Sunday, July 21, 2013

Hiệp định Genève (20-7-1954)- Phần I

I.- Diễn tiến đưa đến Hội nghị Genève

    Chiến tranh Triều Tiên hay Cao Ly (Korea) kết thúc bằng hiệp ước đình chiến được ký kết ở  Panmunjon (Bàn Môn Điếm), ngày 27-7-1953, chia Triều Tiên thành hai vùng Bắc và Nam Triều Tiên, ranh giới là vĩ tuyến 38.  Đây chỉ là hiệp ước đình chiến, chứ không phải là hòa ước giữa các bên lâm chiến.  Dầu vậy, hiệp ước và giải pháp chia hai nước Triều Tiên được một số nước, kể cả Pháp, xem là mẫu mực để giải quyết vấn đề Đông Dương.
Ngày 4-8-1953 Liên Xô đề nghị họp hội nghị ngũ cường gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) vào tháng 9-1953 để tiếp tục giải quyết những tranh chấp ở Triều Tiên, đồng thời tại khu vực Á Châu, trong đó nóng bỏng nhất là vấn đề Việt Nam.


    Đề nghị nầy bị Hoa Kỳ bác bỏ ngày 2-9-1953.  Trong cuộc họp tay ba Anh, Pháp và Hoa Kỳ trong ba ngày kể từ 16-10-1953, cả ba nước đưa ra tuyên bố không chấp nhận đề nghị của Liên Xô, chủ yếu vì các cường quốc Tây phương không muốn thừa nhận CHNDTH là một cường quốc ngang hàng với họ.  Lúc đó, CHNDTH chưa được vào Liên Hiệp Quốc (LHQ).  Chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ do Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) nắm giữ.
Lúng túng trong chiến tranh Việt Nam, ngày 27-10-1953, thủ tướng Pháp là Joseph Laniel tuyên bố sẵn sàng tìm kiếm cơ hội tái lập hòa bình ở Đông Dương.  Ông được quốc hội Pháp ủng hộ để thương thuyết và đi đến một giải pháp chính trị.  Ra trước thượng viện Pháp ngày 12-11-1953, thủ tướng Laniel lập lại ý kiến trên thêm một lần nữa.  Laniel hy vọng kế hoạch hành quân của đại tướng Henri Navarre tại Việt Nam sẽ có thể đem lại thành công trên chiến trường, để có thể thương thuyết trong thế mạnh.
Đề nghị của Laniel được phía cộng sản đáp ứng ngay.  Trong một cuộc phỏng vấn của báo Expressen (Norway = Na Uy) vào cuối tháng 10-1953, Hồ Chí Minh cho biết rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do đảng Lao Động (LĐ) và mặt trận Việt Minh (VM) điều khiển, sẵn sàng tìm hiểu các đề nghị của Pháp và chỉ thương thuyết với Pháp, chứ không nói chuyện với chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng.
Về phía Liên Xô, vừa trả lời cho tam cường Tây phương, vừa trả lời cho đề nghị của thủ tưóng Pháp (Laniel), ngoại trưởng Mikhailovich Molotov tuyên bố ngày 

26-11-1953 đồng ý tham dự hội nghị tứ cường Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô, nhưng dành quyền sẽ triệu tập hội nghị ngũ cường sau đó.  Mãi đến ngày 

29-11-1953, bài phỏng vấn Hồ Chí Minh mới được báo Expressen công bố, và được Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh đăng lại ngày 1-12-1953, kèm theo bài xã luận hoàn toàn ủng hộ lập trường của VM.

Ngày 6-12-1953, theo quyết định của các cố vấn CHNDTH, quân đội VM bắt đầu mở cuộc tấn công Điện Biên Phủ.(1)  Một tuần sau, Hồ Chí Minh tuyên bố chấp nhận thương thuyết với Pháp ngày 14-12-1953.  Hỗ trợ ý kiến của Hồ Chí Minh, ngày 26-12-1953, Liên Xô đưa ra đề nghị họp tứ cường tại Berlin ngày 25-1-1954, và được các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ chấp thuận.
Vào ngày nói trên (25-1-1954), hội nghị tứ cường vừa khai mạc tại Berlin, thì ngoại trưởng Liên Xô, Mikhailovich Molotov, đề nghị mời CHNDTH cùng họp để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên thế giới.  Mãi đến ngày 18-2-1954, ý kiến của Liên Xô mới được ba nước tây phương đồng ý.  Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được mời tham dự hội nghị Genève, sẽ bắt đầu từ ngày 26-4-1954 để bàn về các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương.
Hội nghị ngũ cường Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, CHNDTH tại Genève chính thức khai mạc ngày 26-4-1954, một ngày bàn về Đông Dương, một ngày bàn về Triều Tiên.  Liên Xô đề nghị mở rộng những nước tham dự bằng cách mời thêm các phe lâm chiến ở Đông Dương.  Ý kiến nầy được chấp thuận tại phiên họp ngày 2-5-1954.  Như thế, về vấn đề Đông Dương, hội nghi Genève sẽ có tất cả là 9 phái đoàn tham dự: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, CHNDTH, QGVN, VNDCCH (VM), Lào và Cambodge (Cambodia).
Hội nghị Genève về Đông Dương với sự tham dự của 9 phái đoàn, chính thức khai mạc ngày 8-5-1954.  Một ngày trước đó, cứ điểm Điện Biên Phủ tại Việt Nam của liên quân Pháp-Việt bị thất thủ vào tay quân đội VM ngày 7-5-1954.

II.-  Hội nghị Genève

Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương có thể chia thành hai giai đoạn:  Giai đoạn thứ nhất từ khi khai mạc (8-5-1954) đến khi tạm nghỉ ngày 20-6-1954.  Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ ngày 10-7 đến ngày 21-7-1954.  Giữa hai giai đoạn là sự thay đổi chính phủ tại Pháp và hội nghị Liễu Châu giữa Châu Ân Lai (Trung Cộng) và Hồ Chí Minh (Việt Minh).

Giai đoạn thứ nhất Hội nghị Genève

Hội nghị Genève về Đông Dương với 9 phái đoàn là ngũ cường Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, CHNDTH, và bốn chính phủ liên hệ ở Đông Dương là QGVN, VNDCCH (VM), Lào, Cambodge (Cambodia), bắt đầu ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết thúc trận Điện Biên Phủ.
Tạ Quang Bửu, trưởng phái đoàn VNDCCH đang ký Hiệp định Genève. Ảnh Wikipedia

   Thời điểm khai mạc hội nghị Genève về Đông Dương rõ ràng rất thuận lợi cho phía cộng sản:  Liên Xô và CHNDTH lúc đó chưa rạn nứt mà còn liên lạc ngoại giao gắn bó trong tinh thần Cộng sản Quốc tế, tích cực giúp đỡ VM.  Trong khi đó, sau khi thất trận Điện Biên Phủ (7-5-1954), nội tình nước Pháp chia rẽ.  Pháp đang muốn kiếm cách rút lui khỏi Đông Dương.  Chính phủ Quốc Gia Việt Nam gặp nhiều khó khăn, quân đội mới được thành lập nên chưa vững mạnh.
Phái đoàn QGVN do ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định cầm đầu khi hội nghị bắt đầu.  Sau đó, để tăng cường, QGVN gởi phó thủ tướng Nguyễn Trung Vinh làm trưởng đoàn, Nguyễn Quốc Định phụ tá.  Khi Ngô Đình  Diệm chấp chánh ngày 7-7-1954, thì tân ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đến thay Nguyễn Trung Vinh.  Phái đoàn VM do Phạm Văn Đồng lãnh đạo.  Lúc đó ông Đồng đã được chỉ định làm phó thủ tướng VNDCCH.
Sau gần 20 ngày hội họp tại Genève, ngày 26-5-1954, Pháp và VM thỏa thuận ngừng bắn ở Việt Nam, rút quân về những khu vực chỉ định.  Phạm Văn Đồng đề nghị cách phân chia thật giản dị là chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 13.(2)  Việt Minh rút về Bắc, Pháp rút về Nam.  Pháp chưa quyết định.  Anh Quốc tán thành, Hoa Kỳ phản đối.  Chính phủ QGVN chủ trương thống nhất, không chia cắt.  Tại Sài Gòn, thủ đô của chính phủ QGVN, Quốc Dân Đại Hội họp phiên bất thường cũng trong ngày 26-5-1954, phản đối mạnh mẽ việc chia hai đất nước.(3)
   Tại Genève, trong cuộc họp mật riêng với Pháp ngày 10-6-1954, Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Quốc phòng VM, nói với đại diện Pháp là Delteil rằng: “Chúng tôi cần một thủ đô [Hà Nội] và cần một hải cảng [Hải Phòng].”(4)  Hội nghị toàn thể tại Genève gặp bế tắc ngày 12-6 khi phái đoàn VM không chấp nhận sự kiểm soát quốc tế, mà đòi rằng ban kiểm soát chỉ có đại diện Pháp và VM.  Việt Minh còn đòi giải pháp ngưng bắn ở Đông Dương bao gồm luôn cả vấn đề Việt-Miên-Lào.
Khi họp riêng ngày 15-6-1954, với đại diện Liên Xô (ngoại trưởng Molotov) và đại diện CHNDTH (thủ tướng kiêm ngoại trưởng Châu Ân Lai), Phạm Văn Đồng bị đại diện hai nước nầy ép phải chấp nhận những giải pháp riêng biệt về ba nước Đông Dương, nghĩa là VM phải rút quân ra khỏi Lào và Miên.  Kể từ 20-6-1954, các ngoại trưởng tạm nghỉ và về nước tham khảo ý kiến.

Những diễn tiến trong thời gian Hội nghị Genève tạm nghỉ

Mendès France, thủ tướng Pháp:  Sau thất bại Điện Biên Phủ (7-5-1954), chẳng những Pháp thay lãnh đạo ở Đông Dương, mà thay luôn cả chính phủ Pháp ở Paris.  Nội các Joseph Laniel từ chức ngày 13-6-1954, và Mendès-France, người Pháp gốc Do Thái, thuộc đảng Xã Hội Cấp Tiến (Socialiste Radical), một thành viên Hội Tam Điểm Pháp,(5) được mời lập chính phủ.
Điều trần trước quốc hội Pháp, Mendès-France tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng bốn tuần lễ (chưa đầy một tháng).  Nói cách khác, với ý nguyện của quốc hội Pháp, chính phủ Mendès-France quyết định bỏ rơi QGVN, và bằng mọi giá ký kết hiệp ước đình chiến, rút quân Pháp ra khỏi Đông Dương.  Mendès-France chính thức nhậm chức ngày 21-6-1954.  Nếu tính thêm bốn tuần lễ thì vào khoảng 21-7-1954.
Hội nghị Liễu Châu:  Trong thời gian nghỉ họp, Châu Ân Lai về lại Trung Quốc.  Ông mời Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp qua Liễu Châu (Liuzhou), thuộc tỉnh Quảng Tây (Kwangsi hay Guangxi), hội họp từ ngày 3-7-1954.
Trong cuộc gặp gỡ nầy, đại để Châu Ân Lai cho rằng có ba cách để đối phó với tình hình mới:  1) Thượng sách là hòa.  2) Trung sách là đánh rồi hòa.  3) Hạ sách là đánh tiếp.
Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh chấp nhận thượng sách là hòa để tránh mở rộng chiến tranh, vì nếu tiếp tục mở rộng chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ can thiệp.  Theo Châu Ân Lai, VM nên giải quyết riêng biệt chuyện Lào và Miên, đồng thời chia hai nước Việt Nam ở khoảng vĩ tuyến 16.  Với kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, Châu Ân Lai khuyên VM không nên đòi hỏi thái quá, khiến Pháp sẽ ở thế phải nhờ Hoa Kỳ can thiệp.
Cũng theo Châu Ân Lai, trong trường hợp Hoa Kỳ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam, với binh lực hùng hậu, Hoa Kỳ sẽ có thể lật ngược tình thế như trong chiến tranh Triều Tiên trước đây.  Như vậy VM sẽ đuổi được kẻ địch yếu, nhưng lại rước kẻ địch mạnh.  Hơn nữa, VM nên giúp tân thủ tướng Pháp là Mendès-France, để ông ta không bị quốc hội Pháp lật đổ.  Nếu Mendès-France không thành công, chính phủ Mendès-France sẽ bị đổ, thì có thể sẽ bất lợi đối với phía CS.(6)
Về phía phái đoàn VM, trong hội nghị nầy, Võ Nguyên Giáp cho biết nếu phải rút đi, thì chỉ rút những người làm công tác chính trị bị lộ diện, phần còn lại thì ở lại miền Nam chờ thời cơ, có thể khoảng 10,000 cán bộ.(6)
Hội nghị Liễu Châu giữa Châu Ân Lai và Hồ Chí Minh kết thúc sau phiên họp cuối cùng tối ngày 5-7-1954.  Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh ngày 8-8-1954, đăng “Tuyên bố về cuộc hội đàm Trung Việt của chính phủ Trung Quốc”, được dịch nguyên văn như sau:
“Thủ tướng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Châu Ân lai và Chủ tịch nước Việt Nam dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh đã cử hành hội đàm tại biên giới Trung Việt từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954.  Thủ tướng Châu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan khác.  Tham gia hội nghị còn có: Hoàng Văn Hoan, đại sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Trung Quốc và Kiều Quán Hoa, cố vấn Đoàn đại biểu nước Cộng Hòa Nhận Dân Trung Hoa tại Hội nghị Genève.”(5)
Về lại Việt Nam, Hồ Chí Minh họp Bộ chính trị đảng Lao Động (tức đảng CSVN) tại Thái Nguyên, ra nghị quyết theo quyết định của hội nghị Liễu Châu, nghĩa là VM chấp nhận giải pháp chia hai đất nước, tạm thời hòa hoãn và chuẩn bị tiếp tục tranh đấu sau khi ký kết hiệp ước đình chiến.(7)
Chủ trương mới nầy được Hồ Chí Minh nêu ra trong báo cáo ngày 15-7-1954 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) khóa II từ 15 đến 17-7-1954 tại Việt Bắc, trong đó có đoạn viết: “Trước kia khẩu hiệu của ta là: ‘Kháng chiến đến cùng’.  Nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.”(8)
Trong khi đó, thực hiện sự thỏa thuận ngày 26-5 tại hội nghị Genève, các phe lâm chiến ở Việt Nam mở hội nghị Trung Giá từ ngày 4 đến 27-7-1954 để bàn về chi tiết việc ngưng bắn.   Trung Giá, hay Trung Giã, nằm về phía nam thị xã Thái Nguyên khoảng 30 cây số.  Đại diện cho Pháp là đại tá Lennuyeux, đại diện cho QGVN là thiếu tá Nguyễn Phước Đàng, đại diện cho VM là thiếu tướng Văn Tiến Dũng.

Giai đoạn thứ hai Hội nghị Genève

Tân thủ tướng Pháp là Mendès-France đích thân đến Genève để hội đàm với ngoại trưởng Liên Xô là Mikhailovich Molotov ngày 10-7, và ngoại trưởng CHNDTH là Châu Ân Lai trong hai ngày 12 và 13-7.  Pháp, Liên Xô và CHNDTH thỏa thuận giải pháp chia hai nước Việt Nam.  Pháp đòi chia ở vĩ tuyến 18.  Trung Hoa đề nghị vĩ tuyến 16, rồi đổi vĩ tuyến 17.  Sau đó, khi Châu Ân Lai gặp Phạm Văn Đồng, đại biểu của VM, Châu Ân Lai áp đặt  ý định của các cường quốc.  Phạm Văn Đồng đành chấp nhận.  Đại biểu QGVN là bác sĩ Trần Văn Đỗ phản đối việc chia cắt đất nước bất cứ ở đâu.
Cuối cùng, sau những tranh cãi và mặc cả vào buổi chiều ngày 20-7-1954, hiệp ước đình chiến được soạn thảo xong và ký kết sau 12 giờ đêm 20-7, qua sáng 21-7-1954 trong lúc đồng hồ ở trụ sở ký kết vẫn giữ nguyên ở 12 giờ đêm 20-7-1954.(9)

III.- Hiệp định Genève: Đình chỉ chiến sự

Danh xưng chính thức của hiệp định Genève là Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.  Hiệp định nầy được viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt, có giá trị như nhau.  Hai nhân vật chính ký vào hiệp ước đình chiến Genève là Henri Delteil, thiếu tướng, thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương và Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng chính phủ VNDCCH.  Các nước khác cùng ký vào hiệp định Genève còn có Anh, Liên Xô, CHNDTH, Lào, Cambodia.  Hai chính phủ QGVN và Hoa Kỳ không ký vào bản hiệp định nầy.  Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm có 6 chương, 47 điều, trong đó các điều chính như sau:
-  Việt Nam chia làm hai vùng tập trung, ranh giới tạm thời từ cửa sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị), theo dòng sông, đến làng Bồ-Hô-Su và biên giới Lào Việt. [Không nói đến vĩ tuyến 17.  Trong thực tế, sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 nên người ta nói nước Việt Nam được chia hai ở vĩ tuyến 17.]  Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc và Quốc Gia Việt Nam ở phía nam.
-  Dọc hai bên bờ sông, thành lập một khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên, để làm “khu đệm”, có hiệu lực từ ngày 14-8-1954.
-  Thời hạn tối đa để hai bên rút quân là 300 ngày kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.
-  Cuộc ngưng bắn bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 27-7 ở Bắc Việt, 1-8 ở Trung Việt và 11-8 ở Nam Việt.
-  Mỗi bên sẽ phụ trách tập họp quân đội của mình và tự tổ chức nền hành chánh riêng.
-  Cấm phá hủy trước khi rút lui.  Không được trả thù hay ngược đãi những người đã hợp tác với phía đối phương.
-  Trong thời gian 300 ngày, dân chúng được tự do di cư từ khu nầy sang khu thuộc phía bên kia.
-  Cấm đem thêm quân đội, vũ khí hoặc lập thêm căn cứ quân sự mới.
-  Tù binh và thường dân bị giữ, được phóng thích trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi thực sự ngừng bắn.
-  Sự giám sát và kiểm soát thi hành hiệp định sẽ giao cho một Uỷ ban Quốc tế.
-  Thời hạn rút quân riêng cho từng khu vực kể từ ngày ngừng bắn:  Hà Nội (80 ngày), Hải Dương (100 ngày), Hải Phòng (300 ngày), miền Nam Trung Việt (80 ngày), Đồng Tháp Mười (100 ngày), Cà Mau (200 ngày).  Đợt chót ở khu tập kết Trung Việt (300 ngày).
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chỉ là một hiệp định có tính cách thuần tuý quân sự.  Cũng giống như hiệp ước đình chiến Panmunjon (Bàn Môn Điếm) ngày 27-7-1953, hiệp định đình chiến Genève không phải là một hòa ước, và không đưa ra một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam. (Còn tiếp)  (Trích Việt sử đại cương tập 5.)
© Trần Gia Phụng
(Toronto, 19-7-2010)
—————————————————————————————-
Chú thích:
1. Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tt. 45-46.  Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập B: 1947-1954, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 355.
2. Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân lai và Hội nghị Genève], Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27, “Hội nghị Liễu Châu then chốt”. (diendan@diendan.org) (trích ngày 1-2-2009.).  Xem thêm: tạp chí Thế Kỷ 21, California: số 219, tháng 7-2007, tr. 13.
3. Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Sài Gòn 1966, Xuân Thu California, tái bản không đề năm, tr. 147.
4. Chính Đạo, sđd. tr. 390.
5. Tạp chí L’Histoire, Paris, số 256, tháng 7 và 8-2001, tr. 53.  Mendès France gia nhập Hội Tam Điểm Paris năm 1928, khi mới 21 tuổi.  Suốt đời, ông hoạt động cho Tam Điểm.
6. Tiền Giang, sđd. chương 27 (Hội nghị Liễu Châu then chốt) và chương 28 (Lãnh tụ đã quyết thì vũ trụ cũng chẳng là cái gì.)  Về Hội nghị Liễu Châu, xin đọc thêm Qiang Zhai, sđd. tt. 58-60.
7. Chính Đạo, sđd. 404.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 (1953-1955), xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc Gia, 2000, tr. 316.  Theo chú thích của sách nầy, cuộc họp giữa Châu Ân Lai và Hồ Chí Minh diễn ra ở biên giới Việt Trung, và không nói địa điểm cụ thể.
9. Theo tài liệu của Chính Đạo, lúc đó là 1 giờ sáng (Chính Đạo, sđd. tr. 409).  Theo Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Nxb. Trình Bày, Sài Gòn 1973, tr. 11, thì lúc đó là 3 giờ 15 phút sáng.

No comments:

Post a Comment