Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định đình chiến Genève) ngày 20-7-1954 chia hai nước Việt Nam tại sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Trị. Sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở phía bắc
và Quốc Gia Việt Nam ở phía nam.
1.- VIỆC ĐỐI NỘI
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rộng khoảng 60.900 dặm vuông (khoảng 158.340 km2),(1) do đảng Lao Động (LĐ) cai trị, Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng làm thủ tướng. Đảng LĐ chủ trương độc đảng, độc tài toàn trị, một mình nắm chặt chính quyền. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là nước cộng sản đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á.
Ngoài thủ đô là Hà Nội, VNDCCH còn có các hải cảng quan trọng là Hải Phòng, Vinh. Dân số năm 1955 ở miền Bắc là 13.574.000 người.(2) Các tỉnh phía bắc vĩ tuyến 17 vào thời điểm nhà nước VNDCCH tiếp thu, có thể kể:
Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bắc Quảng Trị.
Quân đội Việt Minh (VM) tiếp thu Hà Nội ngày 10-10-1954. Chủ tịch Uỷ ban Quân quản Hà Nội của VM là Vương Thừa Vũ tức Nguyễn Văn Đồi, người đã chỉ huy cuộc tấn công Hà Nội ngày 19-12-1946 và trở thành tư lệnh sư đoàn đầu tiên của VM là sư đoàn 308. Hồ Chí Minh từ vùng chiến khu Việt Bắc về Hà Nội ngày 15-10-1954, bắt đầu thiết lập tổ chức cầm quyền miền Bắc.
Hải Phòng, điểm tập trung đồng bào miền Bắc muốn di cư vào miền Nam bằng tàu thủy, do VM tiếp thu ngày 13-5-1955. Những toán lính Pháp cuối cùng rời đảo Cát Bà (vịnh Hạ Long, vùng Hải Phòng) ngày 22-5-1955, thì VM mới thật sự làm chủ hoàn toàn miền Bắc.
Thời điểm nầy cũng chấm dứt luôn thời hạn 300 ngày ở miền Bắc mà bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954” cho phép dân chúng được tự do di chuyển từ khu vực thuộc phía bên nầy sang khu vực thuộc phía bên kia.
Số người từ miền Nam tập kết ra Bắc không được thống kê đầy đủ. Theo sự trình bày của Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Hoa) từ ngày 3-7-1954 giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc, trước khi chiến tranh kết thúc, VM dự tính bước đầu rút ra Bắc khoảng 60.000 người, trong đó 50.000 người là bộ đội và 10.000 người làm công tác chính trị, nhất là những người “đỏ” quá, bị lộ diện, không thể ở lại.(3) Đây chỉ là số lượng Võ Nguyên Giáp dự tính, trong khi có tài liệu cộng sản cho rằng số người tập kết ra Bắc khoảng 175.000 cán bộ và 15.000 học sinh. (Đặng Phong (chủ biên), sđd. tr. 45.)
Số người từ miền Bắc di cư vào miền Nam lên đến khoảng gần 900.000 người.(4) Những thành phần chống cộng, đối lập, bất đồng chính kiến, những nhân vật trong các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc, đều rút về miền Nam. Điều nầy có lợi cho việc cai trị của đảng Lao Đông (LĐ) tức đảng Cộng sản Bắc Việt vì không còn, hay còn ít người đối kháng với chế độ cộng sản ở lại đất Bắc.
Từ tháng 9-1954, nghĩa là sau hiệp định Genève và trước khi về Hà Nội, Phạm Văn Đồng được cử giữ chức thủ tướng chính phủ VNDCCH thay Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mãi đến tháng 9-1955, đảng LĐ mới triệu tập trở lại những thành viên còn sót lại từ quốc hội Khóa I (ngày 6-1-1946). Trong phiên họp tại Hà Nội ngày 20-9-1955, quốc hội nầy thông qua thành phần chính phủ Phạm Văn Đồng như sau:
Chủ tịch VNDCCH – Hồ Chí Minh
Thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao – Phạm Văn Đồng
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội vụ – Phan Kế Toại
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng – Võ Nguyên Giáp
Phó thủ tướng kiêm Chủ nhiệm ỦB Khoa học nhà nước – Trường Chinh (từ tháng 4-1958)
Phó thủ tướng – Phạm Hùng (từ tháng 4-1958)
Bộ trưởng bộ Công an – Trần Quốc Hoàn
Bộ trưởng bộ Giáo dục – Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng bộ Tài chánh – Lê Văn Hiến (đến tháng 5-1958) – Hoàng Anh (từ tháng 6-1958)
Bộ trưởng Giao thông và Bưu điện – Nguyễn Văn Trân
Bộ trưởng Thủy lợi và Kiến trúc – Trần Đăng Khoa (đến tháng 4-1958)
Bộ trưởng Thủy lợi – Trần Đăng Khoa (từ tháng 4-1958)
Bộ trưởng Kiến trúc – Bùi Quang Tạo (từ tháng 4-1958)
Bộ trưởng Công nghiệp – Lê Thanh Nghị
Bộ trưởng Thương nghiệp – Phan Anh (đến tháng 4-1958)
Bộ trưởng Ngoại thương – Phan Anh (từ tháng 4-1958)
Bộ trưởng Nội thương – Đỗ Mười ( từ tháng 4-1958)
Bộ trưởng Y tế – Hoàng Tích Tri (đến tháng 12-1958 – Phạm Ngọc Thạch (từ tháng 12-1958)
Bộ trưởng Lao động – Nguyễn Văn Tạo
Bộ trưởng Tư pháp – Vũ Đình Hòe
Bộ trưởng Văn hóa – Hoàng Minh Giám
Bộ trưởng Thương binh – Vũ Đình Tụng (giải thể tháng 5-1959)
Bộ trưởng Cứu tế – Nguyễn Xiển (giải thể tháng 5-1959)
Bộ trưởng Nông lâm – Nghiêm Xuân Yêm
Bộ trưởng Phủ thủ tướng – Phạm Hùng (đến tháng 4-1958) – Nguyễn Duy Trinh (4/1958 – 12/1958) – Nguyễn Khan (từ tháng 5-1959)
Chủ nhiệm ỦB Kế hoạch Nhà nước – Nguyễn Văn Trân (4-1958 đến 12-1958) – Nguyễn Duy Trinh (từ tháng 12-1958)
Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm UBKHNN – Nguyễn Văn Trân (từ tháng 12-1958) – Lê Văn Hiến (từ 12-1958) (5)
Chính phủ hoạt động theo những nghị quyết của Bộ chính trị và Uỷ ban Trung ương đảng LĐ. Ngoài ra, chính phủ còn được sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), một bộ phận ngoại vi của đảng LĐ. Nguyên trước đây, ngày 27-5-1946, Việt Minh thành lập Mặt trận Liên Việt (Liên hiệp Quốc dân Việt Nam), do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ tịch, Tôn Đức Thắng, phó chủ tịch. Năm 1947, Huỳnh Thúc Kháng từ trần, Tôn Đức Thắng lên thay. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 24.) Trong Đại hội từ 5 đến 10-9-1955, Mặt trận Liên Việt tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ và tự giải tán, chuyển qua thành MTTQ cũng do Tôn Đức Thắng làm chủ tịch.
Theo kế hoạch của CSVN, giai đoạn từ 1955 đến 1960 được gọi là giai đoạn xây dựng miền Bắc, chia thành hai thời kỳ: ổn định trật tự xã hội, khôi phục kinh tế (1955-1957) và cải tạo xã hội chủ nghĩa theo đường lối cộng sản, tức kinh tế chỉ huy (1958-1960). Để thực hiện các kế hoạch nầy, nhà nước cộng sản mở lại cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) với nhiều mục tiêu cùng một lúc, và chận đứng phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, đóng khung chính trị và văn hóa theo khuôn khổ chủ nghĩa cộng sản.
2. VIỆC ĐỐI NGOẠI
Bắc Việt Nam liên lạc ngoại giao chính với các nước trong khối cộng sản và thêm một số nước trung lập. Lúc đó, hai cường quốc cộng sản là Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang tranh chấp nhau. Cuộc tranh chấp Nga Hoa vừa gây khó khăn, đồng thời cũng có lợi cho Bắc Việt Nam. Khó khăn vì Bắc Việt Nam phải giữ thăng bằng trong việc ngoại giao với hai cường quốc cộng sản. Có lợi vì Bắc Việt Nam lợi dụng cuộc tranh cãi giữa hai bên, để mặc cả, thương lượng và xin hai nước viện trợ tối đa. Cả hai bên đều tranh đua gia tăng viện trợ nhằm lôi kéo Bắc Việt Nam về phe mình.
Theo chủ trương chung sống hòa bình, vào đầu năm 1957, Liên Xô đề nghị hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc (LHQ) như hai nước riêng biệt. Chính phủ Bắc Việt quyết liệt phản đối.(6) Sau khi phó thủ tướng Liên Xô, Anatas Mikoyan, đến Trung Quốc vào tháng 4-1956 giải thích chính sách mới của Liên Xô, thì vào giữa tháng 5-1957, Kliment Voroshilov, chủ tịch đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô, đến thăm Hà Nội.
Có thể trước đó Liên Xô đã thăm dò ý kiến Bắc Việt và sợ rằng Bắc Việt sẽ xích gần với Trung Quốc nếu Liên Xô không ủng hộ Bắc Việt, nên sau khi gặp các lãnh tụ Bắc Việt tại Hà Nội, Voroshilov tuyên bố rằng Liên Sô bảo đảm sẽ không chấp nhận cho Việt Nam Cộng Hòa gia nhập LHQ và sẽ gia tăng viện trợ cho Bắc Việt. (Vào tháng 9-1957, Liên Xô phủ quyết khi vấn đề nầy được đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.)(7)
Việc quyết tâm xâm lăng miền Nam đưa đến một nhu cầu lớn lao cho đảng LĐVN: đó là viện trợ từ các nước ngoài. Về quân sự, Bắc Việt rất cần thiết bị, quân xa, quân dụng, súng ống tối tân để chống lại võ khí Hoa Kỳ ở miền Nam. Trong khi đó, nền kinh tế và kỹ nghệ Bắc Việt suy kiệt một cách trầm trọng, không đủ nuôi dân cũng như không thể cung ứng nhu cầu chiến trường. Từ tháng 9-1954, khi đảng LĐ mới cầm quyền ở Bắc Việt, Bắc Việt xảy ra nạn đói.(8) Nạn đói kéo dài trong giai đoạn CCRĐ.
Bắc Việt chỉ còn cách duy nhất là cầu viện cả hai cường quốc cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc mới có thể tấn công miền Nam. Trước tình trạng khối CSQT bắt đầu rạn nứt, Bắc Việt không muốn làm mất lòng một trong hai nước nói trên, đồng thời muốn lợi dụng tình trạng nầy để kêu gọi cả hai cường quốc cộng sản viện trợ tối đa cho Bắc Việt Nam.
Ngoài nhu cầu viện trợ quân sự và kinh tế, giữa hai chính sách đối ngoại của hai nước Liên Xô và Trung Quốc, chính sách lúc đó vừa bảo thủ vừa hiếu chiến và cứng rắn của Trung Quốc, sẵn sàng yểm trợ và viện trợ các phong trào cộng sản tại các quốc gia trên thế giới, để khuynh đảo chính trị, nhất là lập trường cương quyết chống Mỹ ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thích hợp với lập trường hiếu chiến của Bắc Việt, đang kiếm cách xâm lăng miền Nam dưới chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”. Vì vậy, tuy bề ngoài Bắc Việt giữ thăng bằng giữa hai nước, nhưng bên trong, những nhà lãnh đạo đảng LĐ theo chủ trương của Trung Quốc hơn là Liên Xô. Cũng vì vậy, năm 1958, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt Nam đã ký công hàm ngày 14-9-1958, ủng hộ tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chu Ân Lai, thủ tướng CHNDTQ.
Nguyên từ 24-2 đến 29-4-1958, các thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp tại Genève bàn về luật biển. Hội nghị ký kết bốn quy ước về luật biển. Riêng quy ước về hải phận mỗi nước, có 3 đề nghị: 3 hải lý, 12 hải lý và 200 hải lý. Không đề nghị nào hội đủ túc số 2/3, nên LHQ chưa có quyết định thống nhất. Lúc đó, Trung Quốc và hai miền Nam và Bắc Việt Nam không phải là thành viên LHQ nên không tham dự hội nghị nầy.
Trước sự tranh cãi về hải phận, ngày 28-6-1958, Mao Trạch Đông tuyên bố với nhóm tướng lãnh thân cận: “Ngày nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.”(9) Sau khi Khrushchev viếng thăm Bắc Kinh từ 31-7 đến 3-8- 1958, Trung Quốc pháo kích và đe dọa hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ (Kinmen and Matsu) ngày 23-8-1958. Phải chăng hành động nầy nhắm đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo nầy, hay để xác định chiều rộng của hải phận của Trung Quốc?
Hai quần đảo nầy nằm gần lục địa Trung Quốc nhưng thuộc quyền quản lý hành chánh của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Hoa Kỳ liền gởi Hải và Không quân đến bảo vệ hai quần đảo nầy theo Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ và THDQ, ký kết tại Đài Bắc (Taipei) ngày 2-12-1954. đưa đến cuộc khủng hoảng khá trầm trọng ở eo biển Đài Loan.
Tiếp đó, ngày 4-9-1958, Trung Quốc đưa ra tuyên bố về hải phận gồm 4 điểm, trong đó điểm 1 và điểm 4 được dịch như sau:
(1)Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Xisha tức Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Nansha tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
. . . . . . . . . . . . . .
(4)Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu [Bành Hồ], quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc… (Bản dịch của Trung Tâm Dữ Kiện. http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm)
Mục đích của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 nhằm xác định hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý. Tuy nhiên điểm 1 và điểm 4 của bản tuyên bố cố ý lập lại và khẳng định chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc gọi theo tên Trung Quốc là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa].
Như thế, rõ ràng bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của CHNDTQ đưa ra hai chủ điểm: 1) Xác định hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý. 2) Xác định chủ quyền của Trung Quốc trên một số quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn của Việt Nam từ lâu đời.
Vì muốn lấy lòng Trung Quốc để được viện trợ, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, ký công hàm ngày 14-9-1958, tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc, nguyên văn như sau:
“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên mặt bể.” (Nguồn: Internet)
Cần chú ý là nhà cầm quyền VNDCCH chỉ là cánh tay nối dài của đảng Lao Động (LĐ), nên công hàm của Phạm Văn Đồng phải được Hồ Chí Minh và lãnh đạo đảng LĐ chuẩn thuận.
Chuyện hải phận 12 hải lý là chuyện của Trung Quốc. Hồ Chí Minh và đảng LĐ ủng hộ hay không, dân chúng Việt Nam không cần quan tâm. Tuy nhiên, đối với dân chúng Việt Nam, chuyện Phạm Văn Đồng cùng Hồ Chí Minh và đảng LĐ tán thành “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc” là một hành vi phản quốc đáng lên án còn hơn cả Trần Ích Tắc vào thế kỷ 13 hay bà thái hậu nhà Lê qua cầu viện quân Thanh vào thế kỷ 18, vì đã ngang nhiên giao hải đảo do tổ tiên để lại cho ngoại bang.
KẾT LUẬN
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Hồ Chí Minh, Việt Minh và đảng LĐ nắm quyền cai trị ở miền Bắc khá thuận lợi vì sẵn có bộ máy cầm quyền độc tài toàn trị chặt chẽ, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc đều đã bỏ đất Bắc, di cư vào Nam, không có một tổ chức nào gài người ở lại miền Bắc.
Chính phủ VNDCCH là cánh tay nối dài và là công cụ thi hành những quyết định của đảng LĐ, bắt tay ngay vào việc áp đặt hệ thống kinh tế chỉ huy của chế độ cộng sản, nhằm ổn định tuyệt đối ở miền Bắc, để chuẩn bị tiếp tục chiến tranh đánh chiếm miền Nam.
Vì quyết tâm xâm lăng miền Nam, cần sự viện trợ của ngoại bang, ngày 14-9-1958 đảng LĐ lên tiếng thừa nhận tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc về vấn đề hải phận.
Trong tuyên bố ngày 4-9-1958, Trung Quốc khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Trung Quốc đặt tên là Tây Sa và Nam Sa. Việc thừa nhận nầy của đảng LĐ là một hành vi phản quốc trắng trợn, vì lịch sử cho thấy hai quần đảo nầy thuộc quyền sở hữu của Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. (Trích từ Việt sử đại cương tập VI, sẽ xuất bản).
© Trần Gia Phụng
(Toronto, 01-12-2011)
© Đàn Chim Việt
—————————————————–
CHÚ THÍCH
- William Bridgwater và Seymour Kurtz, The Illustrated Columbia Encyclopedia, Vol. 21, New York: Columbia University Press, mục “Viet Nam”, tr. 6481. [Số trang liên tục từ tập đầu đến tập cuối.]
- Đặng Phong chủ biên, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 1955-1975, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005, tr. 174.
- Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève], Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, ch. 27 “Hội nghị Liễu Châu then chốt”.[Nguồn: Internet.]
- Theo Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Sài Gòn 1966, Xuân Thu California, tái bản không đề năm, tr. 195, đến ngày 30-10-1955 là ngày chính thức chấm dứt cuộc di cư, số lượng người di cư tỵ nạn là 887,890 người. Thực tế ở ngoài còn cao hơn nhiều. Theo Đặng Phong, sđd. tr. 52, tổng số di cư vào Nam là 860,000 người.
- Tô Tử Hạ và một nhóm tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam 1945-2005, Hà Nội: Nxb. Thông Tấn, 2005, tr. 99.
- Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tt. 87-88.
- William J. Duiker, Ho Chi Minh, Nxb. Hyperion, New York, 2000, tr 500.
- Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2001, tr. 141.
- Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.
No comments:
Post a Comment