Phạm Đỉnh
Bài phỏng vấn sau đây của ông Nguyễn Tấn Dũng trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc nhân chuyến thăm hội chợ triển lãm ASEAN –Trung Quốc CAEXPO (từ ngày 3 đến 6-9-2013 tại Nam Ninh, Quảng Tây) một lần nữa nói lên một thực trạng: các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam không ngang tầm với đòi hỏi của tình thế.
Bài phỏng vấn sau đây của ông Nguyễn Tấn Dũng trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc nhân chuyến thăm hội chợ triển lãm ASEAN –Trung Quốc CAEXPO (từ ngày 3 đến 6-9-2013 tại Nam Ninh, Quảng Tây) một lần nữa nói lên một thực trạng: các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam không ngang tầm với đòi hỏi của tình thế.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ nhắc lại những công
thức quen thuộc đã trở thành nhàm chán vì quá cũ và quá xa với thực tại
Việt Nam.
"Mục
tiêu điều hành kinh tế của chúng tôi là tập trung vào bảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, từ đó tạo môi trường thuận
lợi cho tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo
hướng bền vững. Kết quả đạt được là khá tích cực: GDP của Việt Nam 3 năm
qua tăng trưởng bình quân là 5,6% và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 6%
trong giai đoạn 2014-2015 ; lạm phát từng bước được kiểm soát thành công
năm 2012 ở mức 6,81% và nhiều khả năng đạt dưới 7% năm 2013; nhiều
ngành sản xuất chủ chốt từng bước phục hồi, các lĩnh vực kinh tế đối
ngoại, nhất là xuất khẩu và thu hút FDI tăng trưởng khá cao, các hoạt
động hội nhập quốc tế như đàm phán các Hiệp định thương mại tự do được
đẩy mạnh".
Thế nào là "chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững"?
Chắc chắn ông Dũng không biết. Đối với ông đây chỉ là một khẩu hiệu
kêu, chính quyền của ông không bày tỏ một quan tâm nào đối với môi
trường.
Các con số tăng trưởng mà ông đưa ra (5,6% trong ba năm qua và
dự kiến 6% trong tương lai) cũng láo lếu không kém những con số của quan
thày Trung Quốc. Thực tế là kinh tế Việt Nam đã suy thoái và suy thoái
nghiêm trọng. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vừa được "điều chỉnh lại"
là từ 30% đến 35% thay vì 5% như chính quyền vẫn nói từ trước đến nay.
Điều chỉnh kiểu gì mà sai biệt lớn đến thế? Điều cần biết là nợ xấu cũng
có tác đông di căn và với 30% nợ xấu thì hầu như mọi khoản nợ đều có
thể là nợ xấu. Thực trang là hiện nay tất cả mọi công ty lớn tại Việt
Nam đều có những khoản hóa đơn chưa thanh toán lớn hơn nhiều lần vốn. "Thu hút FDI tăng trưởng khá cao"
là thế nào?
Không lẽ ông Dũng lại không biết đầu tư nước ngoài đang teo
lại một cách thê thảm, hầu như không còn gì?
Vô ý thức không kém là câu
tuyên bố "Chúng tôi mong muốn Trung Quốc trên tinh thần “Láng giềng
tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” tiếp tục tạo thuận lợi, mở
cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam để từng bước giảm nhập siêu
từ Trung Quốc, cân bằng thương mại song phương".
Đây cũng là một khẩu hiệu được nhắc lại nhiều lần, nhất là trong năm qua và kết quả luôn luôn ngược lại, nghĩa là Trung Quốc "tiếp tục tạo thuân lợi"
và nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc tiếp tục tăng lên, bởi vì
nó là kết quả của cấu trúc của hai nền kinh tế. Năm 2012 Việt Nam nhập
siêu đối với Trung Quốc 15 tỷ USD, năm 2013 con số dự đoán là trên 20 tỷ
USD.
Ông
Dũng cũng giống như ông Trương Tấn Sang khi ông này tuyên bố trong cuộc
tiếp tân tại bộ ngoại giao Mỹ rằng Việt Nam hiện có mức thu nhập trung
bình trong khi trên thực tế thu nhập của một người Việt Nam chỉ sấp sỉ
bằng 1/10 mức trung bình thế giới (trong đó kể cả những nước châu Phi).
Làm sao hai người đứng đầu bộ máy nhà nước, mà mọi người đều cho rằng
còn hiểu biết hơn ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói như người
không biết gì về hiện trạng kinh tế đất nước như vậy?
Dù vậy ông Trương
Tấn Sang đã từng là trưởng ban kinh tế trung ương rồi thường trực ban
bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng từng là thống đốc ngân hàng nhà nước. Tại
sao những người lãnh đạo đất nước lại không cần biết gì về tình trạng
đất nước như vậy? Họ làm gì trong thời gian dài cầm quyền?
Một
điểm cũng đáng nói là ông Dũng đã bỏ thời giờ đi thăm một hội chợ không
quan trọng chút nào. CAEXPO chỉ thu hút được 52.000 khách viếng thăm
năm 2012, chưa bằng 1/20 số khách thăm hội chợ xe hơi Paris cùng năm
(1.200.000 người). Để làm gì nếu không phải là để bày tỏ sự trân trọng
đối với "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" mà Việt Nam đã
thỏa thuận với Trung Quốc? Và ông đã được thưởng công bằng một cuộc
phỏng vấn trên đài truyền hình trung ương của Trung Quốc. Một lần nữa
người ta có thể nhận định các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ CSVN dù
xung đột với nhau để tranh giành quyền lực cũng đều đồng ý với nhau là
phải thần phục Trung Quốc để dựa vào Trung Quốc để chống lại dân chủ và
dân tộc.
Giữa Trung Quốc và dân tộc họ chọn Trung Quốc. Họ cũng đều
giống nhau ở chỗ hoàn toàn không có những kiến thức mà những người lãnh
đạo quốc gia phải có và không hề lo âu trước thực trang nghèo khổ và tụt
hậu bi đát của đất nước.
Đảng
cộng sản đã cầm quyền gần bốn mươi năm và đã có đủ thời giờ để đào tạo
ra những người có kiến thức và khả năng. Thực tế là những người này
không thiếu trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản nhưng họ không có
quyền lực và tiếng nói.
Quyền lực và tiếng nói thuộc về những kẻ có tiền
để xây dựng thế lực và mua chức tước.
Những "cấp lãnh đạo" này không
cần có kiến thức, họ đã có quyền và tiền.
Họ cũng không coi quyền lợi
của dân tộc và đất nước này ra gì cả, họ là một lực lượng chiếm đóng.
Như
vậy dù muốn hay không thì chỗ đứng của những người có trí tuệ trong
đảng và nhà nước cộng sản cũng không phải là chỗ đứng trong lòng chế độ
này mà là chỗ đứng trong lòng dân tộc dưới một chế độ dân chủ.
Phạm Đỉnh
*****
Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn:
Xin
Ngài Thủ tướng cho biết chính sách kinh tế chính của Việt Nam giai đoạn
hiện nay là gì và ưu tiên phát triển lĩnh vực nào? Trong kế hoạch lớn
đó, Trung Quốc có thể đóng vai trò gì?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn,
kinh tế Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, nổi lên là ổn định vĩ mô
chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng cao. Trước tình hình đó, mục
tiêu điều hành kinh tế của chúng tôi là tập trung vào bảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, từ đó tạo môi trường thuận
lợi cho tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo
hướng bền vững. Kết quả đạt được là khá tích cực : GDP của Việt Nam 3
năm qua tăng trưởng bình quân là 5,6% và dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng
6% trong giai đoạn 2014-2015 ; lạm phát từng bước được kiểm soát thành
công năm 2012 ở mức 6,81% và nhiều khả năng đạt dưới 7% năm 2013 ; nhiều
ngành sản xuất chủ chốt từng bước phục hồi, các lĩnh vực kinh tế đối
ngoại, nhất là xuất khẩu và thu hút FDI tăng trưởng khá cao, các hoạt
động hội nhập quốc tế như đàm phán các Hiệp định thương mại tự do được
đẩy mạnh.
Trên
cơ sở những kết quả đã đạt được, nhằm hướng tới mục tiêu cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ Việt Nam đã hoạch
định và triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, thực hiện tái cơ cấu kinh tế
gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững với các
trọng tâm như: Tập trung tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tài chính- ngân
hàng và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh tái cơ cấu các
ngành sản xuất, dịch vụ, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và
năng lực cạnh tranh của sản phẩm ; tăng cường kết nối với mạng sản xuất
và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu đối với các ngành, sản phẩm hiện có
lợi thế cạnh tranh như chế biến lương thực, thực phẩm và thủy, hải sản,
may mặc và giày da... Tập trung phát triển một số ngành ưu tiên và công
nghiệp hỗ trợ như hóa dầu, điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí chế
tạo, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, phụ tùng ô tô, máy nông
nghiệp... để nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai,
thực hiện ba khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng
cao và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Thứ ba, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, bao gồm hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hội nhập trong các lĩnh vực khác.
Là
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một đầu tàu quan trọng của kinh
tế toàn cầu, nhiều năm qua Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của
Việt Nam và luôn thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc hai nước cùng ở trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang phát
triển sôi động và cùng bước vào giai đoạn phát triển quan trọng đang tạo
nên những cơ hội rất lớn để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương
mại, đầu tư, KHCN và du lịch... Chúng tôi mong muốn Trung Quốc trên tinh
thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” tiếp tục
tạo thuận lợi, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam để từng
bước giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cân bằng thương mại song phương ;
tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Trước mắt, tôi đề nghị hai nước cần tích cực triển
khai tốt Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm đã thỏa thuận trong Quy
hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Trung 2012-2016.
Việt Nam cũng sẵn sàng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư
với hàm lượng công nghệ cao vào Việt Nam, nhất là phát triển cơ sở hạ
tầng, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao; tăng cường phối hợp với Trung
Quốc trong khuôn khổ hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc, tiểu vùng Mê
Công mở rộng (GMS)…
Xin
Ngài cho biết trong phiên bản nâng cấp hợp tác Trung Quốc và ASEAN
trong tương lai, Việt Nam sẽ phát huy vai trò lớn hơn như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Thời gian qua, nhất là sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược,
hợp tác ASEAN-Trung Quốc ngày càng được mở rộng và phát triển toàn
diện, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa ASEAN-Trung Quốc trở thành
một trong những quan hệ đối thoại phát triển năng động, hiệu quả và toàn
diện nhất trong tổng thể quan hệ đối thoại của ASEAN. Hai bên đã trở
thành những đối tác tin cậy về chính trị, gắn kết chặt chẽ về kinh tế,
đóng góp tích cực và hiệu quả cho mục tiêu chung là thúc đẩy hòa bình,
ổn định, và thịnh vượng ở khu vực.
Là
thành viên tích cực của ASEAN và láng giềng gần gũi của Trung Quốc,
Việt Nam luôn coi trọng và nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường quan hệ
đối tác chiến lược và hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong
giai đoạn 3 năm 2009-2012, khi điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung
Quốc, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy và tăng cường quan hệ và hợp tác
ASEAN-Trung Quốc về nhiều mặt, từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương
mại, đến khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân… Trong tương lai, Việt
Nam sẽ tiếp tục và kiên trì chủ trương này.
Trong
thời gian tới, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và Trung
Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN- Trung Quốc phát triển
toàn diện và bền vững hơn nữa, trên cơ sở những nguyên tắc chỉ đạo đã
được hai bên xác lập và phát huy những thành tựu to lớn đạt được trong
thời gian qua, tương xứng với tầm vóc và tính chất của mối quan hệ đối
tác chiến lược. Việt Nam sẽ cùng Trung Quốc và ASEAN phát huy tối đa
hiệu quả của các cơ chế đối thoại và tham vấn ở các cấp để tăng cường
lòng tin chính trị, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện ASEAN-Trung
Quốc trên mọi lĩnh vực.
Việt
Nam cho rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
và đầu tư thông qua các cơ chế hiện có như Khu vực Mậu dịch Tự do
ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hội chợ ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO), hướng tới
mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ đô la năm 2015. Theo đó,
Việt Nam ủng hộ việc nghiên cứu nâng cấp ACFTA trở thành một khu vực mậu
dịch tự do mang tính toàn diện, với tiêu chuẩn và chất lượng hàng đầu,
đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Ngoài ra,
Việt Nam cho rằng hai bên cần đặt trọng tâm ưu tiên tăng cường hợp tác
kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là kết nối về hạ tầng cơ sở có ý
nghĩa quan trọng đối với việc gắn kết và phát triển quan hệ các mặt giữa
hai bên. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác văn hóa-xã hội, du lịch,
giao lưu nhân dân, giao lưu trao đổi thanh niên, báo chí, học thuật…,
nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của quan hệ đối
tác chiến lược ASEAN- Trung Quốc.
Về
vấn đề Biển Đông, trên cơ sở chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng
của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển
Đông, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh biển,
nhất là thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố DOC đi đôi với việc đàm
phán chính thức và thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc COC nhằm bảo đảm
tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mọi
tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm
1982.
Tôi
tin rằng quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc
cũng như quan hệ song phương giữa các nước thành viên ASEAN với Trung
Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả, đóng góp tích
cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Xin cho biết đánh giá của Ngài về Hội chợ lần này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:Cá
nhân tôi đã có dịp 5 lần dự Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc
(CAEXPO), tận mắt chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của Hội
chợ. Các kỳ Hội chợ luôn để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Qua 10
năm hình thành và phát triển, đến nay Hội chợ thương mại CAEXPO đã trở
thành một trong những Hội chợ thương mại có uy tín, quy mô và tầm ảnh
hưởng hàng đầu tại khu vực. Điều đó không chỉ được thể hiện qua số lượng
gian hàng, người tham dự ngày càng lớn (với 4.600 gian hàng, 52.000
khách tham quan trong năm 2012), mà còn thể hiện qua tổng giá trị giao
dịch thương mại (hơn 1,88 tỷ USD năm 2012), qua số lượng hợp đồng kinh
tế đã ký kết (tổng giá trị đầu tư lên đến 8,2 tỷ USD).
Hội
chợ triển lãm CAEXPO cũng cho thấy sự phát triển của quan hệ đối tác
chiến lược Trung Quốc - ASEAN, thể hiện rõ nét và sinh động qua nhiều
hoạt động hợp tác đa dạng, phong phú giữa Trung Quốc và ASEAN, không chỉ
trong lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại, trao đổi hàng hóa, mà mở
rộng sang các lĩnh vực khác như giao thông, giáo dục, môi trường, cảng
biển, hợp tác giữa các địa phương hai bên... Có thể nói, Hội chợ CAEXPO
đã thực sự đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc tăng cường trao
đổi, hợp tác kinh tế-thương mại, thúc đẩy hợp tác, tăng cường tình hữu
nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Hơn thế nữa, Hội chợ đang ngày
càng có sức lan tỏa vượt ra ngoài phạm vi ASEAN và Trung Quốc, thu hút
sự quan tâm của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, thúc
đẩy hợp tác liên vùng, liên khu vực….
Hội
chợ CAEXPO năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đúng vào dịp kỷ
niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và
cũng là dịp CAEXPO được tổ chức tròn 10 năm. Đây sẽ là kỳ Hội chợ có quy
mô lớn nhất kể từ khi được tổ chức cho tới nay với sự tham dự của hầu
hết Lãnh đạo, Nguyên thủ các nước thành viên.
Tôi
cho rằng CAEXPO lần này là một trong những sự kiện đầy ý nghĩa, chứng
tỏ sự trưởng thành vượt bậc của mối quan hệ đối tác chiến lược Trung
Quốc-ASEAN, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh liên kết
kinh tế khu vực đang ngày càng gia tăng. Là thành viên của ASEAN, đồng
thời là láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện với Trung Quốc, trong liên tiếp 10 kỳ Hội chợ, Việt Nam luôn
là nước có đông doanh nghiệp tham gia nhất với số gian hàng nhiều nhất
trong 10 nước ASEAN.
Trong
dịp CAEXPO lần thứ 10 này, như thường lệ, Việt Nam vẫn là nước có số
gian hàng và doanh nghiệp tham dự đông nhất (200 gian hàng với 110 doanh
nghiệp tham gia Hội chợ). Có thể nói, với những lợi thế gần gũi về địa
lý, với tiềm năng hợp tác rộng mở, với sự quan tâm, thiện chí và lợi ích
chung của cả ASEAN và Trung Quốc, với những kinh nghiệm tích lũy từ các
kỳ Hội chợ, với vai trò cửa ngõ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc của Quảng Tây,
tôi hoàn toàn tin tưởng kỳ Hội chợ lần này sẽ thành công tốt đẹp, mang
lại lợi ích chung cho cả Trung Quốc và ASEAN, đồng thời góp phần củng cố
mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung
Quốc.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
No comments:
Post a Comment