Trên CNN Travel ngày 9 tháng Tám, 2012 từng giới thiệu về phong trào giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn Quốc trong bài “Welcome to the plastic surgery capital of the world” (“Chào mừng đến với thủ đô giải phẫu thẩm mỹ của thế giới”). Trong bài “A cut above” đăng trên The Economist ngày 23 tháng Tư, 2012 có đoạn:
In
2010 over 3.3m procedures were done in America, more than anywhere
else, according to a report from the International Society of Aesthetic
Plastic Surgery… But when population is accounted for, South Korea tops
the list. A 2009 survey by Trend Monitor, a market-research firm,
suggested that one in five women in Seoul had gone under the knife.
(Trong
năm 2010, trên 3.3 triệu cuộc (giải phẫu thẩm mỹ) đã được tiến hành ở
Mỹ, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác, theo một báo cáo của Hiệp hội quốc tế
về phẫu thuật thẩm mỹ…Nhưng khi tính trên dân số, thì Nam Hàn đứng đầu
danh sách. Một cuộc khảo sát của Trend Monitor, một công ty nghiên cứu
thị trường vào năm 2009, cho thấy rằng cứ năm phụ nữ ở Seoul thì có một
người từng trải qua dao kéo.)
Chuyện
giải phẫu thẩm mỹ đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân của xứ
này. Không chỉ các cô gái còn rất trẻ cho tới phụ nữ lớn tuổi, mà cả nam
giới nhiều người cũng muốn viện đến giải phẫu thẩm mỹ để giúp cho vẻ
ngoài của họ trông dễ nhìn hơn. Mà quả thật, công nghệ giải phẫu thẩm mỹ
ở quốc gia này thật tuyệt, có thể khắc phục mọi sai lầm của tạo hóa,
biến một con vịt “què” thành một con thiên nga lộng lẫy.
Hiện
tượng say mê làm đẹp của người Hàn Quốc có nhiều lý do, nhưng chắc chắn
là có ảnh hưởng từ công nghệ phim ảnh, ca nhạc luôn luôn trưng ra những
diễn viên, ca sĩ, người mẫu với vẻ đẹp hoàn hảo, sáng rỡ, phần khác từ
quan niệm của dân Á đông cho rằng việc sửa tướng, sửa những khiếm khuyết
trên khuôn mặt, hình thể có thể giúp người ta may mắn hơn, và cuối cùng
là vì cơ hội lớn hơn để kiếm một tấm chồng, tìm một công việc hay sự
thăng tiến trong nghề nghiệp…
Tuy
nhiên, lắm lúc nhìn các ca sĩ, diễn viên, người mẫu cho tới người
thường ở Hàn Quốc cứ có một vẻ đẹp hoàn hảo (nhưng hơi thiếu sinh động)
và giống nhau như những con búp bê bằng sứ. Trong cuộc thi Hoa hậu Hàn
Quốc năm 2013 vừa rồi, nhiều người đã hết sức ngạc nhiên trước sự giống
nhau của các ứng viên do giải phẫu, do cách trang điểm. (“Buồn cười thí sinh Hoa hậu Hàn Quốc giống nhau như đúc”, VietnamNet, “Ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ, hàng nghìn phụ nữ giống nhau đến kỳ lạ”, Lao động).
Cứ
nghĩ nếu phải sống trong một xã hội mà người ta quá chú trọng đến nhan
sắc thì kể cũng khổ cho những ai không đẹp nhưng lại không có điều kiện
để đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn.
Nếu một trong những nỗi khổ hay nỗi ám ảnh của đa số dân Hàn quốc là sắc đẹp thì với đa số dân Mỹ, chắc là job, là time?
Có việc là có tất cả-nhà cửa, bảo hiểm, lương hưu, hạnh phúc gia đình…,
mất việc là mất tất cả. Và thời gian. Dân Mỹ lúc nào cũng có vẻ tất bật
như không có đủ thời gian để làm tất cả mọi thứ. Dân Nhật cũng vậy. Vội
vàng, hối hả, tranh thủ ngủ ở bất cứ đâu có thể-trên xe bus, métro,
trong quán café… Là những quốc gia giàu có, văn minh, tự do dân chủ, đời
sống cao, nhưng có vẻ như người Mỹ hay người Nhật nói chung vẫn chưa
phải là sướng, vì cứ phải thường xuyên đối mặt với hai nỗi ám ảnh này.
Sống
ở Na Uy một thời gian, tôi có thể hiểu vì sao người dân ở xứ này thường
cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Không chỉ vì Na Uy cũng là một quốc gia
tự do dân chủ, có đời sống kinh tế cao và ổn định, có chế độ an sinh xã
hội rất tốt, một đất nước bình yên với tỷ lệ tội phạm rất thấp…mà còn vì
những lý do khác.
Thứ
nhất, nhịp sống ở xứ này không nhanh, không quá căng thẳng như ở Mỹ hay
Nhật. Thậm chí có thể nói là chậm. Người Na Uy làm việc vừa phải, số
giờ làm việc mỗi ngày của công chức, người lao động là 7 giờ 30 phút.
Thứ bảy, CN nghỉ. Đa số cửa hàng, quán xá, siêu thị…cũng nghỉ ngày CN.
Thường chỉ có dân nhập cư, trong đó có dân Việt mình, là vẫn mở cửa siêu
thị, quán xá vào ngày CN để kiếm thêm thu nhập. Một năm có khá nhiều
ngày lễ, ngày nghỉ. Rất ít người, cũng lại trừ dân nhập cư, là tranh thủ
đi làm cùng lúc 2,3 job.
Đó
là nói về nhịp sống.
Thứ hai, người Na Uy sướng vì ít phải lo nghĩ, nói
đúng như ngôn ngữ của người Việt “cái gì cũng có nhà nước lo”, nhưng ở
đây là nhà nước lo thật sự. Con cái sinh ra có nhà nước phụ nuôi đến năm
18 tuổi, đi học tiểu học, trung học miễn phí, lớn lên học đại học bất
kể cha mẹ giàu nghèo, kinh tế như thế nào đều có thể mượn nợ ngân hàng,
sau ra đi làm trả. Một khi đã có việc làm thì trong suốt cuộc đời bất cứ
việc gì cần như lập gia đình, mua nhà, sắm xe…đều có thể vay ngân hàng
trả dần vào lương. Thất nghiệp có nhà nước nuôi một thời gian. Đau ốm
vào bệnh viện miễn phí. Già cả có lương hưu, có tiền già đủ sống thong
thả không phiền đến con cái. Còn nếu chẳng may mới sinh ra đã tàn tật
thì nhà nước sẽ nuôi cả đời v.v…
Nhưng
tất cả những điều này thì không riêng gì Na Uy mà ở rất nhiều quốc gia
có chế độ an sinh xã hội tốt, người dân cũng đều được hưởng như nhau.
Điều quan trọng nhất, khiến cho người ngoài nhìn vào cũng cảm nhận được
người Na Uy sướng, có lẽ là vì họ ít bị sức ép bởi những khuôn mẫu, giá
trị nào đó trong xã hội.
Không
bị ám ảnh bởi thời gian, người Na Uy cũng không bị ám ảnh bởi việc phải
kiếm thật nhiều tiền, phải có bằng cấp, địa vị. Bởi trong một xã hội mà
khoảng cách giàu nghèo không quá chênh lệch, cũng không quá coi trọng
địa vị thì một bác sĩ, luật sư hay một người công nhân làm đường, tài xế
xe bus, phục vụ nhà hàng đều cảm thấy bằng lòng.
Người
Na Uy cũng không bị ám ảnh bởi hình thức bên ngoài. Dù xấu, đẹp, có
những khiếm khuyết gì trên khuôn mặt, vóc dáng…cũng chẳng phải tự ti.
Người khuyết tật, chậm phát triển vẫn sống bình thường giữa lòng xã hội,
không hề bị bất cứ sự kỳ thị, phân biệt đối xử nào.
Chỉ
riêng chuyện ăn mặc cũng vậy, người Na Uy ít chạy theo thời trang, ít
bị ám ảnh bởi thương hiệu. Trong cái nhìn của cá nhân tôi, dân Na Uy nói
chung ăn mặc…không đẹp. Chỉ cần so sánh với dân Pháp hay dân Ý thôi, cụ
thể là so sánh dân Oslo với dân Paris hay Roma, rõ ràng là ở hai thành
phố sau, số đông có goût ăn mặc đẹp, thanh lịch, có phong cách…hơn
nhiều.
Còn
ngay ở Oslo, nếu bạn đứng giữa khu trung tâm thành phố suốt cả một ngày
trời, cũng không có nhiều người biết cách ăn mặc phù hợp với vóc dáng,
biết cách phối màu, phối đồ hài hòa với nhau. Nhưng sống lâu rồi thì
thấy như vậy lại tiện, mình có ăn mặc không đẹp, không thời trang lắm
cũng chả sao.
Nhưng
nhiều người Na Uy lại có nỗi bận tâm khác: sức khỏe. Sống ở một cái xứ
mà thời tiết thuộc loại khắc nghiệt, một năm mùa đông kéo dài đến 5,6
tháng, tuyết phủ trắng trời trắng đất với nhiệt độ thấp hàng chục độ
dưới 0 độ C và hầu như không có nắng, nếu không quan tâm đến sức khỏe là
rất dễ bị bệnh. Chính vì vậy, dân Na Uy và dân mấy xứ Bắc Âu nói chung
rất chú trọng đến thể dục thể thao và ăn uống, nào phải uống dầu cá hàng
ngày, uống sữa, ăn nhiều các sản phẩm từ sữa và các loại cá biển để
xương thêm chắc khỏe, bù cho việc thiếu ánh nắng mặt trời v.v…Còn các cô
gái tuổi teen thì lo giữ vóc dáng thanh mảnh đến mức so với các thiếu
nữ châu Mỹ la tinh, Nam Á hay Trung Đông thì rõ ràng nhiều cô gái ở đây
có size ngực, mông nhỏ hơn và gần như không có…đùi!
Đó
là những “nỗi khổ” của dân xứ giàu.
Còn VN, một xứ nghèo, lạc hậu hơn
nhiều nước thì lại có những nỗi khổ khác, mà ai cũng thấy, đến mức thành
ra “chuyện biết rồi, nói mãi”. Dân mình khổ không chỉ vì đất nước vẫn
thuộc loại nghèo, chưa phát triển, không chỉ vì cái mô hình thể chế
chính trị độc tài bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ, nhân quyền bị chà
đạp, nhưng còn vì cái nhà nước không vì dân, không lo cho dân mà chỉ
nhăm nhăm bóp hầu bóp cổ dân bằng đủ mọi loại thuế má trên đời, khiến
người dân suốt cuộc đời luôn phải lo lắng, sợ hãi đủ thứ.
Lúc
nhỏ thì lo học để thi đậu, tốt nghiệp, học xong rồi lo chạy việc, bởi
kiến thức, năng lực đâu đã đủ để tìm được một việc làm nếu không có thân
thế, quen biết, có tiền đút lót…Mọi việc lớn nhỏ trong đời đều phải tự
“cày” ra tiền để giải quyết chứ không trông chờ gì được vào nhà nước, từ
học hành, giáo dục, y tế, lúc ốm đau, thất nghiệp, tai nạn, tàn tật…
Xã
hội thì ngoại trừ sự ổn định bề mặt về chính trị do được cai trị bởi
“bàn tay sắt”, ngày càng trở nên bất ổn, bất an.
Tai họa có thể đến bất
cứ lúc nào, một cách hết sức trời ơi đất hỡi, chủ yếu do sự vô lương
tâm, thiếu trách nhiệm của con người, cộng với luật pháp như luật rừng.
Thêm
vào đó, người Việt còn khổ vì chịu quá nhiều sức ép bởi những giá trị
khác nhau trong xã hội, mà phần lớn là những giá trị không thực chất.
Lúc còn ở tuổi đi học, từ học sinh cho đến phụ huynh, giáo viên, nhà
trường đều bị sức ép về điểm số, thành tích. Với một xã hội còn quá chú
trọng bằng cấp, người nào cũng phải cố học, cố chạy cho có vài tấm bằng.
Nhà nào dù nghèo đến đâu cũng ráng đi làm thuê làm mướn, tích cóp từng
đồng để nuôi con ăn học, mong cho con đậu đại học. Rớt đại học coi như
một trong những bi kịch lớn nhất đời người.
Người
Việt khổ vì bằng cấp, khổ vì những cái bề ngoài. Từ cái quần cái áo làm
sao cho tươm tất với người ta, rồi phải làm sao xây được cái nhà cho
đẹp hơn, to hơn, tậu cái xe sang hơn nhà hàng xóm, con cái lấy chồng lấy
vợ “ngon lành” hơn người ta, ví dụ như ở một số vùng thôn quê bây giờ
thì lấy được chồng Đài, chồng Hàn là mơ ước của nhiều thôn nữ (!)
Khổ
vì chưa có thói quen dân chủ, để chấp nhận mọi sự khác biệt, từ khác
biệt trong lối sống, tư duy sáng tác, goût thưởng thức văn hóa… cho đến
quan điểm chính trị. Suy nghĩ khác, sống khác, là dễ ăn đòn. Chính vì
vậy mà người Việt ít dám nghĩ khác, sống khác. Học sinh thường chẳng dám
phát biểu khác với ý thầy cô hay sách giáo khoa. Nhân viên không dám
nói khác ý sếp, khác ý đám đông.
Trong
môi trường sinh hoạt văn hóa văn nghệ cũng vậy. Mấy ai kể cả các nhà
báo, dám dũng cảm nói ngược ý kiến của đám đông về một ca sĩ, một dòng
nhạc, một bộ phim hay một tiểu thuyết nào đó?
Người
Việt vốn chưa có thói quen dân chủ, không những ít khi chấp nhận ý kiến
trái chiều mà còn sẵn sàng ném đá những ai không giống mình và không
giống với đa số.
Từ những cuộc tranh cãi về goût thưởng thức văn nghệ
của đám trẻ cho tới những cuộc tranh luận chính trị ở những người lớn
hơn cũng không khác.
Nhưng
suy cho cùng thì những nỗi khổ đó cũng từ cái môi trường xã hội, giáo
dục, văn hóa không có tự do dân chủ, công bằng, không tôn trọng con
người mà ra.
Một
ngày nào đó khi đất nước thay đổi, việc xây dựng lại một mô hình thể
chế chính trị hay vực dậy một nền kinh tế sẽ nhanh hơn là xây dựng lại
thói quen dân chủ trong tư duy, xây dựng lại những chuẩn mực xã hội đúng
đắn (chứ không quá nhiều thứ bị “lệch chuẩn” như bây giờ), để con người
có thể sống thật hơn, giản dị hơn, đúng với bản chất của mình, không
phải chạy theo những giá trị ảo bên ngoài.
No comments:
Post a Comment