô bằng tên tiếng Anh là Pearl mà đài
BBC giới thiệu khi phỏng vấn cô. Cô đã được công an thả ra hôm thứ Sáu
ngày 4/05, sau khi có những can thiệp của các nhà ngoại giao cao cấp
trên thế giới, với chính phủ Bắc Kinh. Trong những cuộc xuống đường của
những người hậu thuẩn cho Trần Quang Thành những ngày dầu sôi lửa bỏng
vừa qua, người ta mang theo cả hình của Hà Bội Dung. Cô cho BBC biết là
công an đã bắt cóc cô và giam giữ suốt một tuần trong khách sạn và đã
đối xử tử tế, thay vì bị đánh đập hay tù tội như những chuyến trước.
Được hỏi về hành trình vượt thoát của TQT mà cô là tài xế, Hà Bội Dung
tránh né nói về thành tích của mình. Đơn giản, cô nói câu chuyện của anh
TQT có những điểm giống như cuộc vượt ngục trong phim The Shawshank
Redemption, trong đó người lão tù quản thủ thư viện để lại câu nói "Có
những con chim không thể chịu cảnh cá chậu chim lồng".
"Sự cứu rỗi đến từ nhà lao Shawshank" là một cuốn phim hay, và thú vị,
lại do hai tài tử gạo cội Tim Robbins và Morgan Freeman đóng, nên xứng
đáng được một nữ lưu như Hà Bội Dung nhắc tới. Câu chuyện kể về anh nhân
viên ngân hàng Andy Dufresne đi tù năm 1947 vì tội bắn chết vợ và tình
nhân của vợ khi hai người bị bắt quả tang đang ăn vụng. Trong nhà giam
Shawshank, anh bị các phạm nhân hãm hiếp, bị đòn bầm dập vì chống trả,
và bị mọi người cười vào mũi vì "trong tù ai cũng tự nhận là mình vô
tội". Cũng trong tù, anh khám phá ra anh phải vào tù mới học được cách
trở thành tội phạm. Với vốn liếng kiến thức và khéo tay, tính toán giỏi,
anh tạo ra một nhân vật ma tên Randall Stephens để giúp chúa ngục
Norton giấu tiền, trốn thuế, và tàng trữ tiền tham nhũng bằng cách cho
tù đi làm bên ngoài để kiếm lợi, cũng như tất cả tiền do Andy viết thư
xin xỏ được nhằm mở rộng thư viện nhà tù mà hắn cất giữ giùm. 18 năm
sau, một người tù trẻ tên Tommy xộ khám. Hắn kể lại lời một tên tù khác
nói với hắn là đã giết chết một phụ nữ với nhân tình của bà, làm ông
chồng bị đi tù oan. Mẩu tin này tới tai chúa ngục, hắn ra lệnh giết
Tommy để khỏi mất Andy; Andy mà lọt ra ngoài thì mọi manh mối tiền bạc
của chúa ngục bị lộ tẩy hết. Nhưng Andy đã vượt ngục, một cách êm thắm,
qua cái lỗ anh chàng đục xuyên bức tường dày, bằng cái búa để khắc chạm
đá, lấy vữa hồ và đá nghiền nhỏ cho vào túi, rồi thả xuống sân trong lúc
đi dạo, mỗi ngày một chút xíu bụi cát như các bà nội trợ nêm gia vị vào
thức ăn. 19 năm liên tục và lầm lì, Andy đã mở xong cánh cửa tự do cho
mình. Một đêm mưa gió sấm sét dữ dằn, Andy bò qua lỗ tường, ra đến chỗ
ống cống dẫn nước thải từ các hố xí của khám đường. Chờ mỗi lần sấm chớp
ầm ầm, Andy dùng đá đập một cú thật mạnh vào thành ống cống, rồi nhẫn
nha chờ tiếng sấm kế tiếp. Ông cống vỡ ra, Andy chui vào, các chất thải
của con người làm anh chàng muốn lộn mữa. Nhưng anh cắn chặt răng, để
đổi lấy tự do. Sáng hôm sau, mặc bồ áo quần sang trọng của chúa ngục,
mang luôn cả đôi giày bóng lộn của hắn, anh ung dung vào các ngân hàng
với căn cước của Randall Stephens, để đóng hết các tài khoản tiết kiệm
và rút thành tiền mặt. Anh cũng gởi tới tòa soạn báo Portland Daily
Bugle tất cả chứng cớ tội ác của chúa ngục. Cảnh sát tới bắt, nhưng hắn
đã tự xử bằng một viên bắn vào đầu.
Có lẽ điểm cảm động nhất là phần mà Red được ra tù, tuyệt vọng với cuộc
sống bên ngoài, nên thử dấn thân đi tìm bạn. Hắn tìm tới một nông trại ở
Buxton thuộc tiểu bang Maine, nơi có lần Andy kể rất chi li về một cây
sồi nằm chơ vơ ở cuối bức tường đá mà anh với vợ chưa cưới có kỷ niệm
với nhau. Tìm tới đúng chỗ hẹn, hắn tìm thấy một xấp giấy bạc giữa cánh
đồng hoang, cạnh một tờ giấy ghi rằng Andy đang cần một người để tiếp
tay vào một dự án lớn, và các chỉ dẫn cách đi tìm Andy, ở thành phố biển
Zihuatanejo bên Mễ, nằm trên bờ tây quay ra Thái Bình Dương. Phim kết ở
chỗ hai bạn tù gặp nhau. Dự án lớn chỉ là việc tiêu dùng số tiền 370
ngàn Andy lấy ra. Phần Red vi phạm lệnh "quản chế". Còn Andy là tên tù
vượt ngục sau khi bị giam giữ 19 năm do tội sát nhân mà anh là kẻ vô
can.
Rất tiếc, tôi chưa bắt liên lạc được, để hỏi Hà Bội Dung rằng cô muốn ví
Trần Quang Thành với nhân vật nào trong phim: Red, Andy hay ông già
Brooks - người được trả tự do rồi tự treo cổ vì buồn chán?
No comments:
Post a Comment