Vụ án của
thế kỷ 21 (mà đối ảnh của nó là vụ án của thế kỷ 20 ở Nọc Nạn năm 1928)
đã kết thúc hôm nay (05-04-2013)* theo đó ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963)
bị tuyên phạt 5 năm tù, Đoàn Văn Quý (1966): 5 năm tù, Đoàn Văn Sịnh (SN
1957): 3 năm 6 tháng tù; Đoàn Văn Vệ (SN 1974): 2 năm tù về tội “giết
người” theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Hai
bị cáo Phạm Thị Báu (SN 1982, vợ Đoàn Văn Quý) bị 18 tháng tù cho hưởng
án treo, thử thách 36 tháng và Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ Đoàn Văn
Vươn) bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội “chống
người thi hành công vụ” quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật
Hình sự.
Suốt 15
tháng trời kể từ ngày họ bị bắt giam hoặc quản chế (từ 05-01-2012), mọi
tầng lớp nhân dân quốc nội (trong đó có cả một số quan chức), đồng bào
hải ngoại, người Việt lẫn người ngoại quốc, đều đã chăm chú theo dõi vụ
việc tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng này.
Hầu hết đều bênh vực cho các bị can nói trên, coi họ như những nạn nhân
vô tội của một vụ cưỡng chiếm đất đai tài sản do nhà cầm quyền địa
phương thực hiện.
Ai cũng
tưởng sau khi sự thật đã bị phơi bày trên hàng trăm tờ báo, hàng ngàn
trang mạng, hàng vạn bài biết, công lý sẽ được thực thi và các nông dân
được hoàn trả tự do, tài sản lẫn danh dự. Thế nhưng công luận đã hết sức
bàng hoàng phẫn nộ khi ngày 04-01-2013, Viện Kiểm sát thành phố Hải
Phòng đã ra một bản cáo trạng nặng nề truy tố anh em nhà ông Vươn, một
bản cáo trạng không có những nguyên tắc xác định sự thật của vụ án,
không làm rõ những chứng cứ quy kết, chẳng lột tả được bản chất sự việc,
nghĩa là nói lấy nói được theo cung cách xưa rày của Cộng sản! Tiếp đó,
ngày 18-03-2013, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định đưa
họ ra xét xử với các tội danh nói trên.
Theo các
chuyên viên luật, phiên tòa xét xử anh em Đoàn Văn Vươn trong 3 ngày qua
đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình
sự. Trước nhất là Điều 10: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án
phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một
cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có
tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình
tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.” Đến Điều 18:
“Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền
tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.” Rồi Điều 218: “Người
tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ
phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho
những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến…”.
Quả thế,
theo Facebook của ông Trần Đình Triển, một trong những luật sư biện hộ:
“Đa số các bị cáo đều tố cáo trong giai đoạn điều tra, họ đã bị đánh
đập, bức cung, mớm cung, dụ cung. Có nhiều trường hợp đưa giấy trắng ép
bị cáo ký khống vào… Nội dung cơ bản chưa cần xác định theo cáo trạng
đúng hay sai về người bị hại và người làm chứng, nhưng nóng lên tại
phiên tòa chính là việc Hội đồng Xét xử và Viện Kiểm sát hỏi theo hướng
buộc tội hoặc mang tính chất để buộc tội. Đến phần luật sư thẩm vấn thì
đa số bị Chủ tọa phiên tòa dùng quyền uy để cắt hoặc dừng câu hỏi, tạo
nên không khí căng thẳng tại phiên tòa không đáng có. Chủ tọa thì cho
rằng mình có quyền cắt hoặc dừng theo ý mình. Luật sư thì cho rằng: Chủ
tọa có quyền nhưng phải trên cơ sở pháp luật được quy định trong Bộ luật
Tố tụng Hình sự…”. Có lúc quan tòa lại đóng vai công tố nữa, một điều
hết sức quái đản đối với pháp chế của nhân loại văn minh!
Sau mấy
ngày xét xử, vụ án Đoàn Văn Vươn lại lộ ra nhiều tình tiết mới, ví dụ
như không phải anh em nhà họ Đoàn nổ súng trước, anh Vươn đã chỉ đạo em
trai mình là Đoàn Văn Quý chọn loại đạn 2,5-3mm thay vì đạn 5,5mm để
tránh gây chết người… Rồi cả phòng xử giật mình khi anh Đoàn Văn Vệ khai
trong quá trình thẩm vấn, có một điều tra viên đưa điện thoại để anh
gọi về bảo vợ đưa tiền bạc cho tay này. Lần đầu 20 triệu, lần sau 10
triệu, vì điều tra viên hứa sẽ lo cho anh thoát tội.
Nhưng sau đó không
thấy kết quả (vì vẫn tiếp tục bị giam giữ), nên anh Vệ đã đề nghị thay
đổi điều tra viên nhưng chẳng được đáp ứng…
Bên ngoài
phòng xử, thì như mọi phiên tòa chính trị mấy năm nay, tuy luôn được
tuyên bố là công khai, nhưng người dân và bạn bè, thậm chí thân nhân các
bị cáo đều bị ngăn chặn từ xa, rào chắn dựng cách tòa án cả trăm mét,
sóng điện thoại bị phá cả vùng. Công an sắc phục lẫn thường phục dày
đặc, côn đồ thì lúc nhúc, nhiều gấp mấy lần số dân đến tham dự. Bọn này
chỉ làm có mỗi một việc là xô đẩy, đánh đập, giật biểu ngữ, cướp điện
thoại và máy chụp ảnh, bị nhân dân chất vấn cho ra lẽ vẫn không thèm trả
lời. Một số blogger nổi tiếng đến lấy tin tức và ủng hộ nạn nhân của
pháp luật đã bị hành hung, có người trọng thương phải vào bệnh viện
nhưng ngay sau đó cũng bị tống ra ngoài, có người bị áp tải lên Hà Nội
như kẻ tội phạm…
Rốt cuộc
sau 3 ngày, bất chấp lời kêu gọi mãnh liệt của công luận, đến từ nhiều
chuyên viên pháp luật, nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều chức sắc tôn giáo
hoặc từ nhiều dân oan đồng cảnh ngộ, các ông Phạm Đức Tuyên –Phó Chánh
án Tòa án Nhân dân Hải Phòng, chủ tọa phiên tòa, Trần Mạnh Hùng – Thẩm
phán, Bùi Đăng Dung và Nguyễn Thanh Bình – Kiểm sát viên giữ quyền công
tố, cùng Hội thẩm nhân dân -với lối xét xử coi thường lương tri và luật
pháp- đã biến các nạn nhân thành tội phạm với những bản án bất công nặng
nề. Dẫu có chút kiến thức, nhóm “cầm cân công lý” ấy đã tỏ ra hoàn toàn
vô tư cách! Thay vì can đảm thực hiện đúng vai trò xét xử cao quý của
mình cách khách quan và độc lập, họ đã tối mặt làm theo lệnh trên, cụ
thể là từ Bộ chính trị CS.
Những kẻ đó -y như đám thẩm phán tại mấy
phiên tòa xét xử các chiến sĩ nhân quyền Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy
Thức, Nguyễn Văn Hải- là nỗi nhục khôn cùng cho nền công lý của Việt Nam
và cả nhân loại! So với vụ án Nọc Nạn gần 100 năm trước, thì quả thật
Thực dân Pháp còn có ý thức tôn trọng công lý và công luận hơn nhiều,
mặc dầu họ là những kẻ thống trị ngoại chủng. Chưa kể là qua gần 80 năm
cai trị, “bọn Thực dân tàn ác” đó còn làm nhiều điều hữu ích cho đất
Việt và giết sinh mạng của người Việt ít hơn những kẻ cùng bọc trứng mẹ
Âu Cơ, cùng da vàng máu đỏ nhưng đã bị mù quáng vì chủ nghĩa Mác Lê phi
nhân bản phản dân tộc!
Nguyên nhân
của vụ án, phiên tòa và những bản án đang làm cho toàn dân và quốc tế
công phẫn như thế, đó chính là vì nó động tới Cộng sản Việt Nam, một
đảng cầm quyền và một nhà cầm quyền độc tài độc đoán, không do dân bầu,
chẳng được dân chọn, chuyên thao túng quốc hội lẫn tòa án, độc dụng công
an lẫn quân đội, tự tạo Hiến pháp, bày ra luật pháp chỉ có lợi cho
riêng bè đảng, phe nhóm và hoàn toàn thẳng tay đàn áp tất cả những ai
động tới ngai vàng và túi bạc của họ. Cụ thể là họ đã bày ra Luật Đất
đai hết sức bất công phi lý, với lối khẳng định kiểu mị dân lừa bịp:
“đất đai thuộc về toàn dân” rồi kiểu độc chiếm trắng trợn: “…do nhà nước
đại diện sở hữu”, để biến mình thành ông chủ độc nhất của mọi tài
nguyên đất Việt!
Hơn 20 năm qua, bộ luật với nguyên tắc quái đản đó đã
khiến cho hàng triệu nông dân bị tước đoạt ruộng vườn, lâm vào cảnh dở
sống dở chết, lếch thếch kiện tụng vô vọng từ địa phương tới trung ương,
từ đời ông đến đời cháu, thậm chí nhiều người còn bị hành hung, bức tử
và tống ngục, hay bị đẩy đến đường cùng phải phản ứng như anh em nhà
Đoàn Văn Vươn.
Trong khi đó thì đảng viên và cán bộ ngày càng trở thành
địa chủ đỏ,
tư bản đỏ, bóc lột dân lành thì tài, hưởng thụ của cướp thì
giỏi, điều hành kinh tế thì ngu, quản lý quốc gia thì tệ, khiến đất nước
rơi vào cảnh xáo trộn xã hội, bất ổn chính trị, suy sụp mức sống của
toàn dân.
Những cảnh tượng tang thương đau lòng đã và đang xảy ra ở
nhiều nơi trên đất nước như Văn Giang, Kiên Giang, Phước Long, Thủ
Thiêm, Vụ Bản, Dương Nội… tại các vườn hoa công cộng lẫn trước các cơ
quan công quyền, nơi hàng vạn vạn dân lành ngang nhiên bị tước đoạt
nguồn sống, tước đoạt tương lai và bị tước đoạt cả quyền lên tiếng,
quyền kêu khổ…
Nền tảng
cho tất cả chính sách cai trị độc đoán, bóc lột trắng trợn và chà đạp
công lý đó chính là bản “Hiến pháp” mà Cộng sản đang đưa ra cho toàn dân
để gọi là “lấy ý kiến” từ đầu năm nay, với một vài thay đổi râu ria sau
khi đã ngồi trên nó 20 năm và nay không thấy êm nữa. Đọc kỹ “Dự thảo
sửa đổi” này, ai cũng thấy đó vẫn là thứ “cương lĩnh của đảng” (lời mở
đầu), vẫn tiếp tục khẳng định đảng là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã
hội” (điều 4), không chịu quyền kiểm soát từ bất cứ chỗ nào và không
chịu nhường quyền cai trị cho bất cứ ai, vẫn tiếp tục duy trì nguyên tắc
sai trái đã từ lâu đem cho đảng nói chung và đảng viên nói riêng biết
bao quyền lực lẫn của cải: “Đất đai tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu
toàn dân cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu” (điều 57).
Rồi để bảo vệ độc
quyền chính trị và độc hữu tài nguyên này (chưa kể độc tôn văn hóa qua
việc áp đặt chủ thuyết Mác-Lê), Hiến pháp dự thảo sửa đổi lại ngang
nhiên tuyên bố (điều chưa từng có trong các bản HP trước) là: “Lực lượng
vũ trang nhân dân [tức công an, quân đội, dân phòng…] phải tuyệt đối
trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam” trước cả Tổ quốc và nhân dân,
“có nhiệm vụ bảo vệ Đảng và Nhà nước” trước cả đồng bào và dân tộc (điều
70). Chưa hết, như để củng cố quyền lực của chính đảng và quyền hành
của công cụ đảng, mới đây lại còn có dự thảo bộ Công an đề xuất cho bắn
kẻ bị coi là “chống cán bộ thi hành công vụ”!
Viết lên
những điều như thế, phải chăng đảng và nhà cầm quyền CSVN muốn hợp pháp
hóa những gì họ đã làm trong quá khứ, đặc biệt qua vụ Tiên Lãng, và sẽ
làm trong các vụ Tiên Lãng tương lai mà họ dự đoán sẽ ngày càng có cơ
bùng nổ sau khi tân Hiến pháp và tân Luật đất đai được “đổi mới như cũ”
với nhiều tiềm năng tai hại cho đất nước và dân tộc? Thành ra, để trừ
hậu họa này, toàn dân Việt Nam, ngoài chuyện “biểu tình trên mạng” qua
việc ký vào các bản kiến nghị, các lời tuyên bố, còn phải “biểu tình
trên đường” hàng ngàn, hàng vạn, hàng ức, hàng triệu người để bày tỏ ý
chí và sức mạnh của toàn dân. Ý chí và sức mạnh đập tan áp bức độc tài,
đòi hỏi công lý sự thật, xây dựng tự do dân chủ!
BAN BIÊN TẬP
Bài này không dài nhưng đã phân tích rất rõ ràng, rất cụ thể, rất sâu sắc tính chất phi nhân nghĩa, phi dân tộc, phi pháp của cả chế độ cộng sản toàn trị và cách riêng đối với ngành tư pháp CSVN hiện nay so với ngành tư pháp của chế độ thực dân Pháp qua vụ xử án Nọc Nạn năm 1928 áp dụng cho người Việt, cho thấy rõ ngành tư pháp của chế độ thuộc địa Pháp còn biết đề cao & tôn trọng tính công minh của pháp luật, tính nhân bản của xã hội loài người hơn hẳn gấp trăm ngàn lần chế độ toàn trị hiện nay của CSVN.
ReplyDeletecám ơn Anh Cuong Mai Tu,
ReplyDelete