"Viết cho ngày 30- 4- 1975, viết tặng cho những ai đi trên chuyến bay
cuối cùng rời Đà Nẵng vào trưa ngày 29-3-75. Đặc biệt, cho một người
lính trẻ tên Trực, đã trở về với sự sống bằng cách ôm... chân chiếc máy
bay Boeing 727 trong chuyến bay có một không hai trong lịch sử chiến
tranh Việt Nam."
Cùng với lớp sóng người cuồn cuộn, chạy giặc bằng đôi mắt trắng ngược
xuôi trên đường là từng đoàn, từng toán quân bị tan rã, bị đuổi bắt,
đang hốt hoảng, hỗn loạn kéo nhau về thành phố. Họ kéo nhau về từ muôn
lối, muôn ngả và bằng đủ mọi loại phương cách khác nhau. Kẻ trên xe,
người chạy bộ. Kẻ hò hét, người khóc lóc. Kẻ gánh gồng, người ôm vũ khí,
kẻ còn... tay không. Nhưng dù họ về bằng bất cứ phương tiện nào, hay từ
bất cứ con đường nào đi chăng nữa, tất cả những con người này, quân
cũng như dân, từ già cả đến trẻ, không phân biệt gái, trai đều có chung
một khuôn mẫu giống nhau. Khuôn mẫu áy chính là sự kinh hoàng, hoảng
hốt, lo sợ vẫn còn in hằn trên khuôn mặt, hiện diện trên ánh mắt và
trong lời nói của người chạy loạn.
Những tưởng rằng, khi họ đặt chân vào được thành phố, những dấu vết kinh
hoàng, lo sợ kia sẽ được bỏ lại sau lưng. Ai ngờ, những nỗi nhọc nhằn
thống khổ kia không chịu dừng lại khi bàn chân của họ đã thực sự bước
vào trong lòng phố. Trái lại, nó còn tăng theo cường độ của lo âu bởi
những bản tin đồn. Tin đồn mất nước, mất thành phố. Những bản tin đồn
kém vui này càng lúc càng nhiều, người dân chạy loạn không còn biết tin
vào ai. Họ dáo dác đôi mắt, nhìn trước nhìn sau, chỗ nào cũng thấy trống
trải khó mà tìm được nơi an thân. Bởi vì:
Khi nhìn lên, tiếng động cơ của các loại máy bay vần vũ không ngớt, Ngó
ra khơi, tiếng máy tầu như mỗi lúc càng vỗ mạnh vào bờ. Và trên đường
phố thì tiếng còi xe thi nhau kéo inh ỏi lẫn trong những tiếng chửi thề,
văng tục. Vào lúc ấy, người dân chạy giặc hầu như đã mất hẳn niềm tin
vào mảnh đất, nơi mà trước đó ít lâu họ ao ước được chạy đến bên nó, để
nhờ nó giang tay ra bao bọc lấy mình. Có ngờ đâu, khi họ đã đổi cả sinh
mạng, tài sản của gia đình để đến được nơi mong ước đó, họ mới biết được
một điều - chẳng có phần đất nào gọi là tạm yên để dừng chân cho người
dân Việt, khi đôi dép râu và cái mũ cối của loài Hồ đã úp chụp xuống bên
đường.
Thành phố Đà Nẵng không nhỏ và sinh hoạt thường nhật của Đà Nẵng được chia ra làm nhiều khu vực mang tính cách riêng biệt, khác nhau như: Vùng phi trường, khu bến cảng, khu thuộc bộ tư lệnh quân đoàn, khu tòa hành chánh, trường học, chợ, nhà thương v.v... Sinh hoạt ở đây vốn dĩ ngột ngạt, phức tạp, nay bỗng nhiên cùng lúc phải đón nhận thêm những lớp sóng người tràn về như thác lũ, thành phố như oằn mình, cong lưng. Hoặc giả, muốn gãy đổ, bẹp dí xuống theo dấu chân của những người vừa đè lên mình nó. Vào lúc ấy, Đà Nẵng hầu như không còn lấy một khu đất trống. Từ trường học, nhà thương, đến bến tàu, công viên, hè phố... đâu đâu cũng thấy người nằm la liệt và thế là Đà Nẵng của niềm tin yêu đang chìm vào trong hỗn loạn.
Người về chưa tìm được chỗ tạm dung thân, cư dân của thành phố đã vội
lên cơn sốt, ngồi đứng không yên. Họ không yên tâm bởi vì tiếng đạn pháo
đã nổ gần sát đâu đây. Và càng lo lắng hơn vì một bản tin chưa rõ xuất
xứ nhưng cứ lao đi vùn vụt: Đà Nẵng rồi ra sẽ chịu chung một số phận bị
rút bỏ giống như Huế, Quảng Trị! Từ khúc quanh ấy, Đà Nẵng không còn là
Đà Nẵng của yêu thương, của bao bọc, của bất khuất, của tự hào. Đà Nẵng
đang biến thành nơi của toan tính, nơi của lừa đảo phản bội. Nói cách
khác, Đà Nẵng không còn đủ hấp lực để lưu giữ bước chân người ở lại. Kẻ
mới đến, dĩ nhiên phải tìm đường đi tiếp, nhưng chính những người từng
sống với nó thì cũng không kém phần quyết liệt, phải bỏ lại sau lưng
khung trời và vùng đất đã bao bọc lấy âm phần của họ qua nhiều đời, phải
đạp lên trên xác của người mới về mà đi.
Lúc khởi đầu, câu chuyện giã từ Đà Nẵng chỉ xuất hịện trong những dinh
thự, công sở. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó loan truyền đến tất cả mọi
hang cùng ngõ hẻm trong thành phố. Lúc đầu, người ta nói nhỏ vào tai của
nhau ở trong công sở, trại binh, bộ tư lệnh. Nhung chỉ vài phút sau,
bản tin chạy ra đường, ra phố vào trường học, qua chợ búa đến nhà
thương. Thế là từ ông già bà cả đến đứa bé thơ, từ ông quan to đến người
lính hạng hai, chẳng còn một ai nghĩ đến chuyện phải ở lại bảo vệ lấy
thành phó thân yêu nữa. Thay vào đó là những tính toán, dò hỏi và chỉ
dẫn cho nhau phương cách ra đi nhanh nhất và an toàn nhất. Lạ thật! Đà
Nẵng bỗng dưng bị coi là một phần đất có đầy sự chết, cần phải bỏ đi. Bỏ
đi không một chút thương tiếc.
Rồi Đà Nẵng thực sự chìm sâu trong cơn bão lửa vào đêm 28-3-1975. Đêm ấy
là đêm cả thành phố rung chuyển. Đà Nẵng đã cuộn tròn theo ngọn khói
bốc lên cao. Từ xa nhìn lại, có lẽ chẳng một ai dám nghĩ rằng. Đó là
thành phố có người ở, nhưng tin rằng nó là miệng một ngọn núi lửa đang
thời kỳ bạo phát. Bởi lẽ, sau những loạt đạn pháo gọi là giải phóng thi
nhau gầm thét là: Nơi đây là cảnh chợ tan hoang với ngọn khói lửa ngùn
ngụt bốc lên không người cứu. Phía trường học kia là gạch ngói vỡ tan
với những thân người chết chồng lên nhau. Nếu nơi đó là nhà thờ, nhà
chùa, quả đạn giải phóng cũng không tha tượng Chúa, tượng Phật. Chúa đã
chết khổ đau, Phật đã về nơi cực lạc, có nhận thêm một miểng đạn của
bác, mất thêm một khúc chân, cánh tay hoặc bị chém ngang giữa người cũng
chẳng ăn thua gì. Rủi nơi đó là nhà thương, gặp người chưa chết thì
nhận thêm mảnh đạn làm phần cơ nghiệp để hoàn toàn được giải phóng. Kẻ
đã chết, nhưng chưa kịp chôn sẽ có được cơ hội chết thêm một lần nữa để
đầu ở một nơi, xương thịt một nơi. Và nếu nơi đó là một tiệm bán thịt
chó thì bác đảng lúc vào sẽ hưởng thêm khẩu phần không phải là thịt chó
nướng.
Đến khi ánh bình minh vươn lên vào ngày 29-3-1975, Đà Nẵng đã thay hình
đổi dạng. Hầu như không một nơi nào còn nguyên vẹn. Xác người Việt Nam
nằm chết rải rác ở khắp mọi nơi. Họ đã chết một cách rất bất ngờ, chết
thật tình cờ. Chết chẳng một lời trối trăn.
Có nơi, cả một gia đình, từ ông bà đến vợ chồng con cái đang quây quần
bên mâm cơm, quả sơn pháo của Việt cộng nổ tung giữa bàn. Chẳng nói ra
thì ai cũng hiểu được một điều là: những người có mặt không kịp nhìn
nhau, hoặc nói với nhau câu từ biệt. Riêng phần xương thịt của họ thì
được trộn lẫn với các món ăn, bắn tung tóe văng vãi khắp mọi nơi trong
nhà. Và nồi cơm, bát canh trở thành những nồi và bát máu, chờ Hồ nhân,
cán cộng đến chia nhau.
Rồi lại có người đang bồng con thơ chạy trốn, "soạt", một âm thanh nghe
rất lạ tai do điệu vung nhanh nhẹn từ cái mã tấu trong tay người đảng
viên Việt cộng tạo ra. Kết quả, đầu người thiếu phụ lăn rớt sang một
bên, và đứa trẻ bị văng ra khỏi tầm tay của bà mẹ mà chẳng hiểu là
chuyện gì xảy ra. Khi lớn lên, em được tuyên truyền là nhờ bác đảng làm
giải phóng em mới có một ngày như hôm nay.
Đến ông già chống gậy rời đất bắc năm 54 mới lạ. Ông chạy chậm quá. Chạy
suốt hai mươi năm, nay lại gặp lũ ôn dịch ngày nào. Lão chưa kịp nói
câu nào, đôi dép râu đã vả vào mặt lão, cái gậy liền rời tay lão. Từ nay
cho mãi về sau lão chẳng còn phải lo sợ chạy trốn giặc cộng và cũng
chẳng phải dùng cái gậy ấy làm chân đi đây đó nữa...
Rồi kẻ chưa kịp vui mừng vì chạy thoát ra khỏi một đoạn đường, nơi đang
có cuộc giao tranh, hay nơi có tiếng đạn pháo gọi hồn của Hồ nhân. Lại
bắt gặp một tiếng nổ bất ngờ do qủa mìn của giải phóng gài sẵn trên
đường. Kết qủa, sau tiếng nổ, thân người ngã xuống không toàn thây. Chết
mà vẫn tưởng mình nằm mơ.
Lại có cảnh chết đứng, người chết ngồi. Cảnh nằm xấp, hình nằm ngửa.
Người cụt đầu, kẻ mất chân, mất tay. Đây người đang cháy dở. Kia một
đống thịt vụn bầy nhầy với ruột gan, tim óc văng tung tóe, lôi kéo đàn
chó đói đến tìm miếng ăn. Rồi lại thêm những vũng máu thâm đen đang rủ
đàn kiến, lũ nhặng, lũ ruồi đến chia phần với giải phóng. Và chẳng nơi
nào mà không có cảnh khóc, cảnh cười, cảnh réo gào. Cảnh đứa bé ngồi bên
xác mẹ đã lạnh cóng. Và cảnh người còn sống lại ngược xuôi tìm sống.
Vào buổi sáng hôm ấy, 29- 3- 1975 Đà Nẵng chỉ còn lại hai địa điểm tạm
gọi là an toàn. Và nó là cái đích cho mọi người đổ xô đến. Đó là phi
trường và bến tàu.
Khi nắng vừa lên, một vùng bãi biển rộng lớn và khu vực chung quanh bến
tàu Đà Nẵng không còn một chỗ trống. Người gồng gánh, kẻ tay bồng tay
bế. Thêm người tay súng, kẻ lưng lựu đạn. Người buồn rầu, kẻ cao ngạo
ngồi trên xe nhăn răng ra cười chen lấn nhau. Một nơi gần đó, từng đoàn
xe tăng, xe kéo pháo đợi tàu di tản. Tất cả đều một lòng quyết chiếm lấy
phần đất riêng cho mình. Khi ấy từ quân đến dân, từ giàu sang đến khố
rách, từ trí thức đến bần nông, lao động, từ người sang đến kẻ hèn đều
có chung một mục đích giống nhau: phải dành lấy cho mình, cho con cái
của mình một chỗ đứng trong chuyến tàu xuôi nam kia. Do đó, cảnh hỗn
loạn và chết chóc càng thê thảm hơn. Lính mất người chỉ huy. Dân không
người hướng dẫn nên có dịp va chạm tàn sát lẫn nhau. Lợi dụng tình thế
bất ổn định ấy, những thành phần bất hảo của xã hội đã ra tay hành nghề
cướp của giết người. Chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt kiêu bạc, một gói
hành lý nom giàu sang, một thân thể nõn nà duyên dáng là có đủ chất liệu
tạo ra cảnh cuồng sát.
Ở cuối đường tuyệt vọng ấy, niềm tin được sống sót của người dân Đà Nẵng
chợt bùng lên khi những chiến hạm, tàu thuyền đón đoàn người di tản
xuôi nam từ từ hướng vào bờ. Dĩ nhiên, chẳng một ai cần nghe lệnh. Họ
vội vã kéo theo vợ con, cháu chắt, anh em ào ào lao vào dòng biển xanh
và bơi ra chiến hạm. Lúc ấy, sóng biển không còn là sóng biển, thay vào
đó là lớp sóng người nhấp nhô. Màu xanh biển đậm đã biến thành màu da
người, màu quần áo, màu hành trang.
Niềm vui của ngày bất hạnh không kéo dài khi đoàn tàu chưa bắt đầu làm
công tác vớt người xuôi nam. Cơn đạn pháo của Hồ nhân đã thi nhau réo
gào. Nó đổ ầm ập xuống trên thân người giống như một trận mưa rào, hay
như nắm cát ném xuống mặt thau nước. Nói theo kiểu của Văn Tiến Dũng
trong “đại thắng mùa xuân” thì đời một người bộ đội đi làm giải phóng,
cách riêng, đời của những anh đội kéo pháo, bắn pháo, chưa bao giờ có
những giây phút hiên ngang anh dũng đến thế. Họ đã đứng thằng người nạp
đạn và bắn pháo thay vì phải chui rúc trong hang, trong ổ, nạp đạn, bắn
vội vài trái rồi lại tìm chỗ ẩn thân. Bởi vì, mục tiêu của họ hôm nay
chỉ là đoàn người dân gồng gánh, đang tìm đường trốn chạy cộng sản! Anh
hùng hết biết!
Kết quả, biển người, biển nước biến thành biển lửa, quyện tròn theo cột
khói, cột nước tung bắn lên cao. Trong phút chốc, đoàn tàu vội quay mũi
ra khơi tránh đạn. Riêng đoàn người xuôi nam có số phận kém may mắn hơn.
Họ bị vùi dập xuống lòng biển. Người để lại vợ con, anh em, cha mẹ. Kẻ
để lại bạn bè chiến hữu lẻ loi. Sau cơn cuồng pháo thảm sát của Hồ nhân
máu đỏ loang thẫm bờ biển xanh, và trên sóng nước nhấp nhô là những thân
xác vô thừa nhận. Dưới nước là biển đỏ, trên bờ là ruộng máu. Xác
người, cánh tay, cái chân, cái đầu, khúc ruột nằm phơi mình đón nắng.
Trên bãi nóng, mồ hôi đỏ thấm vào cát chảy thành dòng nối vào biển màu.
Từ giờ phút ấy, khoảng 9 giờ sáng ngày 29-3-1975, Đà Nẵng không còn một
hình dạng nào như trước nữa. Đà Nẵng đang đợi thần chết với nhịp độ hỗn
loạn hơn.
Ngoài bến tàu, phi trường Đà Nẵng được coi là nơi an toàn hơn. Gọi là an
toàn thôi chứ thực ra nơi đây, trật tự, an ninh cũng không còn được
kiểm soát. Nó cũng bị vùi dập, chìm trong khói lửa từ đêm trước. Những
cánh chim từng vùng vẫy dọc ngang khắp bầu trời của quê hương. Cuối cùng
nhận số phận hẩm hiu, như số phận của những người lính không được lệnh
chiến đấu. Nó chỉ may mắn hơn ở bến tàu là số tử vong chưa lên cao.
Đêm ấy, trong một căn hầm trú ẩn tại phi trường, có những khuôn mặt quen
thuộc như Phi, Trực, Danh, Đặng, Tiến... ngồi bó gối nhìn nhau. Họ là
những ngươi lính trẻ năng động, là biểu tượng anh dũng cho một quân đội
đầy sức sống, bỗng dưng biến thành những cái xác không hồn co ro bất
động.
Lúc đầu họ còn cười, còn nói, còn coi cuộc pháo kích của Việt cộng là
một trò chơi vui tai lạ mắt, không hịêu nghiệm. Chẳng bao lâu sau, nhìn
cái máy liên lạc ở trong phòng, luôn phát ra những tiếng rè rè thay vì
một mệnh lệnh cần thiết, họ đâm ra bực mình, gắt gỏng. Bởi lẽ, từng điếu
thuốc đốt cháy đỏ trên đầu môi không làm tắt được những ánh chớp bùng
nổ vì đạn pháo giữa lòng phi đạo. Trái lại, làm cho họ thêm bối rối giao
động. Một sự giao động chưa từng xảy ra trong cuộc đời làm lính chiến
của họ. Cuối cùng Phi tức tối nói như thét:
- Đ. M. giờ này không cho lệnh bay còn chờ đến khi nào. Chúng pháo thêm lúc nữa thì máy bay cũng thành tàu bò chứ hay ho gì.
Phi nói thế là vì họ là những người lính quen với đường bay và bầu trời.
Họ đã từng lao vào vòng lửa đạn. Đã coi cái chết nhẹ nhàng như đôi cánh
bay. Họ sợ gì đạn pháo? Vì khi bay lên cao, có thể họ sẽ không trở lại
theo đôi cánh chim bị gãy. Tuy nhiên, đời lính bay, họ muốn nhận cái rủi
ở trên cao hơn là phải ngồi chờ đạn pháo rơi nổ tung giữa hầm. Chuyện
Phi nói ai cũng biết, nhưng không một ai dám nghĩ đến việc chui ra khỏi
căn hầm, để tìm cánh chim lướt gió. Họ không dám bởi một lẽ đơn giản là
không có lệnh. Lát sau, Danh nóng mắt, phụ họa:
- Đ.M, chỉ huy cái kiểu đếch gì mà không thấy lệnh lạc gì hết. Họ tính bắt mình ngồi đây chờ độc đắc hay sao đây?
Tiếng Danh thét tưởng chứng át cả tiếng đạn pháo. Mười con mắt nhìn nhau. Lát sau Tiến trả lời:
- Mày không muốn chờ, cũng phải chờ. Không có lệnh, mày vác con tàu đi
là tù rục xương con ạ. Hơn nữa, đang pháo thế này ai mở phi đạo cho mày
chạy trốn hả thằng ngốc kia?
Danh, một phi công khu trục đỏ mắt nhìn Tiến. Sự thật phơi bày trước
mặt. Đã là lính, Danh phải tuân hành theo mệnh lệnh. Dù, có khi lại là
một cái lệnh rất... ngốc. Danh hậm hực. Danh đau lòng, Danh tiếc bầu
trời. Danh thương đường bay. Danh đưa chân đá tung cái thùng đạn kê làm
ghế ngồi trong phòng trú ẩn:
- Dĩ nhiên tao cần phi đạo. Nhưng cái thằng mặt mẹt Ôtô kia, mày cũng muốn ngồi đây chờ lệnh chết nữa hay sao?
“Ô tô” là hỗn danh bạn bè đặt cho Đặng. Đặng giỏi lại nổi tiếng gặp may
và lì lợm vì món nghề đổ Lôi Hổ bằng cách đáp ô tô trong rừng. Đại khái,
đáp “ôtô” là một cách đáp đùa giỡn với tử thần, chỉ những tay gan bằng
trời mới dám thử. Bởi lẽ, sau khi nhắm đươc mục tiêu ở dưới đất, từ trên
cao độ, viên phi công sẽ tắt máy. Con tàu chở đầy người rơi tự do xuống
trên mục tiêu. Nếu không bình tĩnh tính toán và mở máy con tàu lại đúng
lúc, tay mơ sẽ được đi tàu suốt. Số Đặng rất may, mới vào nghề bị vật
cho một quả, con chuồn chuồn của Đặng bị banh càng trên tuyến đường
Trường Sơn. Hôm ấy, Đặng chết hụt và nổi danh. Hôm nay, gã ngửa mặt nhìn
lên nóc hầm, vẻ hiền lành như con gái vừa lớn, diễu cợt:
- A, cái thằng này láo nhỉ? Vào giữa lúc tổ quốc lâm nguy. Mày lại dám ngồi trong tàu của tao để xem tao đáp trật đường à?
Danh vênh mặt:
- Sợ máu gì. Có lạnh càng cũng không hơn lúc tao ném bom nhầm ở ngoài... biển!
Vài tiếng cười khô khan héo úa vang lên. Đặng vươn tay đứng dậy, ném
điếu thuốc cháy dở xuống đất. Đặng đi ra phía cửa hầm trú ẩn, ngửa mặt
nhìn trời đêm. Lát sau, Đặng quay vào đứng giữa phòng. Bàn tay kéo mạnh
các giây khóa trước ngực:
- Tới giờ đi hành nghề rồi đây. Thằng nào dám theo tao đi tàu... suốt?
Không cần suy nghĩ. Danh đứng bật dậy:
- Tao!
- Khá lắm. Thằng bà già kia, Đặng Chỉ Tiến, mày có đi không?
Tiến lừng khừng trả lời:
- Thôi thì tao cũng liều giao tấm thân vạn thặng của tao cho cái càng gẫy của mày để thử thời vận một phen xem sao.
- Mày không ân hận chứ? Còn hai thằng chó chết dở kia, ngồi yên à?
Hỏi xong, tự Đặng bảo Phi:
- Thôi mày ở lại. Chờ thằng an phi kia dẹp xong đạn pháo, mày làm ơn cho nó bám càng chuồn chuồn của mày mà dọt.
Tiếng Phi ngập ngừng:
- Khoan đã, đừng có vội!
- Khoan với dùi gì nữa. Tao đi đây!
Nói xong, Đặng lao mình ra khỏi căn phòng. Theo sau Đặng là Danh rồi Tiến. Có tiếng Phi đuổi theo sau:
- Cẩn thận nhá!
Ba bóng đen lao vụt trong trời đêm, được soi sáng bằng những ánh lửa của
đạn pháo đuổi theo. Vừa chạy, vừa tránh đạn pháo. Nhưng cuối cùng, Đặng
đã an toàn leo lên mình cánh chim quen thuộc. Thật may mắn, con tàu còn
đầy bình săng. Đặng mở máy. Tiếng ”rô tô” rít đều trong gió làm Đặng
phấn khởi. Cùng lúc ấy, Tiến leo lên tàu, đến ngồi trên cái ghế phía tay
trái. Theo sau Tiến là hai ba người khác nữa. Đặng quay lại nhìn những
người lính này, gã không hiểu những người này đến từ căn hầm nào mà
nhanh đến thế. Con tàu đã sẵn sàng rời mặt đất. Đặng vẫn không thấy
Danh, gã bực mình chửi đổng:
- Đ.M, cái thằng khu trục này làm gì mà chậm như rùa vậy. Không nhanh chân, chúng pháo vỡ tàu của bố mày ra bây gìơ.
Tiến đặt bàn tay trên vai Đặng, ngậm ngùi:
- Dọt đi. Nó... ở lại... giữa đường rồi!
Đặng nghiến răng, bàn tay ấn mạnh trên cần lái. Con tàu rung chuyển rời
mặt đất giữa những tiếng ồn ào thúc dục từ phía sau lưng. Phần Trực,
Phi, sau khi ghé đôi mắt nhìn chớp đỏ lên cao an toàn, cả hai lặng lẽ
trở vào phòng trú ẩn. Họ lặng lẽ vì những ẩn tình riêng tư. Phi chưa đi
vì cả gia đình Phi ở Đà Nẵng. Phi dự tính, sáng mai gã sẽ lấy con tàu về
nhà, bốc cả nhà cùng bay vào nam rồi muốn đến đâu thì đến. Riêng Trực,
có lẽ cái tên đã làm hại gã. Trực lúc nào không trực, lại trực chính đêm
nay! Theo đó, Trực phải ở lại bảo vệ an phi như lời Đặng bông đùa.
Trời vừa tảng sáng, Trực chui ra khỏi căn hầm trú ẩn. Nghe từng đợt
tiếng nổ vẫn vang dội quanh phi trường. Phi nắm cánh tay Trực kéo lại:
- Mày đi chịu chết à thằng ngốc?
- Chết cũng phải đi.
- Mày định đi đâu?
Trực không trả lời, nhưng dặn Phi:
- Mày chờ tao một lát. Tao sẽ về ngay rồi mình cùng dọt.
Phi vỗ mạnh tay trên vai Trực:
- Nhớ cẩn thận nghe. Đừng đi lâu quá.
- Được rồi.
Sau khi đạp máy xe, Trực quay lại bảo Phi:
- Qua trưa, tao chưa về, thì đừng chờ nữa.
Nói xong, Trực lao mình trên chiếc xe Honda ra khỏi cổng phi trường. Đến
lúc này, Trực mới thực sự bàng hoàng vì sự đổi thay khác thường của Đà
Nẵng. Chỉ sau một đêm, Đà Nẵng không còn là Đà Nẵng ngày xưa. Tất cả mọi
nơi đều thấy những cảnh hỗn loạn và người người giành giật nhau chạy
trốn. Họ chạy bởi vì từ phía đàng sau, bám sát theo gót chân họ là khói
lửa và tiếng thét gào trong bi thương. Bên cạnh sự đổ nát tang hoang vì
đạn pháo gây ra, sự thống khổ của người dân mong cầu sự sống còn gặp
những cảnh tai ương không kém đạn pháo do những thành phần bất hảo của
xã hội như lao công đào binh, du đãng, tù vượt ngục, lợi dụng thời cơ,
thay đổi quần áo của các quân binh chủng ra tay gieo họa, và cướp của
giết người dọc theo từng con phố. Đà Nẵng đã hoàn toàn mất an ninh. Các
công sở trại binh đã bỏ trống.
Trực xả hết tốc lực, chiếc xe Honda đang chạy gấp, nó lao lên trên vũng
máu và đám thịt nát vụn. Chiếc xe trượt bánh, hất tung Trực xuống mặt
đường. Quên đau, Trực vội bò dậy. Dựng chiếc xe lên, chạy tiếp. Ngay lúc
ấy, một toán người không rõ sắc phục xuất hiện ở cuối con đường, nổ một
loạt đạn dài về hướng Trực. Hốt hoảng, Trực lao chiếc xe vào trong ngõ
hẻm. Chiếc xe nằm quay ngang nổ máy. Chưa kịp hoàn hồn, một quả pháo nổ
ngay trước mặt làm bật tung cánh cửa. Thật nhanh, Trực chạy vào trong
gọi lớn:
- Tâm, Tâm ơi!
Căn nhà vắng tanh không bóng người. Một cảm giác rợn lạnh đến với Trực.
Trực rùng mình chạy ra phía sau. May mắn, Trực gặp ông bà Sinh, Tâm và
mấy người em run rẩy trong căn hầm trú ẩn. Nghe tiếng người quen kêu gọi
bên ngoài. Ông bà Sinh rồi Tâm lần lượt ra khỏi hầm. Sau phút bàng
hoàng gặp gỡ nhìn nhau. Trực hỏi vội:
- Thưa bác, hai bác có đi không?
Ông Sinh vẻ vừa lo âu vừa chán nản:
- Đi làm sao kịp nữa hả cháu. Đường phố thì đầy những cướp bóc, lại còn đạn pháo không dứt!
- Nhưng tụi nó sắp vào đến nơi rồi bác ạ.
Ông Sinh khoa tay trước mặt làm một cử chỉ buông xuôi:
- Thôi mặc. Tới đâu thì tới. Đi cũng chết, ở nhà có khi cũng chết. Xin chiều theo ý của trời đất vậy.
Trực chưa biết tính ra sao. Nếu ông bà Sinh không chịu đi, dự định của
Trực đêm qua, khi không theo Đặng làm chuyền tàu xuốt hoàn toàn mất ý
nghĩa. Lý do, Trực muốn đến đón gia đình ông bà Sinh vào phi trường rồi
cùng xa Đà Nẵng như đã bàn tính từ trước. Nhưng lúc này ông Sinh lại đổi
ý làm Trực khó xử. Như đoán biết được tâm trạng của Trực, Tâm bước đến
trước mặt anh:
- Hay là anh đừng vào Sài Gòn nữa?
Trực lắc đầu:
- Không, anh phải đi. Hay em xin với ba mẹ để anh đưa em đi trước.
Khi không nghe được lời đề nghị của Trực, chả biết nghĩ gì, bà Sinh bảo chồng:
- Hay là mình cho con nó đi với anh ấy?
Sở dĩ bà Sinh nói như thế là vì bà có lý do của bà. Cách đây hơn hai
năm. Khi Trực đổi ra Đà Nẵng. Trực đã đến chào ông bà Sinh theo lời dặn
của ông Tước, bố của Trực và là người bạn thân lâu năm của ông bà Sinh.
Từ lần chào thăm hỏi ấy, Trực thường xuyên lui tới nhà ông bà Sinh. Rồi
cả đôi bên, dù chưa có lễ hỏi cưới chính thức cho Tâm và Trực nhưng họ
đã mặc nhiên chấp nhận tình cảm ấy. Kế đến bà cũng nghĩ rằng - Trực làm
việc trong phi trường, hy vọng sẽ có phương tiện đưa Tâm vào nam. Chết
đuối thì vớt lấy nước bọt, bà nghĩ thế. Phần gia đình bà, lúc này nếu có
muốn kéo nhau đi cũng chả còn phương cách nào khác, nên đành chịu. Khi
nghe vợ hỏi ý kiến, Ông Sinh lặng lẽ một lát rồi hỏi con:
- Ý con muốn thế nào?
Tâm ôm chặt lấy bà Sinh:
- Má, hay cả nhà mình đi luôn đi, ở lại đây làm gì nữa?
Ông Sinh đôi mắt đỏ nhìn lên trần nhà, rồi nhìn ra khung cửa đã bị sập, tiếng ông dứt khoát:
- Ba mẹ sẽ ở lại nhà, nếu con muốn. Ba mẹ cho phép con đi trước.
Bà Sinh như hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông. Bà đi nhanh lại phía bàn thờ. Bà thắp cây nhang đưa cho Tâm:
- Chúng con lạy ông bà, lạy trời đất rồi đi mau lên, kẻo trễ.
Nước mắt tuôn hai hàng. Tâm run run cầm cây nhang trong tay. Nàng chưa
kịp quỳ lạy trước bàn thờ. Nàng đã òa lên khóc nức nở. Bà Sinh ôm xiết
chặt con vào lòng:
- Thôi nín đi con. Mẹ khấn cầu trời đất cho chúng con đi dược bằng an.
Nếu còn phúc còn phần, lo gì không có ngày gặp lại gia đình.
Tuy bà Sinh khuyên nhủ con nín đi, đừng khóc nữa. Nhưng chính trên khuôn
mặt bà, chẳng lúc nào vơi dấu lệ. Bà không nói nên câu khi cầm tay Tâm
đặt trong lòng tay Trực:
- Cháu Trực, hai bác tạm giao Tâm cho cháu. Cháu thưa lại với ba mẹ cháu đôi lời dùm bác.
Tiếng nói của bà tắc nghẹn lại giữa cổ. Ông Sinh vội quay mặt đi. Tâm qùy phục xuống trước mặt ông bà Sinh:
- Thưa ba mẹ... con đi.
Tiếng khóc vỡ oà trong gìơ tiễn biệt. Những bàn tay vội rời nhau. Tâm
đi. Nàng được coi như là về nhà chồng trong ngày chạy giặc. Nàng đi
không quần áo cưới, không xe kết hoa, không bàn tiệc. Riêng những người ở
lại cầu mong cho nàng có được hơi thở tự do, không cộng sản. Không phải
nhìn thấy những cái mũ cối những đôi dép râu làm hoen ố đời người.
Ra khỏi nhà, thật may mắn. Chiếc xe của Trực vẫn còn nằm nguyên trong vị
trí cũ. Trực đến, dựng chiếc xe lên. Đạp máy, nhắm hướng trở lại phi
trường.
Dù đoạn đường không xa lắm. Trực cũng mất khá nhiều thời gian mới vào
được đến phi trường. Lúc này cổng phi trường đã không còn lính gác. Lớp
sóng người chạy giặc đang ùn ùn kéo nhau vào. Trực dắt Tâm chạy bộ vào
khu hầm trú ẩn tìm Phi. Căn phòng trống trơn. Khi chạy lên phòng phi
hành. Tấm bảng vẫn ghi rõ giờ bay cho các chuyến bay. Nhưng không thấy
một bóng người. Trực hoang mang nhìn ra bãi đậu, gã chỉ thấy khói lửa
nghịt trời. Giữa lúc đầy thất vọng, Trực giật mình vì tiếng gọi lớn từ
phía sau lưng. Lúc quay lại, Trực nhìn thấy Phi, người bạn chung hầm đêm
trước đang chạy đến:
- Mày làm gì bây giờ mới tới. Muốn ở lại à?
- Còn cái cánh quạt nào hay không? Mà ông già, bà bô mày đâu sao không thấy.
Phi nhún vai tỏ vẻ không hài lòng:
- Rõ chán, đến giờ phút cuối ổng đổi ý. Khi tao trở lại đây, chúng nó đã dông hết rồi.
- Mình ra ụ chứa tìm trực thăng... dọt luôn chăng?
- Ra đó là tan xác con ạ. Bọn "đề lô" của chúng đã vào phi trường rồi.
Bên an phi vừa tóm cổ được hai thằng khốn. Chúng giả dạng sỹ quan của
mình đứng gọi máy khơi khơi ngay đầu phi đạo.
- Không liều, đứng đây chờ chết à?
Phi buông xuôi:
- Đành vậy. Vì có ra được, cũng không thể cất cánh.
- Tại sao?
- Rất đơn giản. Không một chiếc nào còn xăng và không kiếm ra người đổ xăng. Tàu không có xăng cũng bằng không.
- Sao mày biết?
- Tao vừa từ ngoài đó trở về.
Trực buồn bã, đưa đôi mắt nhìn quanh. Ý định theo con tàu tháo chạy rời Đà Nẵng bị cắt ngang. Trực đề nghị:
- Ra bến tàu chăng?
Phi hất hàm cao ngạo:
- Hỏi câu ngu đến thế là cùng. Mình dân bay, ở đây có phương tiện còn phải bó tay. Ra ngoài đó, ai cho mày đi nhờ.
Vừa nói xong, đôi mắt Phi sáng lên, anh đập mạnh bàn tay trên vai Trực:
- Tao có cách rồi. Mày nhìn kia.
Theo hướng tay của Phi. Một chiếc máy bay hàng không dân sự kiểu Boeing
727 đang rà rà đáp xuống đường phi đạo. Không chậm trễ ba người kéo nhau
lên chiếc xe Ford của quân cảnh không quân đậu gần đó. Trực ngồi vào
ghế lái, phóng hết tốc lực chạy ra phi đạo.
Lúc ấy, vào khoảng gần trưa ngày 29-3-1975. Sau khi đáp xuống thay vì
vào trong phi cảng, nó lại chạy vòng vòng dọc theo các con đường vào ra
phi đạo. Đảo hết vòng nọ đến vòng kia, nhưng không dừng lại. Cùng lúc,
từng lớp sóng người tìm sống, cuồn cuộn chạy đuổi theo sau lưng nó.
Chiếc máy bay chạy không nhanh hơn người chạy bộ, nhưng không một ai lên
được. Đã thế, từng mỗi vòng bánh máy bay chuyển động, là có từng đoàn
người ngã gục xuống đất. Họ ngã gục, một phần vì số người đông đảo, đứng
dọc theo hai bên đường phi đạo, dành giật, chen lấn nhau để đuổi theo
chiếc máy bay, phần vì đạn pháo mỗi lúc một nhiều và chính xác. Cứ thế,
tiếp theo từng tiếng nổ là những tiếng rú gào thảm thiết. Khi ngã xuống,
người còn nguyên vẹn, kẻ nát tan. Mặc, kẻ còn sức sống, lại thế chỗ
trống ào ào tiến lên. Họ xô lấn nhau, đạp trên xác người. Lội qua vũng
máu để đuổi theo chiếc máy bay là hy vọng duy nhất của họ đang rề rề
chạy trước mặt.
Cái chết gần kề trong gang tấc, nhưng không ai sợ hãi và nghĩ đến việc
bỏ cuộc. Bởi lẽ, nếu họ không nhanh chân bắt kịp chiếc máy bay kia, họ
sẽ bị bỏ lại. Như thế, thảm nạn của cố đô Huế trong tết Mậu Thân năm nào
sẽ tức khắc tái diễn trong cuộc đời của họ khi lũ Hồ nhân và đảng vẹm
nhe răng, trợn mắt kéo nhau vào thành phố của họ. Do đó, cảnh hỗn loạn
dành giật nhau trên xác người, trong vũng máu càng lúc càng ghê rợn hơn.
Lúc đầu, chiếc xe Ford an phi mở còi hụ chạy đuổi theo sau máy bay.
Không chạy được bao xa. Trực đổi hướng, anh chạy vòng qua các công sự
chiến đấu, rồi theo ngã tắt, Trực lái xe ra ”taxi quay” chận ngang đầu
chiếc máy bay. Trong toan tính của Trực, anh muốn dùng chiếc xe làm vật
cản đường, bắt chiếc máy bay phải dừng lại.
Khi máy bay đến khá gần. Phi dõng dạc đứng lên trong bộ quần áo và cái
nón sắt có chữ QC. Tay Phi cầm súng chĩa thẳng vào chiếc máy bay như có ý
ra lệnh cho viên phi công phải dừng lại, nếu không Phi sẽ nổ súng. Kết
quả, Viên phi công như coi thường cái lệnh ấm ớ của Phi. Máy bay vẫn tà
tà tiến đến, nó đang thách thức với hiệu lệnh và chiếc xe của Trực. Đến
lúc nghe tiếng thét của Tâm. Trực hốt hoảng ấn mạnh chân ga. Chiếc xe
lao thẳng vào ụ cát bên đường vào đúng lúc chiếc máy bay chạy ngang
trước mặt. Cả ba chưa hết bàng hoàng, bỗng thấy chiếc máy bay như ngừng
hẳn lại trước mặt. Hơn thế, cánh cửa ra vào của máy bay từ từ mở ra.
Không một chậm trễ, Trực nhảy xuống khỏi xe, đỡ Tâm xuống, rồi cùng Phi
chạy như lao vào trong lòng chiếc máy bay cứu tinh.
Niềm hy vọng được cứu sống bỗng bùng lên trên những đôi mắt kinh ngạc.
Đoàn người chạy giặc như thác lũ đổ ào đến chung quanh máy bay. Họ không
còn thì giờ thẩm định xem đâu là cửa vào trong thân máy bay, đâu là lối
đi lên khoảng trống bên cạnh nơi đặt chân dưới thân máy bay hoặc là nơi
chứa hàng. Họ chỉ cần biết một điều - bất cứ cái gì của máy bay, họ có
thể bám vào được là họ sẽ bám thật chặt. Chẳng ai dại dột buông tay ra
khỏi cái vị trí họ vừa nắm được! Bởi lẽ, nếu họ buông tay ra, người khác
sẽ sẵn sàng thay thế và họ sẽ mất hẳn chỗ đứng.
Trực và Phi cũng không ngoại lệ. Khi vừa bám vào được thân máy bay Phi,
Trực rồi Tâm dắt díu nhau lên. Họ là một trong những người đầu tiên lên
và chiếm được chỗ dung thân an toàn nhất trên chiếc máy bay đó.
Chỗ "an toàn" này do chính lời của Trực kể lại như sau:
- "Vì hốt hoảng chúng tôi trèo vội lên chiếc máy bay. Nhưng sau khi leo
lên máy bay, đi được vài bước, Phi và tôi biết là lầm. Nơi tôi đang đứng
là khoảng trống nhỏ dưới thân máy bay bên cạnh khu vực chứa càng và
chân máy bay thay vì trong lòng của nó. Tôi quay đầu bước trở ra để tìm
lối lên khác, nhưng không thể trở lại được. Lý do. Phía bên ngoài đã
chật cứng người. Nếu tiếp tục lách ra, tôi sẽ không có cơ hội trở lại và
sẽ mất luôn vị trí ”an toàn” sẵn có. Tôi và người bạn đành ở lại, giữ
lấy chỗ trong cùng của khoảng trống nhỏ đó, rồi muốn tới đâu thì tới.
Tuy thế, chúng tôi không cô đơn, vì có vào khoảng ba mươi người đã chen
chúc nhau trong một căn buồng không mấy thú vị chung quanh nơi để chân
máy bay này. Như thế, so với những người còn ở dưới đất. Tôi đã... may
mắn hơn họ nhiều.”
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hút chưa xong vài hơi thuốc, chiếc máy
bay như đã bị đè bẹp bởi làn sóng người di tản. Bên trong chật như nêm
cối, bên ngoài hàng hàng lớp lớp người vẫn nối gót dành giật, kéo đẩy
nhau lên. Ngay lúc ấy, một quả pháo nổ làm rung chuyển mặt đất và thân
tàu. Nhiều người có mặt tưởng tiếng nổ ấy đã xé tan tành chiếc máy bay
ra hàng trăm nghìn mảnh vụn. May mắn, nó chỉ bị thủng một vài mảnh nhỏ
bên thân cánh trái. Viên hoa tiêu vội vàng cho phi cơ chuyển bánh trước
khi đóng cửa tàu.
Ai sẽ diễn tả nổi những tiếng gào thét trong kinh hoàng, đớn đau lúc
bánh của con tàu bắt đầu lăn trên phi đạo. Bởi lẽ, dưới mỗi vòng quay
của bánh xe là một đoạn dài những máu, những thịt của người Việt Nam
chạy giặc. Họ là những người đang đứng trên đường hay là người bám vào
trụ bánh, chân máy bay? Không ai có thể phân biệt được. Tuy nhiên, dưới
sức nặng của con tàu và sự chuyển động mỗi lúc một nhanh dần đều của
những vòng bánh đang quay là từng thớ thịt, lớp xương tan ra như cám
trên đường. Vòng chuyển động tăng thêm, chiếc máy bay như lướt trên mặt
đường từ từ rời phi đạo. Lúc nó rời phi đạo, nó còn mang theo lên không
một số người vẫn ngoan cường bám chặt vào các trụ của chân bánh xe, hoặc
là khung cửa. Chắc không có ai nỡ trách họ giỏi nghề đánh đu, hoặc là
dại dột đem buộc mạng sống của mình vào trong hy vọng mong manh ấy?
Thử hỏi, cánh tay sắt nào có thể khóa chặt được thân người vào với những
vị trí như thế? Chiếc máy bay lên cao dần, thân người mỗi lúc một nặng
thêm. Những cánh tay mệt mỏi rã rời kia bắt buộc phải từ giả chân máy
bay, và từ giã cụộc sống của chính họ. Họ bắt đầu lơ lửng giữa trời. Rồi
chạm thật mạnh vào một vật cứng, người ta gọi là trái đất. Không một
tiềng nấc, không một tiếng kêu đau đớn! Từng người, từng người. Nối tiếp
nhau lơ lửng giữa không gian không dù. Tiếng kêu cứu không một ai nghe.
Tiếng gào khóc không một ai hay biết. Chỉ thấy những cánh tay, cánh
chân quờ quạng đảo ngược giữa trời xanh. Họ đang... bay. Bay với giấc mơ
tự do không cộng sản. Bay với hơi thở cuối trên phần đất nặng đau
thương nhưng lắm vương vấn này.
Máy bay đã lên cao, xa rời mặt đất. Nhưng không hiểu tại sao viên phi
công không cho rút chân vào ụ chứa và đóng cái vỏ bọc phía bên ngoài
lại. Phi bực mình chửi đổng:
- Đ.M. cái thằng lái tàu này, nó không biết rút chân và đóng cái bẩng
phía dưới lại cho bố nó nhờ một tý hay sao? Bộ nó không biết hàng chục
mạng sống trong cái lỗ hổng nhỏ này sẽ chết vì sự ngu ngốc của nó à?
Phi chửi để mà chửi. Có chửi cũng chẳng ai nghe. Bởi vì,
- Thứ nhất, nó sợ khi co chân lại sẽ kẹp chết người Việt Nam. Kẹp chết người nó phải tội và Chúa sẽ phạt nó.
- Thứ hai, nó sợ khi co lại sẽ kẹp dính người vào trong các trục chuyển
động của bánh. Việc ấy sẽ gây ra trở ngại lớn khi nó muốn mở ra và đáp
xuống.
Nhưng thật nhanh, do bản lãnh của những người đã từng bay, Phi bảo Trực
cởi nút khóa dây thắt lưng ra, rồi khóa chặt thân người vào những trụ
giây điện chằng chịt trong ụ bánh. Sở dĩ, Phi bảo Trực như thế. Vì khi
bay lên cao độ, với áp suất thay đổi, vị trí không an toàn, sẽ không thể
nào điều khiển cánh tay của mình được như ý muốn. Kế đến, Phi rùng mình
không dám nghĩ đến vịệc cái chân, cái bẩng đỡ phía ngoài nếu nó... nhất
định không chịu co lên và đóng lại thì, vị trí nơi Phi, Trực đang đứng
có khác gì cái hộp không đáy biết bay? Như thế, số mạng của những người
đứng quanh đây chỉ có trời mới biết là còn hay mất.
Khi máy bay đã lên cao, chân máy bay vẫn không co lại. Những cơn gió
mạnh như ngàn cơn lốc xoáy, theo nhau ào ào tràn ập vào khoảng trống.
Khi vào chỉ có gió lộng, nhưng lúc trở ra, nó cuốn theo những thân người
lỏng tay, không một bấu víu hoặc không thể cột người vào trong những vị
trí khả dĩ vững chắc trong ụ tàu. Càng bay cao, gió càng làm lạnh buốt
những thân người bé nhỏ. Rồi dù không muốn, những con người khôn khổ kia
đành chấp nhận định mệnh khe khắt, rời tay, xa nơi có sự sống khổ đau.
Trong khi đó, Trực, Phi may mắn hơn. Thân họ đã được khóa chặt vào trụ
giây điện bằng những giây ba chạc, thăt lưng còn mang trên người, nhưng
bốn cánh tay còn lại phải vòng qua, ôm chặt lấy và níu kéo sự sống lại
cho Tâm. Chỉ một luc sau, Tiếng phi thét lên:
- Mày cởi nửa áo bên trên ra, cột người Tâm vào trụ giây điện. Nhanh lên, nếu không thì chết cả lũ bây giờ.
- Được, mày ôm chặt nhá. Tao cởi áo đây.
Phi thét lớn hơn:
- Mau lên!
Tuy bảo Phi là ôm lấy Tâm để cho mình cởi nửa phần áo bay ở bên trên ra,
nhưng Trực vẫn không dám rời Tâm. Một tay Trực ôm ngang người nàng,
cánh tay còn lại, cố gắng lắm, Trực chỉ mở được hàng nút áo trước ngực.
Cởi một cái áo, công việc tưởng chừng như dễ dàng nhưng lúc này Trực
thấy vạn nan. Lý do, người Trực đã khóa chặt vào trụ giây điện nếu mở
ống khóa có lẽ Trực sẽ tức khắc được nhảy dù không có dù về mặt đất.
Nhưng không mở khóa, Trực làm sao cởi được áo?
Thoáng mắt, khoảng trống chung quanh ụ chứa chân máy bay. Lúc đầu chen
chúc nhau có tới ba chục mạng người, lúc này nhìn lại còn lác đác năm ba
người. Tình cảnh ấy càng làm Trực lúng túng. Rồi khi nhìn xuống trên
khuôn mặt sinh đẹp của người nữ sinh công lập Đà Nẵng, Trực không dấu
nỗi cơn đau. Trên nét mặt tái mét, xám xanh của nàng đã có vệt máu đỏ
chảy ra từ hai bên lỗ mũi. Trực biết, Tâm đã hoàn toàn tê liệt. Nếu
không có cánh tay của Phi, của Trực, Tâm không còn có mặt ở nơi đây.
Trực chợt hối hận vì việc trở lại nhà ông bà Sinh và đưa Tâm ra đi.
Trong khi đó, phía bên kia, chừng như sốt ruột vì mỗi lúc người Tâm một
nặng, nhưng Trực vẫn chưa cởi xong cái áo. Phi lại chửi thề ầm ĩ, hét
lên:
- Tao bảo mày buông tay ra, cởi áo mau lên, chết hết cả đám bây giờ.
Không hiểu nghĩ sao, Trực khẽ lách cánh tay giữa hai cột giây điện. Từ
từ gỡ tay Tâm ra khỏi người Trực. Cùng lúc, Trực nhoài người đẩy Tâm
xoay mặt về phía trước, bảo nàng:
- Em ôm Phi để anh cởi áo.
Tâm mở lớn đôi mắt nhìn Trực khẽ gật đầu. Sau cái gật đầu ấy, Tâm nới
lỏng vòng tay qua người Trực. Nàng từ từ xoay người sang phía bên Phi.
Nhưng đúng lúc Tâm nới vòng tay, quay người. Trực thấy hụt hẫng, rồi
bàng hoàng nhìn theo. Cơn cuồng phong, đầy phẫn nộ giữa lưng trời đã
nhanh tay cuốn người Tâm ra khỏi cánh tay của Trực và Phi.
- Á....
Trực lao người đuổi theo:
- Tâm...!
Cùng theo tiếng thét kinh hoàng giữa khung trời ấy là toàn thân Trực
treo lơ lửng giữa cái hộp không đáy đang bay. Đôi mắt Trực như muốn rách
toác ra theo bóng hình của người yêu dấu giống như một điểm đen, đang
mờ nhạt giữa lưng trời. Nàng trở về với trái đất chăng? Không nàng đã về
với giấc mơ trốn chạy cộng sản, cũng là giấc mơ hãi hùng khủng khiếp
nhất trong đời người!
Một lúc sau, chân máy bay co rút vào trong thân tàu và cái cánh cửa đậy
phía bên ngoài cũng được khép nhỏ lại. Con tàu chở người di tản về đến
không phận Sài Gòn. Nắp đậy và chân máy bay lại mở ra. Đợt gió mạnh,
lạnh cắt da tràn ập vào ụ cánh. Nó đánh thức Trực và Phi dậy. Khi nhìn
thấy nhà, nhìn thấy phố. Niềm vui được sống sót căng tràn lên đôi mắt
đỏ. Khi chiếc máy bay là là sát trên mặt đất. Phi phấn khởi đứng thẳng
người dậy. Anh cởi tung giây khóa ngang người ra khỏi trụ giây điện.
Nhẩy bổng sang bên Trực hét lớn:
- Mình sống... ự...
Câu nói chưa dứt, chân máy bay chạm mạnh trên mặt phi đạo. Sức va chạm
quá mạnh, thân máy bay rung chuyển, chồm lên. Nó hất tung Phi lên cao và
lộn ngược vào trong góc trống. Phi gập người xuống không nói năng, chỉ
còn lại đôi mắt trừng mở. Trực run người, hai tay ôm chặt lấy trụ giây
điện.
- Phi... mày có sao không...?
Phi không trả lời. Trực gọi đến rát cổ, Phi vẫn làm ngơ! Phi đã bỏ Trực,
Phi đã bỏ đàn chim. Phi đã bỏ chuyến bay cuối. Và Phi đã giã từ giấc mơ
tự do, hòa bình không cộng sản trong phút cuối cùng của chuyến bay di
tản, khi nó đã đưa Phi an toàn về đến miền đất tạm dung. Nằm trên chiếc
băng ca trong xe cứu thương, Trực nấc lên từng chập, nhưng không còn
nước mắt, dù là giọt nước mắt thống khổ, dành cho cho Phi, cho Tâm...
những người bạn đã bỏ Trực trong đoạn cuối cuộc hành trình đầy thê
lương, kinh hoàng này...
Bảo Giang (Danlambao) -
No comments:
Post a Comment