Câu mở đầu của bức thư ngỏ
do 61 đảng viên cộng sản gửi cho Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam của họ đã cho thấy có những tâm thức ăn
sâu vào phế phủ.
Khi họ vẫn tiếp tục xem ĐCVSVN - trong đó có họ - mang sứ mạng "dẫn dắt"
cả một dân tộc thì tâm thức ngạo mạn, coi dân tộc không ra gì vẫn trước
sau như một. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của những người suốt đời hít
thở khói ám độc tài.
Tâm thức "dẫn dắt" đó chính là nền tảng của Điều 4 Hiến pháp, là bản
chất kẻ cả của những người mang dòng máu chứa đầy vi khuẩn độc tôn.
Họ mở đầu bằng khoảng thời gian mù mờ "từ nhiều năm nay" chứ không rạch ròi "từ khi mới thành lập" để tạo ấn tượng như có "một khoảng thời gian nào đó" ĐCSVN
đi đúng đường - đảng ngày xưa đúng, đảng bây giờ sai - trong khi hiện
nay, một người có chút tri thức lẫn lương tâm cũng nhận ra rằng ngay từ khi ra đời và kéo dài cho đến nay ĐCSVN đã dùng bạo lực và chế độ toàn trị để ép buộc đất nước đi vào đường lối sai lầm.
Mù mờ, gián tiếp tạo ấn tượng một khoảng thời gian nào đó đảng đi đúng
đường có lẽ để giải thích lẫn biện minh cho cái gọi là những "đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng". Họ tin rằng, hay tự lừa dối lương tâm chính họ, hoặc cố tình lừa đảo cuộc đời rằng có những năm tháng họ và đảng của họ là một tập thể mà hành động, quyết định đều vì nước vì dân.
Chính vì cái ảo tưởng xuất phát từ sự tự thôi miên ta là vì nước vì dân mà
họ, những người từ 75 tuổi đảng cho đến 17 tuổi đảng, vẫn tiếp tục tin
rằng đảng của họ có quyền cai trị và chỉ có đảng của họ mới nên "tự giác và chủ động
thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã
hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển
đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng
ôn hòa." Họ muốn dân chủ nhưng từ chối nguyên tắc cơ bản nhất của dân chủ: nền chính trị quốc gia là do người dân chọn lựa chứ không phải do một đảng tự giác mà có.
Khi viết ra những câu như "những người có trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước" hay "trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này..."
họ muốn tiếp tục rao giảng rằng trong cái đảng làm nên thể chế độc tài,
tạo nên cuộc cách mạng giết người long trời lở đất thời cải cách ruộng
đất, bỏ tù trí thức nhân văn giai phẩm, cải tạo học tập, cải tạo công
thương nghiệp, hiệp ước Thành Đô, tham những thành quốc nạn, buôn rừng,
bán biển, nhượng đất... vẫn còn đó những đảng viên có tinh thần yêu nước.
Họ "yêu nước" nhưng vẫn ở lì, vẫn bám chặt vào một cái đảng mà từ đầu
(không phải từ nhiều năm nay), cai trị dân tộc bởi đường lối sai lầm về
xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết như họ đã khai bút.
Không ai qua mặt những người cộng sản trong việc yêu nước bằng mồm, bằng
diễn văn, bằng khẩu hiệu, bằng nghị quyết. Bầu yêu nước ấy đã sản sinh
ra hình hài Việt Nam bạc nhược ngày hôm nay.
Họ yêu nước hay yêu đảng hơn?
Hay là họ yêu bản thân và sự an toàn của họ hơn hết mọi sự?
Hoặc họ yêu quá đi thôi cái "thuở ấy trong tôi bừng nắng hạ... ", không thể nào phủ sạch sành sanh để nhìn lại thấy cả cuộc đời đã bị lừa và góp phần vào tội ác.
Trong việc kêu gọi đảng của họ "tự giác" và "chủ động"
thay đổi, họ ngỏ lời mong lãnh đạo của họ thực hiện những điều mà nhiều
người không cùng đảng với họ đã phải trần ai, lên bờ xuống ruộng bởi
đảng của họ: dân chủ, chống tàu cộng xâm lăng. Nhưng họ im lặng
như tờ, bình chân như vại khi đồng bào không có thẻ đảng của họ bị bầm
dập, bỏ tù. Họ vẫn đứng về phía của những kẻ đồng chí (hướng) của họ,
hay yên lặng đồng lõa với tội ác của đảng.
Họ "yêu nước" theo cung cách đảng viên và vì thế hành động của họ cho
thấy họ chẳng yêu thương gì những đồng bào nhưng không là đồng chí.
Vì Nước, Vì Dân phải xếp hàng đứng sau Vì Đảng.
Cuối cùng, sự thật không thể chối cãi: họ đã và vẫn đang là những đảng viên cộng sản.
Họ vẫn là thành phần tạo nên guồng máy. Vẫn còn là đó nguyên hình chiếc
bánh, con đinh, cái ốc... của cỗ xe vừa "dẫn dắt" vừa nghiền nát thịt
da dân tộc Việt Nam. Họ là thành phần mà trong đó nhiều người vẫn khệnh
khạng phán rằng: thời cụ Hồ, thời chúng tao tốt, thời thằng Trọng, thằng
Sang, thằng Dũng xấu. Họ chưởi rủa cụ Trọng, cụ Bình nhưng vẫn miệt mài
vái lạy cụ Hồ, cụ Mao.
Họ cũng là những người mà vào thời điểm khởi đầu của cái gọi là "từ nhiều năm nay" đồng nghĩa với lúc họ hết còn được nắm quyền, trước chức vụ của họ có thêm một chữ nguyên buồn
bã: nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương, nguyên Đại sứ
Đặc mệnh toàn quyền, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, nguyên thành
viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Tư lệnh phó, nguyên Trợ lý Thủ
tướng, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công
an, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập,
nguyên Chủ nhiệm khoa, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị, nguyên cán
bộ Ban Tuyên huấn trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Xã
hội học, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Tổng thư ký, nguyên Chủ tịch
Ủy ban phối hợp hành động, nguyên thư ký của Bí thư, nguyên Phó bí thư
Thường trực Thành đoàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa...
Đằng sau những chữ nguyên ảm đảm hoàng hôn đó là những
chức vụ của một thời rực đỏ. Thời góp sức đắc lực nhất cho bộ máy độc
tài. Chức vụ càng cao thì đóng góp càng nhiều cho đảng. Đóng góp càng
nhiều thì chức vụ trong đảng càng cao. Và họ vẫn hãnh diện liệt kê chức
vụ như là những chứng tích, thành quả, những bề dày, những lão với
thành. Đừng hỏi họ trước khi có chữ nguyên thì họ có những loại thư ngỏ như thế này không.
Đó là chân dung của những người cộng sản.
Bạn có thể ủng hộ họ với suy nghĩ rằng dù sao họ cũng đòi đảng của họ những điều mà dân ta cũng đang đòi.
Bạn có quyền ca ngợi họ yêu nước cũng như người khác có quyền lên án họ là những tội đồ.
Bạn có thể thông cảm hoàn cảnh họ hết thời nhưng cương quyết bám đảng để
thay đổi, trong khi nhiều người khác không có cái an toàn khu như họ để
chui vào nhưng vẫn sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho những đổi thay.
Bạn có thể giao số phận của đất nước này cho tập thể những người làm nên
hoang tàn và đổ nát trên quê hương để họ "tự giác" và "chủ động" trong
cái gọi là "thay đổi cương lĩnh"; trong khi nhiều người khác quan niệm
rằng không bao giờ có sự rời bỏ quyền lực nếu không có sức ép đến từ
phản kháng của người dân.
Bạn có thể chấp nhận những người cởi áo cộng sản để mặc áo dân chủ và
tiếp tục cai trị dân mình trong khi người khác cho rằng đó là trò chơi
thoát xác, bình mới rượu cũ.
Sự khác nhau ấy chính là đa nguyên.
Nhưng chân dung của người cộng sản chỉ có một.
No comments:
Post a Comment