Thursday, October 4, 2018

Vì sao người Miền Nam nguyền rủa ông Đỗ Mười?

Vì sao người Miền Nam nguyền rủa ông Đỗ Mười? (M.Châu)

Nhà báo Lê Phú Khải nói rằng ông Đỗ Mười là tấn bi hài kịch của một người lãnh đạo đảng cộng sản xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội Việt Nam, nông nghiệp lạc hậu phong kiến nửa thực dân trước 1945. Ông đi làm cách mạng, từng bị thực dân tù đầy, tra tấn. Nhưng vì đi lạc vào quỹ đạo cộng sản nên bị ‘ma dẫn lối, quỷ đưa đường…!’.
Người miền Nam oán ghét ông Đỗ Mười vì lý do đơn giản hơn: sau tháng 4-1975, nhân danh ‘bên thắng cuộc’, ông đã công khai cho đánh cướp tài sản, cơ nghiệp của người dân miền Nam, bất chấp luân thường đạo lý.
Những ý kiến ghi nhận tiếp theo đây từng được đăng tải trên nhiều tờ báo quốc doanh, xin được kể lại để lý giải vì sao người miền Nam vui mừng trước cái chết của ông Đỗ Mười.
……..

Từng làm phóng viên tuyên truyền về cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc những năm 1960 khi còn công tác ở báo Nhân Dân, sau năm 1975 ông Đinh Phong (đã mất) lại là một trong những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử mới. Trong ký ức của mình sau gần ba thập niên kể từ ngày ấy, nhà báo Đinh Phong trầm ngâm: “Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy?

Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo: “Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng (giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ – NV) xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?”. Thời gian sau tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.
Ông Đinh Phong kể tiếp: “Một tối, tôi tiếp hai vợ chồng anh bạn trong cơ quan. Họ đến bảo rằng cả gia đình là cơ sở điệp báo của ta trước năm 1975, họ dùng chính cửa hàng vải sợi của mình làm bình phong cho cơ sở liên lạc của cách mạng. Những câu chuyện ấy chưa kịp được xác nhận sau năm 1975 thì gia đình trở thành điểm “cải tạo” với cửa hàng vải sợi.
Tài sản bị niêm phong, mọi người trong nhà chuẩn bị nhận quyết định đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Tôi nghe mà toát mồ hôi, ngay trong đêm chạy đến gặp ông Dương Văn Đầy (lúc ấy là chủ tịch Q.1, TP.HCM), bảo: “Họ sắp đưa một gia đình có công với cách mạng đi kinh tế mới”. Ông Đầy nói: “Đâu được”. Tôi bảo: “Họ hẹn sáng sớm 5 giờ là phải đi rồi”. Tờ mờ sáng hôm sau, ông Đầy phải đến chặn ngay trước cửa nhà can thiệp cho trường hợp này. Vậy là quyết định mới được hủy bỏ”.
Ông Mai Chí Thọ (nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, đã mất) kể với phóng viên báo Tiền Phong, từ một thành phố hưởng thụ, một Trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ sau mấy năm khi “Chiến dịch X1, X2” đi qua, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của Sài Gòn bị tê liệt tới mức cạn cùng: Nguyên vật liệu không còn, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, máy móc phương tiện “đắp chiếu” ngủ triền miên hết năm này sang năm khác.
Ông Mai Chí Thọ nói rằng Sài Gòn lúc đó dấy lên phong trào “tự túc lương thực” nhà nhà trồng rau, nuôi heo, làm đủ mọi việc để kiếm sống. Trước đó không lâu, còn là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nay, TPHCM như trở thành một khu chăn nuôi, trồng trọt khổng lồ, thậm chí có nhiều đoạn vỉa hè bị đào xới lên để trồng khoai lang, rau cải…
“Ngay như gia đình tôi đây, hồi đó, làm Chủ tịch thành phố, anh em họ thương, phân cho ở một ngôi nhà rất rộng và đẹp kiểu château của Pháp ngày xưa. Biệt thự nằm trên khuôn viên rộng mấy ngàn mét vuông, có thảm cỏ xanh mượt rất đẹp mắt, những dãy hoa càng tô điểm thêm cho vẻ sang trọng lộng lẫy của khu biệt thự.
Phía trước nhà có bể bơi nước trong xanh phía sau có sân tennis. Thế mà chỉ sau một thời gian, bể bơi lúc đầu thả cả rô phi, sau chẳng lấy đâu ra thức ăn cho cá, vả lại cũng không có người chăm sóc nên trong bể đầy nòng nọc; thảm cỏ thì biến thành ruộng trồng khoai lang để nuôi heo…”. Ông Mai Chí Thọ nói.
……
Tiểu sử công khai trên báo chí nhân chuẩn bị lễ tang của ông Đỗ Mười cho biết: Năm 1976: Được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV, vào Quốc hội khóa VI, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 1976-1981.
Năm 1977: Là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam.
…….
Chiều 21-3-1978, Hội trường của trường đảng Nguyễn Ái Quốc II, Thủ Đức, Sài Gòn, Đỗ Mười đọc Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100-CP, và triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Đỗ Mười nói (trích băng lưu trữ): “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ, diệt triệt để, diệt không nương tay…
Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta. Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm? Chính là bọn tư sản thương nghiệp!
Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? Chính là bọn đầu nậu lúa gạo. Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? Chính là bọn tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của đảng ta…”.
Bảy giờ sáng hôm sau, ngày 23-3-1978, tất cả các cửa hàng kinh doanh to nhỏ, đủ mọi ngành nghề, ngóc ngách, đóng cửa, án binh bất động theo lệnh của Ủy ban nhân dân TPHCM. Một bản thông báo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký được ban hành ngay sau đó, xác nhận “Chiến dịch X-3”, bắt đầu.
M.Châu
Nguồn: Sài Gòn Báo
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

No comments:

Post a Comment