Sunday, April 27, 2014

Trí tuệ của loài “Kông”

  Ngày xưa dưới thời phong kiến, nước Nam ta từ Vua quan đến thần dân luôn bị cái bóng mây đen “vua Tàu” đè nặng trên đầu. Trong sự bức hiếp thường lóe lên những đóm lửa, những điểm sáng giống như phát ra từ những con đom đóm trong đêm trường, hình như cũng để giải tỏa nỗi bức xúc mà không làm gì hơn được và cũng phần nào thõa mãn rằng dân Nam cũng không thiếu kẻ hiền tài, trí dũng thông minh.
Chuyện rằng-trong những đợt đi sứ Tàu, đứng đầu các sứ bộ An Nam ta, thường là các quan Trạng. Nói Trạng An-Nam thì ôi thôi vô vàn chuyện, nhưng tựu chung cũng chỉ là nêu bật kẻ sĩ của ta là những bậc hiền tài, trí tuệ, trong đó không ít những chuyện được hư cấu để tự sướng. Nhưng nghĩ cho cùng cũng vô thưởng vô phạt bởi người dân An-Nam căm thù giặc Bắc Phương, tuy nhiên không làm gì được đành truyền miệng nhau những chuyện Trạng nước ta như thế... như thế... để tự mãn và an ủi.

Trong lần đi sứ ấy, khi Trạng An-Nam vào chầu “thiên tử”, do phía Tàu sắp đặt trước và bắt trói một người “Tàu gốc Giao Chỉ” có thể là con cháu, hậu duệ của Ích Tắc, Chiêu Thống đang làm toi mọi cho rợ Hồ, rợ Mông xứ Bắc và dẫn giải vào triều tâu lên rằng “tên Nam Man này can tội trộm cắp”. Chủ ý là để hạ nhục dân Nam trước sứ thần Nam Quốc. Vua Tàu quay sang hỏi Trạng: Sao dân An Nam lắm kẻ trộm đạo thế? Không một chút nghĩ ngợi Trạng ta tâu đáp ngay rằng: Bẩm bệ hạ-ví như cùng một giống cây cam mà được trồng bên này sông Dương Tử thì quả ngọt nhưng khi đem qua trồng ở bên kia bờ Bắc trồng nó lại cho trái chua? ở nước Nam thần cũng có loài xoài tên là “Hòa Lộc” khi trồng ở đất Tiền Giang-Nam Bộ thì cho trái ngọt vị thơm, nhưng khi đem ra xứ Ba Đình hay Bắc Bó để trồng thì nó cho quả với vị thậm chua mà thần dân Bắc Hà gọi là “trái quéo”(chua quéo lưỡi) chứ không còn là “trái quí” nữa. Tuy rằng nó luôn bị mạo gán cho là giống xoài Hòa Lộc. Tên trộm “Tàu Giao Chỉ” kia tuy nguồn gốc là An-Nam tính bổn thiện nhưng khi qua sống bên Tàu và bị lây nhiễm thói tham lam trộm đạo của dân Tàu. Do đó,, tuy hắn có gốc là An-Nam nhưng nó đã bị “Tàu hóa” và đã biến thành tên trộm Tàu rồi xin tâu cùng bệ hạ (Hồ tập Chương sau này là minh chứng).

Nói về loài cầm thú. Tạo hóa sinh ra loài “Kông” có bộ mã sắc lông sặc sỡ, trên cổ lại có rải rác vài “sao” và ban cho tài múa hay, đôi khi lấn sân của Họa Mi mà cất vang tiếng hót. Tuy nhiên tạo hóa chỉ ban cho màu sắc và chất giọng cùng năng khiếu múa. Nhưng múa, hát dở hay hay là do bài ca của loài khác viết và bài múa của con khác biên đạo.

“Kông” ở Việt Nam được nuôi trong hang động và được trau dồi “trí tệ”, cộng thêm giọng điệu ma mãnh hầu mong hót lên những lời ca làm đẹp lòng cho chủ. Tuy nhiên với trí tệ của loài cầm thú khó mà ứng xử, phát âm cho đúng tông, đúng nhịp của một lời ca tiếng nhạc sao cho phù hợp với cảnh và tình, lẫn thời tiết nắng mưa trong hoàn cảnh lúc đó.

Vừa qua trong cuộc chiến sâu-ếch tranh hùng. Một Dũng tướng vì để bảo toàn tính mạng cho mình khi bị sa vào lao lý có nguy cơ trảm thủ mà đã làm gục ngã một con “tuấn mã”. Đồng môn và đồng thuyền đồng hội với con “ngựa quí” kia có thể là những nguồn sáng lớn (Đại Quang) và chân tay “hạ bộ”-ý chết-“bộ hạ” mà gót chân Achilles của chúng thì tên Dũng tướng tử tù đang nắm giữ như một con át chủ bài sẽ tung ra khi giờ “G” điểm. Tuy nhiên cái vụ “ngựa tử” giữa sa trường là chuyện thường tình trong chiến trận, mặc dù trong đó có nhiều uẩn khúc khiến “ngựa quí” phải bị “bức tử” và đã chôn vùi trong ba tấc đất với sự sắp bày của trận thế bề trên.

Nguồn cơn là như thế này. Chuyện binh đao khói lửa nơi chính trường thì thần dân An-Nam đa phần “vô cảm”. Chỉ biết bươn chải ngược xuôi tìm chén gạo nuôi thân mỗi ngày mà không biết được máu xương, gan ruột của mình và người thân bị hút, móc từng giờ bởi bọn cường quyền ác bá. Do đó lùm xùm chuyện ngựa chết rồi có nguy cơ Dũng tướng cũng lìa trần hay gì gì, Bá tánh cũng tỏ mờ đêm 30 trừ tịch! Tuy nhiên có kẻ sĩ từ chốn xa xôi cõi “sương mù” cũng biết chuyện và luận bàn, đệm vài nốt trong lời ca tiếng nhạc nếu để yên thì xem như giọt nắng bên thềm, đàng này loài “Kông” với trí năng của loài cầm thú cũng muốn lập công với chủ, hơn nữa đang lúc chợt tỉnh cơn ngủ say mà một khi “Kông ngủ” thì bản năng phát tiết lắm điều phản cảm xảy ra. Thay vì “Kông ngủ” thể hiện sắc màu trong điệu múa nửa đêm mơ màng quên đi lời bàn luận của kẻ sĩ bên xứ “mù sương”. Ngược lại thần trí mụ mị sau cơn “gật gù Kông ngủ” lại “sửng cồ” lên dương dương là lá chắn bảo vệ chủ nuôi và đem chuyện luận bàn của kẻ sĩ phương xa ra mà lên án và còn tự đại là sẽ vươn tay dài qua xứ người mà lôi về trị tội???

Như vậy tự nhiên việc nước đã trôi qua cầu, nắp hầm tiêu đã đậy kín do bề trên sắp đặt. Thế mà “Kông ngủ” giống cái “con tự do” ngu ngơ lại mở nắp lên cho cả làng bốc mùi xú uế. Trong chiến trận đôi khi khờ khạo và có khi là lầm lẫn mà chuốc lấy thảm bại hay bị “gậy ông đập lưng ông”. Trong lịch sử thi cử ngày xưa cũng thế. Nhà thơ Tú Xương thuở trước một lần lầm lẫn khi làm bài thi trông chữ “Kiện” lại ra chữ “Tiệp” (Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi!) để rồi bị hỏng. Đàng này “Tiệp” lại trông ra “Tiệc” lại càng “ốt dột” và bốc mùi…

Nơi cửa động Ba Đình bỗng vang lên bài song ca với giọng của hai con Hồ Ly cái…"Đêm qua Kông ngủ trên tay em…à a á…"

Ngày 27/4/2014


No comments:

Post a Comment