Wednesday, April 20, 2016

Bắt người chống tham nhũng: ‘Đòn dưới thắt lưng’ của đảng


Đầu năm 2016 lại có chuyện khó tin mà có thật: Hà Nội, Sài Gòn, qua thanh tra, không phát hiện vụ tham nhũng nào! Ngay cả ngành xây dựng, “tổ sư” của tệ nạn rút ruột công trình, “ăn” sắt thép, xi măng, vật tư, đất đai, cũng không có tham nhũng.


Trong khi những cam kết chống tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và của ông thủ tướng “tôi sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng” vẫn thuần túy gió rít kẽ răng, hiện tượng công dân chống tham nhũng bị chính quyền và công an khởi tố bắt giam vẫn tràn lan trên mảnh đất Việt Nam ô nhục vì nạn nhũng nhiễu. 

Đòn dưới thắt lưng

Ngày 22 Tháng Ba, ông Trần Minh Lợi, một người nổi tiếng chống tham nhũng tại Đắk Lắk khi lập Facebook Trần Minh Lợi “chống giặc nội xâm,” bị công an tỉnh Đắk Nông bắt vào để điều tra về “hành vi môi giới hối lộ.”

“Tôi hầu như không tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vì họ đã hứa quá nhiều, nhưng thực chất việc làm lại phụ thuộc vào những nhóm lợi ích và các cuộc đi đêm quá nhiều, nên nhiều án giơ cao đánh khẽ và cuối cùng không còn lòng tin của người dân vào ngành tư pháp có thể công tâm công bằng trong việc chống tham nhũng,” một trí thức nhà nước lắc đầu mệt mỏi nói.

Trước đó, ông Lợi đã viết đơn tố cáo Trung Úy Bình và Thiếu Tá Y Nam (đội phó đội điều tra) và Trung Úy Trần Thanh Hải (cán bộ điều tra) cũng thuộc công an huyện Đắk Mil đến cơ quan chức năng.

Có một tình tiết đáng chú ý mà ông Trần Minh Lợi cung cấp cho báo chí trước hôm bị bắt, là ông Bình đã tới nhà ông Lợi đưa cho ông 200 triệu đồng để mua “sự im lặng.” Ông Lợi đã ghi hình và có nêu trong đơn tố cáo gửi công an tỉnh Đắk Nông, nhưng khi báo chí đề cập vấn đề này với công an tỉnh thì được trả lời là: “Chưa xác định được.”

Một luật gia ở Việt Nam nhận định: “Nếu nhìn qua lăng kính tố tụng, có thể thấy rằng vụ việc khởi tố và bắt khẩn cấp ông Trần Minh Lợi khiến người dân cho rằng đây là đòn đánh 'dưới thắt lưng,' nhằm 'hù dọa' để ông Lợi không dám tố cáo tiếp những vụ việc khác - như vụ Trung Úy Bình mua sự im lặng của ông Lợi với giá 200 triệu đồng.”

Luật gia trên cũng diễn giải rằng Bộ Luật Hình Sự nói rằng người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Ở đây, ông Lợi không dàn cảnh chung chi, mà thực tế sự việc “diễn ra khách quan” và đã được người dân chủ động ghi nhận bằng hình ảnh, tiếng nói để làm bằng chứng tố cáo.

Luật gia này cũng cho biết giới luật sư dự đoán kịch bản sắp tới là cơ quan điều tra sẽ nói rằng ngoài việc giúp người dân tố cáo một số vụ án liên quan đến các cơ quan chức năng, ông Trần Minh Lợi còn lợi dụng điều này để trục lợi cá nhân, vay mượn tiền nhiều người sau đó không chịu trả... hoặc ông Lợi bị bắt vì những đơn tố cáo này của nhiều người...

Tương tự vụ ông Trần Minh Lợi, vào Tháng Tám, 2015, một công dân chống tham nhũng đã bị bắt tại Thanh Hóa. Đó là ông Đinh Tất Thắng, 72 tuổi.

Trong đơn “kiến nghị khẩn cấp” của ông Thắng, ông đề cập: “Báo Người Cao Tuổi ngày 12 Tháng Mười Hai, 2014 cũng vạch mặt Phòng PC14, công an tỉnh Thanh Hóa ăn hối lộ của bọn tội phạm làm thương binh giả ở xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, để đe dọa báo chí không được phanh phui, chính từ chỗ này đường dây thương binh giả, chất độc da cam giả ở tỉnh Thanh Hóa ngày càng nghiêm trọng hiện nay.”

Cũng trong đơn trên, ông Thắng chỉ đích danh “người bảo kê tham nhũng” là bà Phạm Thị Hải Chuyển, bộ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội. Ông cũng liệt kê các cán bộ tỉnh Thanh Hóa vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên như ông Lê Công Minh, bí thư huyện Thọ Xuân, và ông Lê Bá Lương, trưởng công an huyện Thọ Xuân, “bảo kê” cho người nhà là bà Lê Thị Kết làm giả hồ sơ thương binh. Anh ruột của thiếu tướng giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa là thương binh giả...

Chỉ thị 15 và “tham nhũng vẫn ổn định” 

Cho tới nay, “tham nhũng vẫn ổn định,” nói theo một khái niệm mà Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh đã phát ra vào năm 2015. Cứ nhìn vào hiện tượng gần một triệu cán bộ kê khai tài sản trên toàn quốc mà chỉ phát hiện có năm trường hợp “kê khai không trung thực” là đủ biết mật độ tham nhũng và bao che tham nhũng dày đặc đến thế nào. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng quá thấp, chẳng hạn như ở Sài Gòn, chỉ thu hồi được 5 tỷ trong số 2,000 tỷ đồng bị thất thoát, tức chỉ có 0.25%, thua rất xa tiêu chuẩn của thế giới là 30% trở lên.

Đầu năm 2016 lại có chuyện khó tin mà có thật: Hà Nội, Sài Gòn, qua thanh tra, không phát hiện vụ tham nhũng nào! Ngay cả ngành xây dựng, “tổ sư” của tệ nạn rút ruột công trình, “ăn” sắt thép, xi măng, vật tư, đất đai, cũng không có tham nhũng.

Một cựu cán bộ nhà nước thổ lộ: “Tham nhũng ở Việt Nam đã tiến tới một mức độ trơ lỳ không thể tưởng tượng được. Nếu như cách đây 20 năm thì có thể tôi đã khóc và có thể nhiều người dân đã khóc vì gánh nặng ODA đổ lên đầu họ và bị cái đám tham nhũng vét sạch túi của họ, nhưng giờ này thì hầu như không còn xúc cảm gì cả và coi đó là điều đương nhiên. Nó phải xảy ra vì nó phải xảy ra như vậy thì mới ăn mòn cái chỗ đứng của chế độ trong tình trạng chế độ luôn tuyên bố là ODA của Việt Nam là một trong những môi trường lành mạnh nhất.”

Trong những vụ như đường sắt đô thị hay tiền polymer hoặc có thể có những sự việc khác sau này phát hiện ra liên quan đến ODA, thậm chí tham nhũng trầm trọng lên đến vài triệu đô la chứ không phải chỉ có $800,000 hay $1 một như bị phát hiện trước đây. Nhưng một quan chức cho biết kết quả điều tra những vụ việc này cũng chỉ dừng ở mức độ “thỏa hiệp.”

Thỏa hiệp như thế nào?

Vào đầu năm 2016, mâu thuẫn nội bộ đã khiến một tài liệu thuộc độ “Tuyệt mật” vô tình được giải mật: Chỉ thị 15 do Bộ Chính Trị ban hành ngày 7 Tháng Bảy, 2007 “về sự lãnh đạo của đảng đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.”

Trong nhiều năm, thậm chí không nhiều đảng viên nhìn thấy mặt mũi chỉ thị này.

Chỉ đến hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 được tổ chức vào đầu Tháng Ba, từ Thiếu Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an ở Sài Gòn, nội dung của chỉ thị trên mới được tiết lộ:

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”

Tướng Minh đưa ra lý do vì sao công an thành phố không phát hiện được án tham nhũng: “Vì công an thành phố cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.”

Trong thực tế, chính quyền thành phố thường bị đánh giá là một trong những địa chỉ tham nhũng nhiều nhất nhưng phát hiện tham nhũng lại kém nhất. Trong suốt 15 năm dưới “triều đại Lê Thanh Hải” (2000 - 2015), quá nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra trên địa bàn Sài Gòn. Không chỉ tham nhũng kinh tế mà còn cả “tham nhũng quyền lực.”

Hiển nhiên, chỉ thị 15 đã góp phần đắc lực để những đảng viên tham nhũng được nấp sau tấm bình phong này nhằm thoát tội. Cơ chế song trùng quyền lực giữa tổ chức đảng và cơ quan chính quyền đã phần nào vô hiệu hóa những hoạt động chống tham nhũng.

Báo trước sụp đổ

Năm 2015, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng nhưng phát hiện và trừng trị được tham nhũng thì rất ít.

Tham nhũng không chỉ là “quốc nạn” mà còn là “quan nạn” bởi chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được; còn người dân, cán bộ công chức bình thường khó có thể tham nhũng. Một tổng kết cho thấy gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải từ các cơ quan chức năng phanh phui.

Sau đại hội 12, những người bên đảng đã giành thắng lợi lớn trong cuộc chiến quyền lực và có thể tự hào “đã loại được một nhà độc tài.” Nhưng xét cho cùng, nếu chính trị không mang lại lợi ích gì cho xã hội và người dân thì đó chỉ là một thứ chính trị vô nghĩa, một thứ chính trị báo trước tương lai sụp đổ.

Phạm Chí Dũng

No comments:

Post a Comment