Friday, August 23, 2013

Hậu quả của “Tư duy ngược”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2013-08-22
000_Hkg4467982-305.jpg
Một đại biểu với lá phiếu trên tay trong ngày Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản VN tại Hà Nội, 17/1/2011
AFP photo


Ông Lê Phú Khải, tuy là một phóng viên kỳ cựu của Đài truyền hình Trung Ương nhưng không bao giờ gia nhập Đảng Cộng sản mặc dù cả gia đình ông hầu hết là Đảng viên thâm niên. Lý do nào dẫn đến việc từ chối gia nhập Đảng của ông Lê Phú Khải được Mặc Lâm tìm hiểu thêm qua bài phỏng vấn sau đây:
Mặc Lâm: Như chúng tôi được biết ông là một phóng viên kỳ cựu của Đài Truyền hình Trung ương Việt Nam và xuất thân từ một gia đình hầu hết là Đảng viên Đảng Cộng sản nhưng chỉ có ông là không gia nhập Đảng. Xin được hỏi ông lý do nào ông chọn thái độ đứng ngoài Đảng thưa ông?
Ô. Lê Phú Khải: Là vì tôi đọc sách triết học rất nhiều, tôi thấy một xã hội có đối thoại thì mới tiến bộ được. Nếu độc thoại thì không thể nào khá được. Chính vì vậy nhận thấy mình không hợp với một xã hội độc thoại, một Đảng độc thoại như thế.

Đường lối của Đảng phải do đảng viên góp ý thì nó mới thành đường lối. Đàng này đảng viên phải nghe ý kiến nghị quyết của trên xuống và phải chấp hành thì quá phi lý. Đó là tư duy ngược!
- Ô. Lê Phú Khải
Đường lối của Đảng phải do đảng viên góp ý thì nó mới thành đường lối. Đàng này đảng viên phải nghe ý kiến nghị quyết của trên xuống và phải chấp hành thì quá phi lý. Đó là tư duy ngược! Ví dụ như báo Nhân dân nói “đưa nghị quyết đảng vào cuộc sống” như vậy là nghị quyết đảng từ trên trời rơi xuống à? Phải nói là đưa cuộc sống vào nghị quyết đảng mới đúng, để từ đó mới trở thành nghị quyết của Đảng. Đó chính là “Nhận thức luận”  của Lenin đấy. “Từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tuợng”.
Tôi có anh bạn ở Cà Mau ra Bắc tập kết sau này anh ấy làm chức cũng lớn. Một lần anh ấy về quê anh ấy bảo: “má ơi nhà mình xa quá”. Bà má nổi đóa bả chửi: “chỉ có mày đi xa chứ nhà mình đâu có xa!” như vậy là tư duy ngược rồi còn gì nữa?
Mặc Lâm: Thưa ông, tuy nhiên có một nghịch lý là từ đó đến nay đã gần 70 năm, số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tăng không ngừng, cho đến nay đã có hơn ba triệu Đảng viên so với ngày đầu là 5.000 người. Câu hỏi đặt ra là tại sao số luợng cứ tăng mặc dù sai lầm vẫn rõ ràng như vậy?

Ô. Lê Phú Khải: Chính vì nó tăng như thế cho nên nó mới sai lầm! Bởi vì người ta cần chất lượng chứ không ai cần số lượng. Anh càng tăng bao nhiêu thì chứng tỏ cái chất lượng của anh bấy nhiêu. Số lượng không nói lên điều gì cả khi ngày xưa chỉ có 5.000 đảng viên nguời ta vẫn làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bây giờ kết nạp cả học sinh, sinh viên vào Đảng nữa. Đảng lãnh đạo tuyệt đối thế thì học sinh lãnh đạo thầy à? Nó phi lý ở chỗ đó.

LPK-250.jpg
Ông Lê Phú Khải
 
Như trong bài viết của anh Lê Hiếu Đằng tôi thấy anh ấy viết rất đúng. Trong trường phổ thông cũng kết nạp học sinh vào đảng, thế thì cái thằng học sinh trong lớp nó còn coi thầy ra cái gì nữa? Vì nó là Đảng cơ mà! còn thầy là nguời ngoài đảng thì làm sao thầy dạy được? như thế có phải là tư duy ngược hay không?
Tôi không phải là đảng viên cũng không phải là nguời cách mạng nhưng tôi là nguời tư duy, và tôi thấy như thế là tư duy ngược cho nên dứt khoát tôi không vào Đảng. Tôi không thể chấp nhận cái tư duy ngược như vậy.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết ông là một phóng viên kỳ cựu của đài Truyền hình Trung Ương và từng có dịp gặp gỡ các nhân vật cao cấp trong chính phủ trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông từng nói Thủ tướng Đồng là người có thái độ “kiêu ngạo cộng sản”. Theo ông thì đây là bản tính cá nhân hay nảy sinh từ hệ thống Đảng Cộng sản khiến cho Đảng viên thâm nhiễm cá tính này?
Ô. Lê Phú Khải: Không phải riêng ông Đồng đâu, rất nhiều người có chức có quyền như vậy. Do họ không đối thoại mà chỉ độc thoại nên họ rất chủ quan. Họ chỉ cho ý kiến của mình là đúng mà thôi.
Tôi nhớ ngày xưa khi ông nội tôi làm thư ký cho Toàn quyền Đông Duơng thì ông nội tôi kể khi đi đâu thì Toàn quyền cũng mang theo kỹ sư hay các nhà chuyên môn để nghiên cứu việc trồng cây gì nuôi con gì… Toàn quyền Đông Dương không có “quyết”. Chính anh kỹ sư phải xem phải suy nghĩ để “quyết” sau đó có biên bản đàng hoàng. Anh quyết, anh tham mưu sau này có chuyện gì tôi lôi cổ anh ra, như thế mới là khoa học.
Đây là cơ may cho ĐCS vì bây giờ có những người ôn hòa, nhiệt huyết, tâm huyết trong những vấn đề của đất nước, góp ý với Đảng để cùng với Đảng đối lập về tư duy để có đường lối đúng xây dựng đất nước.
- Ô. Lê Phú Khải
Còn bây giờ, một ông lớn xuống. Cây gì ổng thích thì bảo trồng cây đó và không ai được cãi cả. Nay trồng cây này, mai trồng cây kia mà không thăm hỏi gì cả thì chết dân!
Không thể nào tư duy xuôi chiều được mà phải tư duy nhiều chiều và có đối thoại thì mới tìm ra chân lý. Điều đó là quá rõ ràng, là ABC về triết học.
Tôi là một công dân, tôi sống trong chế độ Đảng cầm quyền thì tôi phải chấp nhận vì trước hết tôi phải sống đã. Tuy nhiên tôi không vào Đảng vì lý do đó.
Mặc Lâm: Trước tình cảnh mà ông gọi là tư duy ngược ấy thì đề nghị của ông Lê Hiếu Đằng như ông đã biết là thành lập Đảng Dân chủ Xã hội để đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam phải chăng là cơ hội để Đảng Cộng sản có dịp tự thay đổi tư duy của mình qua phản biện của Đảng kia hay không?

Ô. Lê Phú Khải: Tôi thấy là quá đúng rồi chứ gì nữa? Đây là cơ may cho Đảng Cộng sản vì bây giờ có những người ôn hòa, nhiệt huyết, tâm huyết… rất nhiệt huyết trong những vấn đề của đất nước thì người ta góp ý với Đảng để cùng với Đảng đối lập về tư duy để có đường lối đúng xây dựng đất nước. Đây là cơ may của Đảng Cộng sản.
Những người này đều có “lý lịch” cùng chung với Đảng Cộng sản và đó là những người yêu nước chân thành. Họ chủ truơng ôn hòa từ trước tới giờ và rất đứng đắn.
Mặc Lâm: Một lần nữa xin được cảm ơn ông.

No comments:

Post a Comment