Mấy ngày nay tôi có vài việc lu bu, không xem tivi, đọc tin trên mạng
đều, nhưng cũng biết sáng ngày 16/02/2014, tại Hồ Gươm Hà Nội, có nhiều
người đã tham gia cuộc tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh
trong cuộc chống quan xâm lược Trung quốc bành trướng vào đầu năm 1979.
Tôi không tham gia được, chi kịp gửi lời qua trang web của TS Nguyên
Xuân Diện để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đến mọi người đã tham gia
cuộc tưởng niệm đó. Hôm nay con bé cháu gái học lớp 6 hỏi: “Sao quân
Trung quốc đánh mình, lại không được kỷ niệm?…” Tôi thấy cần viết vài
dòng về điều này, không thể để cho dân ta, con cháu ta mơ hồ về một cuộc
chiến tranh như thế được.
Trước hết xin kể câu chuyện đời thường. Hai vợ chồng một người khá
giả không có con, đã nhờ môi giới xin được một đứa bé trai sơ sinh,
nhưng giấu tông tích, cứ nhận là con đẻ của mình. Khi chàng trai 23
tuổi, làm ăn thành đạt, thì chính người môi giới khi xưa nói cho cậu
biết: mẹ đẻ cậu đang sống nghè đói, bênh tật, sắp chết, cậu nên gặp mẹ.
Cậu được đưa về gặp người mẹ nghèo ở một làng quê hẻo lánh. Mẹ đã kể lại
hồi con gái ra phố làm giúp việc và trót dại nên có con. Mẹ mong con
tha thứ, vì lúc đó không có cách nào, phải cho con đi và về quê sống
trong tủi nhục… Nhưng mẹ đã kịp cắt một nhúm tóc của con và một mảnh
băng rốn để mang theo mình cho đến nay, hy vọng có ngày tìm lại con…
Người con đã bàng hoàng trước sự thật, xúc động không biết nhường nào,
đem mẹ đi bệnh viện chạy chữa… Và chàng trai ấy đã vô cùng oán giận,
thậm chí nguyền rủa, xúc phạm năng nề, không thể tha thứ cho sự ích kỷ,
dối trá của cha mẹ nuôi. Phải hàng năm sau, bình tĩnh lại, được nhiều
người khuyên nhủ, nhất là mẹ đẻ, cậu mới lấy lại thăng bằng, để đối xử
đúng mực với cha mẹ nuôi. Nhưng mặc cảm về việc bị “lừa dối” vẫn khó xóa
đi được.
Ngược lại, ở phương Tây, những người cha mẹ nuôi luôn nói rõ nguồn gốc
xuất thân của con nuôi. Hơn nữa họ còn tìm mọi cách để con nuôi tìm về
nguồn cội, duy trì văn hóa của quê hương… Những người con nuôi ấy vẫn
tìm về cha mẹ đẻ và càng kính trọng biết ơn cha mẹ nuôi hơn. Họ đã không
bị lừa dối. Chỉ có sự thật mới thực sự cảm hóa lòng người…
Đấy là chuyện một con người, còn chuyện của cả một dân tộc sẽ lớn biết chừng nào!
Bản thân tôi cũng đã bị lừa dối nhiều chuyện, trong đó có chuyện về
quan hệ của Trung quốc đối với Việt Nam, bởi sự che giấu của nhà nước
ta. Tôi đã phải tự mình tìm ra sự thật để hiểu rõ tâm địa những người
cầm quyền Trung hoa được coi là “đồng chí, anh em” khi mình đã ngoài 70
tuổi! Tôi cũng như chàng thanh niên nọ, vô cùng phẫn nộ trước sự che
đậy, dối trá và khó có lý do gì để tha thứ được. Tôi xin trích lại một
đoạn trong bài viết đã đăng trên trang Bauxite ngày 03/3/2011, nói về
hai sự việc, tôi mới hiểu về những người lãnh đạo Trung Quốc đối với
Việt Nam.
Nghiên cứu động cơ để hiểu bản chất hành động, bản chất con người
… Vấn đề nghiên cứu động cơ chính trị, động cơ trong hoạt động
đối ngoại hết sức quan trọng, nhưng cả về lý thuyết cũng như thực tế,
không biết ở ta đã và đang được tiến hành ở mức nào. Bản thân tôi chưa
được tiếp xúc với công trình nghiên cứu chính thống nào về vấn đề này.
Gần đây được đọc một vài tài liệu mới thực sự hiểu ra một số hành động
của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam mà từ trước vẫn mơ hồ.
Nhớ lại, sau Hiệp định Genève 1954, hòa bình lập lại ở Việt Nam,
bọn thanh thiếu niên chúng tôi suốt ngày múa hát “thắm thiết tình Việt –
Trung – Xô”, cứ tưởng Trung Quốc với mình là anh em, đồng chí, hết lòng
ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của Việt Nam … Đến khi đọc
lời giới thiệu cuốn “Trung Quốc và việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ
nhất ở Đông Dương’’ do Francois Joyaux, một nhà nghiên cứu lịch sử
người Pháp, đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc biên soạn, được
hoàn thành vào tháng 3 năm 1979,“đúng vào thời điểm tập đoàn phản động
Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc nước
ta”. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Thông tin lý luận dịch, xuất bản
vào tháng 3 năm 1981. Chỉ đọc lời giới thiệu cuốn sách trên blog
anhbasam ngày 31/12/2010 đã thấy rõ: Trung Quốc “đi đêm” với Pháp và Mỹ
để ép Việt Nam phải ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Đông Dương theo kịch
bản của Trung Quốc. Vì “…việc tiến hành thương lượng về Đông Dương hoàn
toàn đáp ứng các lợi ích dân tộc của Trung Quốc: làm dịu tình hình căng
thẳng ở Viễn –đông cần thiết cho sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc, gạt
bỏ nguy cơ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột ở Đông Dương, tạo khả
năng cho Trung Quốc chấm dứt được sự bài xích của phương Tây, chứng tỏ
Trung Quốc là một cường quốc trên sân khấu thế giới và tạo cơ hội cho
Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với phương Tây”. Trung
Quốc còn vì nhiều mục tiêu khác:“…Trung Quốc rõ ràng tán thành chia cắt
lâu dài, Việt Nam, tán thành sự tồn tại của phía nam Trung Quốc nhiều
quốc gia đa dạng. Cho nên Bắc Kinh đã hạn chế các yêu sách của Việt Minh
ở hội nghị Giơnevơ, đặc biệt đã gây sức ép với Việt Nam dân chủ cộng
hoà phải giảm bớt “tham vọng” đối với miền nam Việt Nam và đối với các
nước khác ở Đông Dương, để tạo nên một sự cân bằng mới ở ngay Việt Nam
và cả trên bán đảo Đông Dương. Ý đồ của Bắc Kinh còn ở chỗ là “bị cắt
mất vùng lúa gạo thừa thãi ở Nam Kỳ, Bắc Việt chỉ còn có thể hướng về
Trung Quốc để bổ sung nguồn thực phẩm còn thiếu”…; “Chiến lược của Bắc
Kinh rõ ràng là muốn Đông Dương bị xé ra thành nhiều nước nhỏ ,”đa dạng”
về chính trị, dễ dàng bị Trung Quốc chi phối và buộc phải đi theo quỹ
đạo của giới cầm quyền Bắc Kinh. Cho nên Bắc Kinh ngầm tán thành sự tồn
tại lâu dài của một Nhà nước Nam Việt Nam, duy trì các chính phủ vương
quốc ở Lào và Campuchia. Đó chỉ là một sự nối tiếp chính sách của các đế
chế Trung Hoa”.(13). Nhớ lại những ngày Trung Quốc hết lời ca ngợi Việt
Nam đánh Mỹ và “hết lòng chi viện”…, thì có một nhà báo phương Tây đã
nói “Trung Quốc muốn ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối
cùng”. Họ quá thâm hiểm, động cơ sâu kín thật! Đúng là “bề ngoài thơn
thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”!
Còn Trung Quốc tiến đánh Việt Nam tháng 3 năm 1979, tôi cứ nghĩ
chủ yếu do họ cay cú vì bị Việt Nam giúp nhân dân Campuchia nổi dậy, lật
đổ tập đoàn Khơ me đỏ Pôn-pốt, tay sai của họ, nên họ “dạy cho Việt Nam
một bài học” theo kiểu côn đồ: “Mày đánh con ông, thì ông đánh bố mày”…
Hóa ra không phải thiển cận, nông cạn như vậy! Chỉ khi đọc bài
“Một gương mặt khác của Lưu Á Châu” do Dương Danh Di dịch nốt phần bài
nói của vị tướng đang nổi danh của Trung Quốc phân tích về “những đóng
góp to lớn của quân GPND Trung Quốc cho cải cách mở cửa” là tiêu diệt
cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 4 tháng 6 năm
1989 và tiến hành “cuộc đánh trả tự vệ đối với Việt Nam năm 1979” mới rõ
cái động cơ sâu xa của giới lãnh đạo Trung Quốc. Lưu Á Châu nói: “Một
lần nữa là cuộc đánh trả tự vệ đối với Việt Nam năm 1979 và sau đó là
cuộc chiến đấu tại “Lưỡng Sơn” (tức vùng Pháp Ca Sơn). Đặc biệt là cuộc
đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979, rất nhiều đồng chí chúng ta không nhận
thức được ý nghĩa của cuộc chiến tranh này (…) Chúng ta cần xem xét
cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của chiến tranh luôn luôn ở
ngoài chiến tranh. Cuộc chiến tranh này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là
đánh để cho hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là bọn
Mỹ. Năm 1978 đồng chí Tiểu Bình được phục hồi, tháng 1 năm 79 thăm Mỹ,
tháng 2 đánh nhau. Xem xét từ chính trị thấy, trận đánh này không đánh
không được. Vì sao vậy? Sau khi đồng chí Tiểu Bình phục hồi ý tưởng
chiến lược cải cách mở cửa Trung Quốc đã hình thành trong tim gan đồng
chí, muốn thực hiện ý tưởng chiến lược đó cần phải xây dựng được quyền
uy tuyệt đối trong đảng. Phải đánh một trận. Lúc đó “lũ bốn người” vừa
bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong đảng chống Đặng càng
chống đường lối và chính sách của ông hơn. Muốn cải cách cần phải có
quyền uy. Biện pháp nhanh nhất để xây dựng quyền uy là đánh nhau….
Người Mỹ sau khi hao binh tổn tướng tả tơi nhếch nhác rút khỏi
Việt Nam, đồng chí Tiểu Bình đã nói, chúng ta cho Việt Nam bài học. Lúc
đó Việt Nam chạy theo ai? Chạy theo Liên Xô, lúc đó đồng chí Tiểu Bình
phát động cuộc đánh trả tự
vệ Việt Nam là đã vạch ranh giới giữa Trung Quốc với cái gọi là mặt
trận xã hội chủ nghĩa Liên Xô… Mười năm trước đồng chí Tiểu Bình đã nhìn
rõ điểm này, dùng cuộc chiến tranh đó để vạch rõ ranh giới với anh… Vừa
rồi tôi nói trận đánh này cũng là đánh vì người Mỹ, có nghĩa là nói để
cho người Mỹ hả giận. Có chứng cứ không? Có. Ngày hôm kia đồng chí Tiểu
Bình vừa rời Nhà Trắng Mỹ về thì ngày hôm sau đánh. Vì sao muốn để người
Mỹ hả giận? Người Mỹ vừa vỡ đầu sứt tai chạy khỏi Việt Nam. Vì sao
chúng ta phải làm cho họ hả giận? Thực ra điều đó cũng không phải vì Mỹ
mà là vì chúng ta vì cải cách mở cửa. Trung Quốc muốn cải cách mở cửa mà
không có viện trợ của phương Tây đứng đầu là Mỹ là không có khả năng.
Đánh trận này, viện trợ kinh tế, viện trợ khoa học kỹ thuật, bao gồm cả
viện trợ quân sự và tiền vốn sẽ không ngừng chảy vào Trung Quốc. Thời kỳ
trăng mật Trung Mỹ dài tới 10 năm, mãi đến ngày 6 tháng 4 năm 1989 mới
có dấu chấm. Trận đánh đó mang lại cho Trung Quốc cái gì? Mang lại cho
Trung Quốc rất nhiều thời gian, rất nhiều nguồn vốn, rất nhiều kỹ thuật…
Vì thế có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc đã
được cất lên từ cuộc chiến tranh này…”
Nghiên cứu động cơ quả là khó, nhưng “cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng
tòi ra”. Lưu Á Châu ở trong “ruột” của Đặng Tiểu Bình, “tòi ra” như thế,
khó có ai phân tích cho ta hiểu rõ động cơ thực sự của việc Trung Quốc
“dạy Việt Nam” bài học năm 1979, rõ hơn như thế…
Xin nhắc lại:
nhưng người dối trá sẽ phải trả giá. Chỉ khi biết rõ sự
thật, người ta mới có suy nghĩ chín chắn, trưởng thành lên về mọi mặt
và có thái độ ứng xử cân bằng, đúng đắn.
Hà Nội, ngày 18/02/2014
M.V.T
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment