Sau 50 năm, cần nhìn rõ sự thật của cuộc chiến “xâm chiếm miền Nam”
Đã đến lúc chúng ta phải can đảm đối diện và tìm hiểu sự thật – dù có thể là muộn màng – sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Một cuộc chiến đã để lại biết bao tang thương, mất mát cho cả hai miền Nam – Bắc của dải đất hình chữ S, nơi một dân tộc với dòng máu kiên cường, từng trải qua hàng ngàn năm kháng chiến chống ngoại xâm dưới thời cha ông.
Tôi – chỉ là một cựu quân nhân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa – đôi khi tự hỏi: nếu ngày xưa mẹ tôi, quê Hà Tĩnh, không cùng cha tôi xuôi Nam lập nghiệp, thì số phận tôi sẽ ra sao? Có lẽ tôi đã ở phía bên kia, trong hàng ngũ những người mà tôi từng gọi là “đối phương”. Lúc ấy, tôi không am hiểu thời cuộc, chỉ lớn lên trong một môi trường đầy hỏa mù và bối rối. Có mấy ai có thể đủ sức vượt qua dòng chảy của lịch sử, dù nước trong hay đục?
Tôi thường lặp lại câu hỏi ấy trong lòng – như một cách để nguôi ngoai và không còn oán hận những người bên kia chiến tuyến. Nghĩ cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh – như tôi vậy – chỉ khác rằng họ sinh ra ở miền Bắc, còn tôi sinh ra ở miền Nam.
Giá như, sau năm 1975, câu hỏi đó cũng được chính các cấp lãnh đạo cả hai bên đặt ra – đặc biệt là bên thắng cuộc.
Đáng tiếc thay, điều đó đã không xảy ra.
Người miền Nam – vốn hiền hòa, chân chất, không quen gian dối – đã thua trận. Còn bên thắng trận thì dường như vẫn mê mải say men chiến thắng, để rồi quên đi lẽ phải, tính người và nghĩa đồng bào.
Họ đã thực thi những chính sách hậu chiến đầy sai lầm và tàn nhẫn – mang tên “cải tạo” – nhằm trấn áp, hành hạ lớp trí thức có tài, có đức, vốn là tinh hoa của miền Nam. Họ đã phá nát một nền văn hóa nhân văn, nền nếp và đầy giá trị.
Thật ra, cuộc chiến ấy không có “kẻ thù xâm lược” nào – và cũng chẳng ai thực sự thắng. Bởi khẩu AK trên tay các bạn và khẩu M16 trong tay chúng tôi đều là công cụ của hai khối quyền lực toàn cầu: Cộng sản quốc tế và Thế giới tự do. Chúng ta bị cuốn vào một cuộc chiến ủy nhiệm, nơi người Việt giết người Việt.
Kết cục thì sao?
Bên thắng trận – chưa đầy hai thập niên sau – đã phải chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, vốn là chỗ dựa lý tưởng và mô hình mà họ từng tin tưởng tuyệt đối.
Câu hỏi đặt ra: vậy các bạn đã chiến đấu vì điều gì? Đánh đổi sinh mạng của hàng triệu người để rồi rốt cuộc phải quay sang chạy theo mô hình kinh tế thị trường – trong trạng thái hụt hơi – và gọi đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Hai chữ “định hướng” ấy có thực sự mang ý nghĩa gì, hay chỉ là cách để che lấp một hiện thực đầy mâu thuẫn và mất phương hướng?
Phải chăng, tất cả chỉ là để xoa dịu phần nào những hy sinh oan uổng, vô nghĩa? Rốt cuộc, ai đã thực sự chiến thắng?
No comments:
Post a Comment