Thế kỷ trước ở Việt Nam tính trên nền tảng dân số, nạn mù chữ có tỷ
lệ khá cao và thông tin, giao tiếp với nếp sống văn minh của thế giới
chung quanh đối với người dân có những giới hạn nhất định. Nhìn vào sinh
hoạt đời sống của người dân thời đó, cụ Phan Chu Trinh nhà cách mạnh
không cộng sản, lãnh đạo phong trào Duy Tân đúc kết, thu gọn hình ảnh
dân trí trong bài Tỉnh Quốc Hồn Ca và được cụ Phan cụ thể hóa, đơn giản
hóa tư tưởng xuống thành khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân
sinh” nhằm cổ động trí thức yêu nước cùng nhau góp một bàn tay vào việc
nâng cao dân trí để đấu tranh giành lấy nền độc lập, tự do về cho dân
tộc.
Từ ngày cụ Phan phát động phong trào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu
nhân sinh” đến nay đã gần một thế kỷ và đất nước sau 40 năm chấm dứt
chiến tranh được gọi là “thống nhất đất nước” dưới sự độc quyền lãnh đạo
của đảng cộng sản Việt Nam và hiện nay theo tài liệu, loa đài của đảng,
nhà nước công bố thì Việt Nam đã đạt được “thành quả” đáng khích lệ.
Thành quả đó được cụ thể qua số liệu thống kê chính thức công bố trên hệ
thống thông tin, truyền thông của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam trong lần điều tra dân số năm 2009 như sau:
“Gần 94% người dân biết đọc, biết viết; Khoảng 1/4 người Việt xong
trung học hay cao hơn; Ở người trên 15 tuổi, 4.2% có bằng cử nhân và
0.2% có bằng sau đại học; Việt Nam có hơn 100 ngàn thạc sĩ, 24 ngàn tiến
sĩ, 10 ngàn giáo sư và phó giáo sư, và theo thống kê niên học
2011-2012, Việt Nam có 215 trường cao đẳng, 204 trường đại học, với 756
ngàn học sinh cao đẳng và 1.4 triệu sinh viên đại học.”
Những ai tiếp cận bản thống kê, rà soát chi tiết sẽ thấy trong số dân có
trình độ học vấn, bằng cấp được cơ quan chuyên trách liệt kê ra, có
nhiều tướng lãnh công an, quân đội, đại biểu quốc hội, các ủy viên bộ
chính trị, ủy viên trung ương đảng, các bộ trưởng thủ trưởng, các cơ
quan ban ngành của chính phủ có bằng phó giáo sư, giáo sư, thạc sĩ, tiến
sĩ “bèo” lắm cũng có bằng cử nhân và gần như hầu hết các quan chức lãnh
đạo đảng, nhà nước đều có lận lưng bằng cao cấp lý luận chính trị của
Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh?
Nhìn vào bản “kê khai lý lịch trích ngang” thấy trình độ học vấn, bằng
cấp của quan chức lãnh đạo đảng, nhà nước thật dễ nể vì mặt bằng bằng
cấp, trình độ văn hóa của lãnh đạo Việt Nam đứng tốp đầu ở Đông Nam Á và
tính ra cũng thuộc vào hạng nhất nhì so với các nước văn minh, giàu
mạnh trên thế giới.
Tuy nhiên đấy chỉ là chuyện đẳng cấp, trình độ cao của lãnh đạo cộng sản
Việt Nam, nằm trên bản báo cáo thành tích mang tính trình diễn hơn là
thực chất. Nếu các ông bà lãnh đạo này chịu khó câm mồm mặc cho dân “lé
mắt” nhìn thì sẽ có khối người “nước ngoài” tin họ có trình độ văn hóa
cao, là thật.
Rất tiếc là các ông bà lãnh đạo “đảng ta” mắc chứng “điếc
hay ngóng, ngọng hay nói” dại miệng mở mồm phọt ra những cặn bã bốc mùi
tanh tưởi chợ búa làm xấu hổ hai tiếng Việt Nam trong quan hệ, giao lưu
quốc tế ở thời thông tin mở với những câu nói đại loại như:
“...Biểu tình là ô danh... Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền cho sự ô danh...” (Thạc sĩ kinh doanh quốc tế, cử nhân anh văn, đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước)
“...Đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 ngàn, ở Việt Nam ta có mấy
chục nghìn... cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này có đúng không,
theo tôi không phải là cao nhất...”(Tiến sĩ luật, đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương)
“...Mức dư lượng hóa chất độc hại trong rau quả nhiều nhất là hơn gấp
hai ba lần mức quy định... mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng
đã sử dụng số hoa quả nhiễm độc vẫn còn rất an toàn...”(Cục trưởng, cục bảo vệ thực vật, Nguyễn Xuân Hồng)
“...Tham nhũng 3 năm qua không tụt không tăng, có nghĩa là có tính ổn định...”(Cử nhân, tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh)
“...Bác hồ dạy rồi, ông cha ta dạy rồi, đánh chuột đừng để vỡ bình... làm sao diệt được chuột mà giữ được bình hoa...”(Tiến sĩ ngành xây dựng đảng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.)
“...Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn thấp, số người dân trí cao là
thiểu số... dân trí thấp không thể tùy tiện trưng cầu dân ý...”(Đại học nghề nghiệp, phó chủ tịch hội nhà báo, đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ)
“...Những người nghèo cũng khao khát xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo cái khổ...”(Luận án tiến sĩ, chuyên ngành văn hóa học, phó ban tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long.)
“...Quyền im lặng rất vô lý, không thể chấp nhận được... trình độ dân
trí và điều kiện của ta như hiện nay là không phù hợp, gây khó khăn cho
các cơ quan đấu tranh bảo vệ luật pháp...”(Tiến sĩ, thiếu tướng giám đốc công an Thanh Hóa, đại biểu quốc hội Trịnh Xuyên.)
Đọc một số trích đoạn phát ngôn của ông tổng bí thư Nguyễn Phú trọng và
các quan chức lãnh đạo các cơ quan, ban ngành ông nào, ông nấy học hàm,
học vị, chức tước đầy mình nhưng mở mồm ra thối không ngửi được, dốt
không chịu nổi. Phải chi các ông đừng mở mồm, các ông mở mồm chỉ khiến
cho dân bức xúc buột miệng chửi đổng, vì những phát ngôn ngu ngơ, không
não làm xấu hổ đất nước Việt Nam.
Đó là phần các quan chức “phát ngôn” mở mồm phọt ra đã khiến người dân
Việt Nam xấu mặt lây và việc các ông lãnh đạo ra tay “hành động” làm
nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội ở trên giao
hoặc do chính các ông tự quy hoạch, trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Thực
tiễn chỉ ra các ông bà lãnh đạo này cũng chẳng làm cho hai tiếng Việt
Nam có vị thế trên trường quốc tế mà còn làm cho thế giới khinh thường
Việt Nam qua các hình ảnh, hậu quả cụ thể do trí năng có vấn đề về tư
duy như:
Một là đường dây điện của công ty EVN của nhà nước, độc quyền giăng mắc
giống các tổ nhện ngày càng phình to trong các thành phố lớn của Việt
Nam mà ông tỷ phú Bill Gate, ông chủ công ty Microsoft ngứa mắt thu vào
ống kính bỏ lên trang Facebook cá nhân của ông.
Hai là cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, cao tốc có giá thành đắc nhất
nhì thế giới nhưng sụt lún, hư đổ, xuống cấp nhanh nhất, thuộc vào nhanh
chiếm kỷ lục thế giới cùng với trạm thu phí nhiều nhất thế giới, thuế
phí giao thông không đối thủ cạnh tranh và hệ thống cung cấp nước sạch,
cống thoát nước, thoát chất thải tiêu tiểu phục vụ nhu cầu dân sinh
giống chuyện em bé bán đồ chơi là chuyện dài không hồi kết.
Ba là các nhà khoa học Việt Nam có bằng cấp tiến sĩ tính theo tỷ lệ đầu
người không thua các cường quốc kinh tế thế giới nhưng bằng sáng chế,
công trình nghiên cứu khoa học nằm gần chót bét thua cả Miên và có nguy
cơ thua cả Lào trong tương lai nhưng tiêu tốn ngân sách nhà nước thuộc
hạng tốp đầu của thế giới.
Bốn là Việt Nam là một cường quốc “luật pháp” mỗi năm có hàng vạn điều
luật, văn bản dưới luật vi phạm quy phạm pháp luật do các quan to quan
bé làm ra, phát tán và đó là chưa kể những tên cắc ké, chạy hiệu cầm cờ
nhân danh đảng, nhà nước tự làm “luật rừng” với dân, là câu chuyện dài
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm là quốc hội của đảng với hơn 90% là đảng viên chưa kể các tên công
an tôn giáo khoát áo cà sa, áo chùng đen, mang danh đại biểu nhân dân
nhí nha nhí nhô, không hồn không vía như người mắc bệnh tâm thần làm xấu
mặt Việt Nam trên diễn đàn quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất
nước.
Sáu là hệ thống giáo dục nhồi nhét chính trị, văn sử méo mó bịa đặt, phi
nhân tính mang tính hệ thống nhằm sản sinh ra thế hệ người vô tư cách,
vô nhân cách được gọi là con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính
là nhân lực nguồn hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo lưu manh có thừa,
ngu dốt có hạng và nguồn nhân lực này ngày càng già đi nhưng trình độ
kiến thức như em bé mắc bệnh tự kỷ không lớn nổi như đã thấy.
Vài ba việc vừa kể ra đều nằm dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo độc quyền của
đảng, nhà nước và có tới 99% lãnh đạo các công trình kiến thiết, xây
dựng, phát triển đất nước là do đảng viên đảm nhiệm nhưng khi gây ra hậu
quả nghiêm trọng thì phủi tay không chịu trách nhiệm chi cả!
Thường thì các quan chức lãnh đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam phát
ngôn, hành động không đi đôi với nhau hay nói cách khác, bình dân hơn là
lãnh đạo cộng sản có thói quen nói một đường làm một nẻo. Tuy nhiên
theo như các “phát ngôn” được trích dẫn trong bài viết này thì các ông
bà lãnh đạo đảng ta thể hiện bản năng ngớ ngẩn, ngu dốt có tính nhất
quán và “hành động” trong công tác xây dựng, phát triển đất nước thì
mang tính phá hoại, sửa sai sai sửa triền miên là đồng nhất, khó lẩn vào
đâu được.
Lược sơ qua một số phát ngôn, hành động của đội ngũ quan chức lãnh đạo
đảng, nhà nước có học hàm, học vị, cấp bậc, chức vụ khá cao nhưng mở mồm
đề cập đến vấn đề đơn giản hay phức tạp đều lộ ra sự hiểu biết dưới mức
trung bình và mó tay vào làm việc gì dù to hay nhỏ cũng đều để lại hậu
quả nghiêm trọng khó khắc phục đến không thể khắc phục được, là rất bình
thường.
Đặc biệt là các phát ngôn, hành động của các lãnh đạo đăng tải trên các
hệ thống truyền thông của đảng, nhà nước đã có các lời bình phẩm, phản
biện của bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp xã hội khá thông minh, không kém
phần sâu sắc, thấu tình đạt lý trong khuôn khổ luật pháp quốc gia, quốc
tế ở trình độ cao so với các lãnh đạo có bằng cấp, chức tước cao trong
bộ máy đảng, nhà nước.
Qua những điều cụ thể nêu trên cho chúng ta có cơ sở để kết luận rằng,
dân trí của người dân Việt Nam hiện nay không hề thấp so với quan trí
trong nhà nước pháp quyền cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dù rằng đa
phần người dân không có bằng cấp, trình độ học vấn dựa trên “lý lịch
trích ngang” hoành tráng như các lãnh đạo đảng, nhà nước cộng sản Việt
Nam.
Với thực trạng quan trí đáng báo động như thế, những người Việt Nam có
ưu tư, có lòng với tương lai đất nước không khỏi băn khoăn, canh cánh
bên lòng một nỗi lo. Có lẽ nỗi lo này còn đáng lo ngại hơn cả thời kỳ cụ
Phan Chu Trinh phát động phong trào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh” bởi giờ đây không biết làm sao để “khai quan trí” trong thời
thông tin mở. Thời mà ai cũng có thể tiếp cận thông tin, nâng cao kiến
thức, mở rộng tầm nhìn như một bộ phận không nhỏ người dân đã chủ động
phản bác những tư duy nhận thức thiếu chất xám của lãnh đạo đảng nhà
nước trên các trang báo lề dân lẫn lề đảng trong mấy năm gần đây mà quan
trí các quan nhà ta vẫn “trơ như đá vững như đồng.”
Điều đáng lo ngại hơn cả là quan trí của các quan thấp nhưng quan không
biết, lại còn tỏ ra nguy hiểm, hể mở mồm ra là đổ cho dân trí thấp để
gạt bỏ những cải cách thiết thực cho mục tiêu phục vụ các tiến bộ xã
hội, đất nước. Thế cho nên những người yêu nước có lòng với nước lo lắng
là phải bởi thực tế ai cũng thấy, nói theo ngôn ngữ của bà phó chủ tịch
nước Nguyễn thị Doan là: “khai dân trí đã khó mà khai quan trí còn khó
vạn lần hơn!” Thế thì sao tránh khỏi được lo lắng vì đảng, chế độ chết
rồi nằm phơi ra đó mà có một bộ phận không nhỏ các quan lãnh đạo vẫn mê
tín không chịu chôn nó đi, cứ nhắm mắt bái lạy cầu xin phép lạ hoàn
thiện xã hội chủ nghĩa?
10/06/2015
No comments:
Post a Comment