Le Nguyen (Danlambao)
- Hơn hai mươi năm gần một phần tư thế kỷ bị giam lỏng, nói theo ngôn
ngữ luật pháp Việt Nam hiện nay là quản chế tại gia. Daw Suu là tên gọi
thân thiện của ngôn ngữ Myanmar, nó có nghĩa là Cô Suu trong tiếng Việt,
Ms Suu trong tiếng Anh mà người dân Myanmar ưu ái giành cho bà Aung San Suu Kyi được giáo Sư, chủ tịch Klaus Schwab giới thiệu trên Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vùng Đông Á diễn
ra tại thủ đô Bangkok, vương quốc Thái Lan. Sự xuất hiện của Daw Suu
với trang phục truyền thống, từng bước khoan thai bước lên diễn đàn thu
hút sự chú ý của tham dự viên lẫn nhiều người khắp nơi trên thế giới
quan tâm theo dõi diễn biến chính trị của Myanmar qua hình ảnh Daw Suu
trên các phương tiện, kênh thông tin truyền thông hiện đại.
Hai mươi bốn năm kể từ lúc Daw Suu trở về nước đấu tranh cho một nước
Myanmar tự do, bà bị cô lập, cách ly với thế giới bên ngoài nhưng khi
trở lại diễn đàn thế giới hôm nay Daw Suu đã không làm cho hàng tỷ người
khắp nơi trên thế giới hâm mộ, ủng hộ thất vọng bởi chỉ với hơn một giờ
đồng hồ diễn thuyết, vấn đáp Daw Suu qua tiếng Anh lưu loát trôi chảy,
ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ với lối nói dí dỏm, lôi cuốn rất
thông minh đã làm nóng diễn đàn gây sự thích thú cho cử tọa với nhãn
quan chính trị sắc bén thể hiện bản lĩnh chính trị của một chính trị gia
thời đại.
Với chỉ một giờ đồng hồ ngắn ngủi Daw Suu đã truyền đạt được ý tưởng
cũng như gởi đến thế giới bản phác thảo chính yếu quan trọng then chốt
một chương trình đổi mới chính trị vừa tầm và rất thực tế cho đất nước
Myanmar mà Daw Suu đã đeo đuổi từ hơn hai mươi năm trước.
Trước hết Daw Suu định nghĩa, bàn về cải tổ đổi mới có nghĩa rằng đổi
mới là làm cho tình trạng hiện tại được tốt hơn và muốn đạt được mục
tiêu đề ra cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc, rồi từ nền tảng đó
tiến lên. Để chỉ ra nền tảng cải tổ đổi mới chính trị Myanmar, Daw Suu
dè dặt nhắc đến sự cam kết quốc gia, đến hệ thống chính trị hổ trợ do
giới độc tài quân phiệt hứa hẹn và lần lượt trình bày từng sự việc cụ
thể cho công cuộc phát triển quốc gia Myanmar.
Theo Daw Suu, muốn phát triển Myanmar hữu hiệu phải đặt ưu tiên cho
chính sách hòa giải dân tộc lên hàng đầu vì đất nước Myanmar được hình
thành từ nhiều sắc tộc khác nhau và hòa giải dân tộc phải dựa trên cơ sở
thật tâm tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
Về cải tổ hệ thống luật pháp, Daw Suu không hướng tới việc làm ra điều
luật mới vì Myanmar đã có rất nhiều luật, Daw Suu hướng đến nền pháp
trị, đến luật pháp phải được thực thi trong đời sống thực tiễn xã hội và
nhấn mạnh luật pháp làm ra không phải phục vụ lợi ích cho một cá nhân,
một nhóm, một tổ chức mà cho mọi người dân Myanmar.
Về cải tổ giáo dục Daw Suu không tìm kiếm, không hướng đến giáo dục cấp
đại học cho danh vị quốc gia là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà hướng đến
việc giáo dục đào tạo cho thanh niên cơ hội tìm được việc làm, bảo đảm
cuộc sống ổn định, tránh bùng nổ bất ổn xã hội vì mức thất nghiệp của
dân Myanmar đang ở mức rất cao.
Về cải tổ kinh tế Daw Suu kêu gọi đầu tư nước ngoài tạo đà cho đất nước
phát triển nhưng bà không ủng hộ, khuyến khích những ngành nghề tạo điều
kiện dễ phát sinh tham nhũng và không mang công bằng, lợi ích đến cho
mọi người dân Myanmar.
Đặc biệt, khi giáo sư Klaus Schwab hỏi Daw Suu nghĩ gì sau hai mươi bốn
năm khi ngồi trên phi cơ rời Myanmar? Daw Suu không nhắc đến dù chỉ một
lời về những tháng ngày sống dưới sự canh chừng, giám sát của chính
quyền quân phiệt Myanmar, bà chỉ kể lại chuyện người phi công tốt bụng
mời bà ngồi trong buồng lái lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Bangkok,
nhờ thế ánh sáng đèn đóm của sân bay thủ đô Thái Lan làm Daw Suu chóa
mắt, choáng ngợp bởi bà đến tham dự diễn đàn từ Myanmar, nơi bà vừa
chứng kiến người dân biểu tình phản đối cúp điện luân phiện và mấy mươi
năm trước bà đã từng đáp phi cơ xuống New York, London hồi ấy Rangoon
không khác biệt nhiều so với Bangkok, và hôm nay trở lại bà nhận thấy có
khoảng cách khá xa giữa Myanmar với Thái lan khiến trong đầu Daw Suu
bỗng lóe lên phải có chính sách năng lượng mới cho Myanmar.
Daw Suu cũng kể rằng từ nhỏ đã được mẹ dạy rằng trách nhiệm là thứ quan
trọng hơn tất cả mọi thứ khác trong cuộc đời, nếu con người sống thiếu
trách nhiệm thì không có ý nghĩa gì cả. Mặc dù vậy Daw Suu rất thực tế,
rất thành thật khi nói rằng trong cuộc đời không phải lúc nào bà cũng
đặt trách nhiệm lên trên tất cả nhưng bà luôn luôn cố gắng sống có trách
nhiệm.
Ngoài ra Daw Suu cũng có những câu lời phát biểu rất thông minh liên
quan về cải tổ đổi mới trong tiến trình dân chủ hóa cho Myanmar, chẳng
hạn như:
1) “Có người nói tiến trình dân chủ hóa là không thể đảo ngược nhưng để
cho nó không thể đảo ngược chúng tôi phải xây dựng thật vững chắc từ nền
tảng.”
2) “Các bạn đừng hỏi chúng tôi cần hỗ trợ gì cho công cuộc đổi mới của
Myanmar mà phải nói cho chúng tôi biết các bạn mong đợi gì và biết làm
những việc mà chúng tôi cần.”
Từ trong hơn một giờ diễn thuyết và vấn đáp, dù có trùng lấp một số ý
tưởng nhưng Daw Suu đã chỉ ra được hướng phát triển của Myanmar với các
chính sách luật pháp, giáo dục, kinh tế, xã hội, nhân dụng, năng lượng
dựa trên thực lực, thực tiễn, thực tế cũng như những vấn nạn đã đang tồn
tại trong đất nước cùng với những hệ quả xấu sẽ xảy ra trong phát triển
vào những ngày tháng tới cho Myanmar nếu thiếu viễn kiến, không có các
biện pháp thích hợp sẽ khó giúp đất nước Myanmar phát triển tốt đẹp và
bền vững.
Daw Suu cũng không mang ảo tưởng đổi mới sẽ đạt được mục tiêu đề ra khi
nhà cầm quyền sử dụng luật pháp tùy tiện, khi thành quả kinh tế không
mang lợi ích cho mọi người dân Myanmar mà lọt vào tay nhóm lợi ích lẫn
tham quan, và nếu giáo dục đào tạo không đặt trọng tâm vào nhân sự đáp
ứng nhu cầu phát triển mà chú mục đến danh vị thạc sĩ, tiến sĩ, đến danh
vị viển vông sẽ không giúp ích gì cho phát triển. Do đó, Daw Suu nhấn
mạnh đến pháp trị, đến giáo dục, đến nhân dụng đến tham nhũng, đến bất
công xã hội trong công cuộc cải tổ, đổi mới chính trị và phát triển kinh
tế vĩ mô của đất nước myanmar.
Qua viễn kiến trình bày trước cử tọa trên diễn đàn kinh tế thế giới Đông
Á, Daw Suu đã thể hiện phẩm chất của một chính trị gia thời đại có tầm
và là niềm hãnh diện lẫn kỳ vọng của nhân dân Myanmar.
Cũng nên biết thêm trên Diễn Đàn Kinh Tế thế Giới Đông Á có sự tham dự của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
và phái đoàn cộng sản Việt Nam. Do đó, những ai có theo dõi diễn đàn,
vô tình bắt gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn hẳn không khỏi
thất vọng qua những gì ông Dũng thể hiện trên diễn đàn này:
Một là thiếu văn hóa ứng xử lịch sự của một người văn minh khi sử dụng
ngôn ngữ của nước mình cho bài diễn văn mà không có vài lời nói đầu như
tổng thống Nam Dương đã làm khi sử dụng tiếng Nam Dương trên diễn đàn.
Hai là ông Dũng đọc diễn văn khá trôi chảy không vấp váp đúng là đọc
diễn văn, không ngắt câu, không diễn ý mặc cho cử tọa có chú ý lắng nghe
hay không, mặc cho phiên dịch nói theo phải hụt hơi vẫn không theo kịp
nhưng ông vẫn “vô tư” đọc.
Ba là nội dung của diễn văn soạn sẳn của ông Dũng chỉ là một đống con
chữ vừa sáo, vừa rỗng, vừa vô hồn với những câu “quyết tâm chính trị...
tính đồng bộ... phát triển đồng bộ... tăng cường huy động... nâng cao
hiệu quả..” chỉ thích hợp cho đại hội đảng cộng sản Việt Nam cũng như
chỉ thích hợp với những người suốt đời chỉ biết quán triệt chủ trương
đường lối... chứ nó không đáp ứng đúng thực chất chủ đề: “cơ hội và
thách thức trong định hình tương lai khu vực Đông Á thông qua kết nối”
của một diễn đàn mang tầm vóc quốc tế đề ra.
Không thể hiểu cũng như không thể biết ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
phái đoàn Việt Nam có nắm bắt, có tiếp thu hay học được gì từ người đàn
bà Myanmar có dáng người nhỏ nhưng có trái tim lớn với bộ óc đáng nể này
mà trước đó không lâu trên diễn đàn khu vực, khối Đông Nam Á ông Nguyễn
Tấn dũng làm chủ tịch luân phiên đã từng lên lớp, giảng dạy tập đoàn
độc tài quân phiệt Myanmar mau mau triển khai lộ trình dân chủ, tổ chức
bầu cử công bằng có nhiều đảng phái tham dự để phát đất nước Myanmar.
Ngày nay độc tài quân phiệt Myanmar đã triển khai lộ trình dân chủ còn
độc tài cộng sản của ông thì sao hay dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ
vạn lần hơn... nên Việt Nam không cần phải triển khai lộ trình dân
chủ?
Quan trọng nhất là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Việt Nam
đi tham dự diễn đàn bằng tiền thuế của dân, có nhận ra hình mẫu của một
chính trị gia thời đại, đúng với ý nghĩa tích cực, đích thực của chính
trị: “Chính trị là những điều chính yếu, quan trọng trong việc tổ chức
cai trị sửa trị, hướng dẫn con người sống chung trong xã hội, phát triển
theo nhịp độ điều hòa ổn định và trật tự với những mẫu mực luân lý, đạo
đức, luật pháp, giáo dục ở mọi lãnh vực ngành nghề liên quan đến đời
sống con người.”
Qua diễn thuyết và vấn đáp trên Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Đông Á, Daw
Suu đã thể hiện đúng phẩm chất của một chính trị gia đúng nghĩa, với
nhãn quan, viễn kiến chính trị phát triển đất nước myanmar bao trùm lên
mọi phương diện từ luật pháp, giáo dục, kinh tế, xã hội, nhân dụng, năng
lượng. Thế thì ông thủ tướng Dũng, phái đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn
và các ông cán bộ, đảng viên được đảng cử dân bầu, được cơ cấu vào hệ
thống điều hành quản trị quốc gia, tức là các ông chính trị gia cộng sản
học được gì, biết được gì, hiểu được gì từ chính trị gia thời đại Aung
San Suu Kyi, đúng với vai trò, nhiệm vụ của ý nghĩa: “chính trị là thực
hiện những điều chính yếu, quan trọng trong công việc trị quốc an
dân...” còn các ông chính trị gia cộng sản thì sao, nằm ở đâu trong đời
sống chính trị thời hiện đại hay vẫn loay hoay, vẫn mãi nằm trong nhãn
quan chính trị là xây dựng lực lượng an ninh, công an hùng hậu trang bị
dùi cui, súng ngắn súng dài, khủng bố trấn áp, săn lùng bắt bớ bọn phản
động, các thế lực thù địch nói xấu, tuyên truyền chống phá, âm mưu lật
đổ chính quyền nhân dân?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 5 năm trước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos
No comments:
Post a Comment