"Sau năm 75, tôi đã rời bến cảng Sài Gòn, ra tới Côn Sơn, nhưng lại quay về Việt Nam vì lý do gia đình," ông nói.
"Tôi đi cải tạo gần một năm... còn đại đa số là phải cải tạo lâu hơn".
Ngay cả khi được trả tự do, với lý lịch liên quan đến chế độ cũ, ông Long chỉ còn có thể đi làm nông, không thể đi học tiếp hay làm việc ở những ngành chuyên môn khác, ông cho biết.
'Xã hội bỏ quên'
Mặc dù nói bản thân "không có gì bất mãn" về việc bị đưa đi cải tạo, ông Long nói ông "rất buồn" vì cách nhìn nhận của xã hội trong nước lâu nay đối với ông và các đồng đội."Xã hội đã bỏ quên những người đồng đội đã hy sinh của tôi năm 1974. Có khi người ta còn xuyên tạc, nói chúng tôi không phải là những người chiến đấu vì chính nghĩa," ông nói.
"Tôi nghĩ rằng năm 1974, chúng tôi đã bảo vệ Hoàng Sa trước kẻ thù xâm lược, đó hoàn toàn là chính nghĩa".
Ông cho biết ông ít khi kể về việc tham chiến trong trận Hoàng Sa với ai, ngay cả vợ con mình.
"Nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa, mấy báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ mới hỏi thăm, chứ tôi cũng ít khi nói với ai".
"Nỗi đau trong lòng tôi lớn hơn niềm kiêu hãnh, chúng tôi đã không thể bảo vệ Tổ quốc mà 74 đồng đội của tôi còn bỏ mình trên biển cả".
"Thứ hai nữa là chúng tôi cũng không được xã hội nhắc tới, mà có khi nhiều bài báo cũng đã cố ý xuyên tạc, cứ nói lúc đó chúng tôi phục vụ cho ai đó."
'Chưa hết thương tiếc'
Ông nói hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức về biển đảo và vẫn chưa hết thương tiếc những người đồng đội đã tử trận trong trận chiến năm 1974.Ông cũng cho rằng những người lính của Hải quân Nhân dân Việt Nam tử trận trong trận chiến năm 1988 ở Trường Sa là "những anh hùng".
"Tất cả những chiến sỹ, dù ở bên này, bên kia chiến tuyến, ý thức hệ có khác nhau".
"Nhưng tôi nghĩ những người lính Việt Nam Cộng hòa, hay Quân đội Nhân dân đều là những anh hùng khi họ là những tử sỹ bỏ mình vì Tổ quốc".
bbc.co.uk/
No comments:
Post a Comment