Khi một nhóm người chiếm quyền
sở hữu tất cả ruộng đất trong một nước, không phải chỉ những người dân
mất đất bị thiệt thòi. Tai hại lớn hơn là nền kinh tế của cả nước bị đẩy
vào tình trạng trì trệ. Đây là điều mà ai đã học qua môn kinh tế đều
biết.
Người dân được cấp phát quyền sử dụng đất,
ruộng, nhưng không được làm chủ thật sự. Vì họ không có quyền đem ruộng
đất trao đổi. Quyền sử dụng cũng bị giới hạn trong 20 năm cho nên không
khích lệ người ta có kế hoạch khai thác lâu dài. Nhưng điều tai hại nhất
là ruộng đất không được biến thành VỐN, còn gọi là Tư bản, Das Kapital
như Karl Marx viết, tiếng Anh là Capital.
Nhiều người Việt Nam
đã đọc cuốn Huyền bí của Tư bản (the Mistery of Capital) của Hernando de
Soto, ra đời năm 2003. De Soto đã chứng minh rằng tại các nước nghèo ở
châu Mỹ La tinh, ở châu Phi, châu Á, một chướng ngại lớn trong việc phát
triển kinh tế là thiếu vốn, thiếu tư bản. Người ta chỉ nghĩ đến kêu gọi
nước ngoài đầu tư, trông chờ tư bản ngoại quốc. Nhưng cũng tại các quốc
gia đó, de Soto thấy có hàng ngàn tỷ đô la vốn nằm đọng, đáng lẽ có thể
huy động được nhưng lại bị bỏ phí. Lý do chính là người dân không có
quyền làm chủ đất.
Nghiên cứu các nước nghèo, de Soto tìm ra hàng
ngàn tỷ đô la bị phung phí như vậy chỉ vì dân nghèo không được làm chủ
đất. Họ sống ở những khu ổ chuột, dân làm nhà, ở đó từ đời cha đến đời
con, nhưng không có quyền làm chủ mảnh đất họ dựng nhà. Nhiều người đã
kinh doanh, tạo ra các xí nghiệp nhỏ, nhưng lại không được hợp pháp hóa,
vì họ không là chủ mảnh đất dựng lên các cửa hàng hay xí nghiệp đó. Khi
các tài sản này không được chính thức công nhận, người chủ không thể
đem cầm thế để vay vốn của ngân hàng. Họ không thê dùng tài sản đó để
góp vốn làm ăn với người khac, không thể đem bán hay mua lại, ngoại trừ
trong một nhóm nhỏ những người quen biết nhau. Nếu tất cả được chính
thức hóa, thì tổng số vốn có thể được huy động lên rất lớn.
Thí
dụ ở Haiti, nước nghèo nhất châu Mỹ La tinh, de Soto thấy tổng số tài
sản bị bỏ quên này lớn hơn tất cả những món tiền ngoại quốc đầu tư vào
Haiti trong suốt thời gian hai trăm năm, từ khi độc lập, năm 1804, đến
đầu thế kỷ 21. Lớn gấp 150 lần! Chỉ vì quyền sở hữu không được xác nhận,
nền kinh tế thiếu vốn. Nếu được công nhận, chính các nhà kinh doanh nhỏ
có thể dần dần mở mang công việc làm ăn của họ.
Lấy thí dụ gia
đình ông Đoàn Văn Vươn. Họ bỏ công sức đắp đê ngăn nước mặn, dẫn nước
ngọt, trồng cây, nuôi tôm, nuôi cả, trong mấy chục năm trời. Diện tích
khai thác lớn dần, từ 20 mẫu đến 40 mẫu (ha). Sống trong một nền kinh tế
tự do bình thường, một gia đình đã dùng mồ hôi nước mắt gần nửa đời
người để tích lũy được một tài sản như vậy, thì tài sản đó có thể biến
thành vốn làm ăn, để họ phát triển lớn hơn. Chỉ cần khai khẩn đất trong
vòng 5 đến 10 năm là họ đã có một tài sản có thể dùng để hợp tác làm ăn
hay đem cầm thế, đi vay ngân hàng rồi. Người chủ có thể mời người khác
góp thêm vốn với mình, dùng mảnh đất mình đã khai thác làm phần vốn đóng
góp. Hoặc người ta đến ngân hàng, ký giấy vay nợ, dùng mảnh đất đó cầm
thế cho món nợ. Sau khi làm ăn, tài sản lớn hơn, lại đi vay thêm để phát
triển.
Sau 20 năm, số vốn họ có thể huy đông sẽ giúp họ tự biến thành
các nhà kinh doanh về hải sản. Với sức cần cù chịu khó, đã chứng tỏ
trong việc khai thác đất biển thành đầm nuôi tôm, gia đình Đoàn Văn Vươn
xứng đáng trở thành những nghiệp chủ mới.
Những công ty Google,
Facebook lớn nhất trong công nghệ tin học ngày nay đều bắt đầu theo cách
đó.
Nhưng ở Việt Nam, gia đình Đoàn Văn Vươn không có cơ hội
phát triển, ngoài một cách duy nhất là tiếp tục đổ mồ hôi trên đầm lầy.
Bởi vì không được làm chủ mảnh đất mà họ đổ máu và mồ hôi khai khẩn, cho
nên họ không bao giờ có thể dùng tài sản đó gây dựng thêm vốn. Mà cuối
cùng, chính họ lại bị đe dọa trục xuất ra khỏi mảnh đất mà họ đã tạo
dựng nên.
Chính sách không cho dân làm chủ đất gây ra những cảnh
oan khuất đau lòng như trường hợp Đoàn Văn Vươn. Nhưng mối tai hại thực
ra còn lớn hơn nhiều, vì gây tai hại cho kinh tế cả nước chứ không phải
cho riêng một gia đình nào. Bởi vì đảng Cộng sản thu tất cả đất đai vào
tay một nhóm người quyết định, người dân Việt từ thành thị đến nông thôn
đều “tay trắng,” không ai được làm chủ một mảnh đất nào cả. Họ có thể
bỏ công sức làm lụng để xây hay mua một ngôi nhà, hoặc biến một thửa đất
thành ruộng trồng hoa mầu sinh lợi. Nhưng họ không có quyền làm chủ.
Tài sản của họ có thể được biến thành vốn, nhưng bị đặt vào thế bất
động. Đó cũng là cảnh tượng mà Hernando de Soto mô tả ở Ai Cập hay ở
Haiti!
Số tài sản bất động ở nước ta lớn đến bao nhiêu? Muốn
biết, chúng ta phải ước tính xem một nông dân trung bình đang có tài sản
độ bao nhiêu. Thí dụ, một nông dân gần đây đã cương quyết từ chối không
để cho nhà nước thu hồi khu ruộng của gia đình anh, trao cho các công
ty xây dựng; anh từ chối không nhận tiền bồi hoàn trị giá gần 200 triệu
đồng. Giả thử chúng ta coi nhà nước tính đúng giá 200 triệu một cách
công bằng. Nhưng trong thí dụ này, chúng ta càng thấy chính sách cướp
đất gây cảnh bất công thế nào.
Người nông dân này biết tính toán
lợi và thiệt khi từ chối. Bởi vì sau khi nhận số tiền đó rồi, gia đình
anh sẽ mất ngay công việc làm, mất luôn kế sinh nhai. Đối với các ông
nhà nước, trả 200 triệu “đúng giá,” nhưng đối với một nông dân thì
không! Vì với 200 triệu đồng, gửi ngân hàng mỗi năm anh sẽ được hưởng
bao nhiêu? Nếu ngân hàng trả lãi suất 10% thì mỗi năm anh sẽ nhận được
20 triệu đồng. Nhưng với mức lạm phát hiện nay, 20 triệu đồng sang năm
được lãnh sẽ còn giá trị 20 triệu nữa hay không? Với giá sinh hoạt tăng
10% một năm, một đồng năm tới chỉ còn giá trị bằng 90 xu năm nay thôi!
Rồi ba, bốn năm sau, số tiền 20 triệu đó có tương đương bằng 10 triệu
bây giờ hay không? Nghĩa là số tiền nhận được sẽ càng ngày càng nhỏ đi!
Ngược lại, nếu gia đình anh tiếp tục cầy cấy trên thửa ruộng, thì nếu
năm nay số thóc lúa kiếm được trị giá 40 triệu, sang năm cũng số lúa đó
sẽ lên 44 triệu vì giá sinh hoạt tăng 10%. Và năm sau đó, số thu hoạch
có thể bán được hơn 50 triệu; cứ thế tăng lên mãi theo đà lạm phát!
Ví
thử chúng ta công nhận tài sản của một nông dân trung bình là 200 triệu
đồng, thì 40 triệu nông dân Việt Nam hiện nay đang ngồi trên một đống
tài sản đáng giá 8,000 “triệu triệu” đồng, tương đương với 400 tỷ đô la
Mỹ! Đó là một số vốn khổng lồ mà nếu de Soto trông thấy sẽ phải kinh
hoàng!
Tài sản đó không thể huy động được biến thành vốn, chỉ vì
người nông dân không được công nhận là chủ thửa ruộng mình cầy! Con số
400 tỷ đô la trên chỉ ước tính trên ruộng đất mà thôi. Nếu tính cả những
khu đất mới được khai thác trên rừng, dưới biển, như gia đình Đoàn Văn
Vươn đã làm, nếu tính thêm cả đất làm nhà ở, xây nhà máy trong các thành
phố, thì tài sản bị ứ đọng, không được biến thành vốn ở nước Việt Nam
sẽ lên hàng ngàn tỷ đô la. Nếu mỗi năm Việt Nam nhận được 20 tỷ đô la
đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì số vốn bất động ở nước ta còn lớn
bằng số đầu tư ngoại quốc trong năm trăm năm, cho tới một một ngàn năm!
Vụ
án Đoàn Văn Vươn là một cơ hội để các nhà kinh tế nước ta, cùng tất cả
giới trí thức, thanh niên, và các doanh nhân đặt vấn đề với đảng Cộng
sản. Chủ trương cấm dân không được làm chủ nhân ruộng và đất đã được
nhập cảng từ Nga xô vào nước ta từ 30 năm nay.
Đã tới lúc phải hủy bỏ
chính sách lạc hậu và phản kinh tế này. Nó ngăn cản sức phát triển kinh
tế của dân tộc.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment