Cuối tháng 3 vừa rồi tôi đi thăm Thức, Thức nói tôi rằng ngày 6 tháng 4 tới là sinh nhật 46 của Lê Thăng Long và nhờ tôi nhắn là Thức rất nhớ Long, nhớ những tháng ngày ba anh em chia sẻ cùng nhau từng miếng cơm manh áo. Thức cũng nói rất nhớ Lê Công Định và hẹn ba anh em sẽ sớm trùng phùng. Tình bạn của họ thật đẹp. Sau này mà có dịp kể lại thì tôi tin đó sẽ là một câu chuyện để đời.
Một lần vợ Long nói anh Thức ở với anh Long còn nhiều hơn với vợ. Anh Long lấy vợ chỉ 8 năm sau đã phải vào tù 3 năm. Còn với anh Thức thì học chung, làm việc chung, hoạt động chung rồi ở tù chung. Khi Long ra tù ngày 4/6/2012 thì vợ đang công tác ở châu Âu, hai con đang ở Hà Nội với ngoại. Long phải chịu bị quản chế tại thành phố HCM để chăm sóc mẹ già đang chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chưa gặp lại vợ con, không một ngày nghỉ ngơi Lê Thăng Long bắt tay ngay vào chuẩn bị cho ra đời phong trào Con đường Việt Nam. Chỉ một tuần sau, ngày 11/6/2012 Long phát động nó, tiếp tục những gì ba anh em còn dang dở trước khi bị bắt. Từ Đức, vợ Long gọi về không giấu được sự lo lắng. Dù rất ủng hộ chồng và chính nghĩa chồng mình làm nhưng cô ấy lo ngại rằng vợ chồng con cái sẽ có thể không được đoàn tụ khi mình trở về sau chuyến công tác. Nguy cơ đó không hề nhỏ chút nào.
Nguyễn Phương Anh, vợ Long là một người phụ nữ trẻ đẹp và tài giỏi. Đi du học ở Pháp từ khi còn học cấp 3 và lấy bằng tiến sĩ toán học lúc chỉ mới 25 tuổi. Đứng trước nhiều lựa chọn tốt đẹp cho công việc và tương lai của mình ở nước ngoài, cô đã chọn trở về Việt Nam làm vợ Long và cùng chồng thực hiện những ước mơ tốt đẹp cho đất nước. Phương Anh giúp chồng thiết lập nên một trung tâm đào tạo tại công ty EIS mà Long là phó tổng giám đốc. Rồi sau đó lại từ bỏ một vị trí cộng việc đang rất tốt tại Đại học RMIT để theo chồng sang Thái Lan. Lúc ấy Long nhận nhiệm vụ qua nước này phát triển thị trường cho EIS. Một năm sau cô lại cùng chồng định cư tại Hà Nội và trở thành giảng viên Đại học Bách Khoa ở đó cho đến khi Long bị bắt vào tháng 6/2009. Cách đây vài tháng Phương Anh lại từ bỏ vị trí trưởng bộ môn toán tại trường Đại học này để chuyển cả hai đứa con vào Sài Gòn sống cùng chồng. Cô lại bắt đầu một hành trình mới để khẳng định vị trí của mình ở chỗ làm mới. Dù trải qua nhiều vất vả gian nguy nhưng mắt cô luôn có niềm tự hào, niềm tin và hạnh phúc.
Khi Long bị bắt thì mẹ mình đã bị bệnh ung thư. Sự tuyên truyền bóp méo đã tạo nên những dư luận lệch lạc mà một người phụ nữ kiên cường như bà cũng không tránh được những hiểu lầm và trách móc con trai mình. Bà chỉ muốn con mình trở về càng sớm càng tốt để ở bên mình và không còn dính dáng gì đến chính trị nữa. Bà cho rằng một môi trường chính trị suy thoái như hiện nay không phù hợp với con bà vì Long là người chân thật, cởi mở. Vui mừng không được bao lâu sau khi Long ra tù thì bà đã phải lo lắng và bực dọc khi phải đối diện với những áp lực chính quyền gây ra cho gia đình bà sau khi Long phát động phong trào Con đường Việt Nam. Bà đã nhiều lần khuyên Long từ bỏ con đường đó để an thân, lo cho mẹ già và con thơ. Rất yêu thương mẹ nhưng Long vẫn kiên định và kiên trì thuyết phục bà. Long luôn túc trực bên mẹ những tháng cuối đời, ở nhà hay trong bệnh viện, lo cho bà từng miếng ăn giấc ngủ. Tôi đã thăm bà nhiều lần trước khi bà trở về với tổ tiên và đã nhìn thấy được ánh mắt tự hào, đặt trọn niềm tin của bà khi nói về đứa con trai duy nhất của mình. Tôi rất chia sẻ với bà điều đó. Bà có quyền tự hào vì đã sinh ra một người con có ích cho đất nước.
Hơn một tháng sau khi bà ra đi, mẹ bà cũng về nơi chín suối. Nỗi đau ập lên Long chồng chất. Nhưng Long vẫn vững bước trên con đường đã chọn. Khi Long đi tù, đứa con gái lớn chỉ mới 6 tuổi còn con trai chỉ mới 3 tuổi. Vì sự cay độc của dư luận trong một môi trường xã hội mà người dân phải co rúm lại khi nghe chính quyền nhắc đến “phản động” nên gia đình đã phải giấu hai bé sự thật là ba mình bị đi tù vì hoạt động chính trị. Nhưng trẻ con bây giờ khôn hơn người lớn nghĩ. Không thỏa mãn với những gì người lớn giải thích về sự xa nhà rất lâu của ba mình, Minh Anh cô bé gái xinh xắn của Long đã trở nên trầm cảm. Thế vậy mà cô bé đã đứng ra trấn an cậu em Long Quân sau khi thấy mẹ mình đang bị đuối lý trước những câu hỏi dồn dập của cậu bé này mà cậu tin rằng ba mình đang đi tù. Tôi đã rất xúc động khi nghe về câu chuyện này. Những đứa trẻ chỉ năm, bảy tuổi đã có thể nghĩ ra những lý luận đơn giản để bảo vệ ba mình vì chúng luôn tin rằng ba mình là người tốt, không thể làm điều gì xấu. Nhưng chúng vẫn rất buồn vì không thể hiểu được tại sao ba mình lại phải mặc lên người bộ quần áo tù. Tuy nhiên, những lần thăm Long gần đây, tôi đã nhìn thấy được sự rạng rỡ đã trở lại trong ánh mắt của các cháu. Những niềm hạnh phúc, tự hào về ba mẹ mình tràn ngập trong cuộc sống của các cháu, gợi lên những niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp ở phía trước.
Long có một gia đình hạnh phúc, trước kia cũng như bây giờ. Nếu Long chấp nhận làm ngơ trước những bất công ngang trái thì anh đã có một cuộc sống yên bình, thành đạt, không mang đến sóng gió cho gia đình. Ngay cả bây giờ, khi có vợ con bên cạnh hạnh phúc thì anh vẫn phải đang đứng trước đầu sóng ngọn gió trên một con thuyền đang vượt qua giông bão trong một hành trình hướng về đích “quyền con người phải được tôn trọng và bảo vệ trên hết”. Hành trình này chắc chắn là không dễ dàng nhưng anh vẫn đang vững tay lái vượt qua từng cơn sóng dữ. Bên anh đang ngày càng có nhiều người hơn cùng giúp nhau nắm chắc tay chèo, tay lái. Và hành trình đó giờ đây không chỉ có một con thuyền. Nhiều đoàn thuyền khác nữa đang ra khơi để cùng hướng về một đích chung của tất cả mọi người dân Việt.
Cảm ơn Lê Thăng Long, nhờ anh mà tôi được tham gia vào hành trình đó và cảm thấy cuộc sống mình thật có ý nghĩa dù tuổi đã già. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi hướng dẫn được cho nhiều gia đình tù nhân lương tâm ý thức được quyền con người của mình để bảo vệ mình và người thân của mình bị cáo buộc sai trái. Tôi thường gặp gỡ và đi thăm cha mẹ, vợ chồng, con cái của những người này và cảm nhận rất rõ về sự thay đổi tích cực trong nhận thức và niềm tin của họ. Nếu trước đây có khá nhiều người rụt rè, co cụm, thậm chí là cảm thấy tủi hổ vì người thân của mình là tội phạm chính trị, là “phản động”, thì giờ đây họ đã trở nên cởi mở, tự hào vì người thân của mình là những con người dũng cảm, không sợ hãi để sử dụng quyền con người chính đáng của mình đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp cho đất nước. Họ cũng ngày càng tự tin hơn để sử dụng quyền con người của mình để đấu tranh cho công lý, cho tự do của người thân mình. Họ đã không còn cam chịu sự áp đặt của cường quyền và sợ hãi nó để phải âm thầm đau thương nhìn người thân mình bị áp bức mà không biết phải làm gì. Họ đã hiểu ra rằng càng cam chịu và sợ hãi thì sự bất công và sai trái mà họ nhận được càng nặng chứ không phải như những lời đe doạ, dụ dỗ và hứa hẹn.
Thời gian gần đây, ý thức về quyền con người của nhân dân đang ngày càng phát triển một cách rõ ràng. Người ta hiểu đó không chỉ là quyền đương nhiên của mình trong mưu sinh mà còn phải được bảo đảm trong tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Đó là những mầm sống sẽ nhanh chóng vươn xanh mạnh mẽ. Còn nhiều triệu hạt giống quyền con người như vậy đã được gieo vào đúng môi trường tự nhiên của chúng là con người. Không lâu nữa những hạt giống này sẽ sinh sôi nảy nở. Đó cũng sẽ là lúc mà đất nước sẽ có tự do, dân chủ để phát triển thịnh vượng, văn minh.
Thành tựu này được tạo ra bởi rất nhiều những người tiên phong ưu tú của đất nước đã dấn thân trong nhiều năm qua để đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ. Đã có những tiền bối phải hy sinh vì mục đích cao cả đó nhưng vẫn không thiếu những thế hệ tiếp nối hành trình ấy để có được thành tựu ngày nay. Và tôi tin rằng trong đó có sự đóng góp lớn của Lê Thăng Long.
Hành trình này còn nhiều chông gai nhưng chắc chắn sẽ nhanh về đích vì đang ngày có nhiều nhiều người như Lê Thăng Long tham gia vào hành trình ấy.
Chúc mừng sinh nhật Long. Chúc Long nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và hoàn thành được ước nguyện của mình cho đất nước.
Cảm ơn tất cả những gì Long đã làm vì quyền con người, vì đất nước.
© Trần Văn Huỳnh
No comments:
Post a Comment