Wednesday, September 4, 2013

Từ độc lập đến chế độ thực dân cộng sản

HoChiMinh



Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), nắm quyền cai trị đất nước, đã và đang áp dụng một chế độ thực dân kiểu mới, đó là chế độ thực dân cộng sản.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, ông Hồ Chí Minh nói:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là:
 tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Ông Hồ cũng nhấn mạnh rằng, “hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
 
Thế nhưng, tình từ năm 1954, đến nay là 59 năm.
 Thực dân cộng sản đã lợi dụng lá cờ yêu nước, giải phóng dân tộc, đặt ách thống trị, áp bức đồng bào ta ra sao?

Tất cả các câu in chữ nghiêng (in đậm) dưới đây được ghi nguyên văn từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh dành cho thực dân Pháp. Chúng gần như chính xác hoàn toàn với chế độ thực dân cộng sản.
* “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.
Đây là vấn đề nhất quán. “Bỏ điều 4 là tự sát”, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói như thế, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện và thống nhất của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội. Hệ thống chính trị áp đặt chế độ độc quyền, đặc quyền, đặc lợi; cấm thành lập hội hay các tổ chức chính trị độc lập, không thực thi bầu cử tự do, mọi sắp xếp nhân sự trong bộ máy nhà nước đều được cơ cấu theo phương thức “đảng cử, dân bầu”; kiểm duyệt gắt gao báo chí truyền thông, xuất bản; cấm tụ tập đông người…
Tóm lại chế độ thực dân cộng sản bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ, chà đạp thô bạo lên những quyền công dân cơ bản nhất.

 Dân chủ trong chế độ thực dân cộng sản là một khái niệm xa vời, xa xỉ.

* Chúng thi hành những luật pháp dã man…”

Hiến pháp được tạo ra chỉ là hình thức biểu diễn. Chế độ thực dân cộng sản tạo ra rất nhiều luật và các văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định vi hiến. Ví dụ, quyền được tự do ngôn luận, báo chí được hiến pháp bảo hộ bị Bộ Luật Hình Sự giết chết bằng điều 258 với những luận chứng mơ hồ, để có thể bỏ tù bất cứ ai có chính kiến trái ngược với chủ trương chính sách của nhà nước, dù chỉ là ý kiến phê phán ôn hoà. Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, là hình thức bị miệng xã hội, cấm các trang cá nhân trên mạng xã hội không được chia sẻ, tổng hợp tin tức lấy nguồn từ báo chí chính thống. Nghị định Nghị định 38/2005 của Chính phủ về cấm tụ tập đông người đã hoàn toàn chà đạp lên quyền được biểu tình ghi trong hiến pháp, v.v…
Tất cả những luật pháp dã man này chỉ nhằm mục đích bắt giam, bỏ tù những công dân yêu nước, có ý thức phản biện xã hội và tinh thần phê phán xây dựng.
* “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Nhà tù được xây dựng, tu bổ và mở rộng khắp các tỉnh. Các trung tâm phục hồi nhân phẩm cũng được tận dụng để hốt và bắt giữ những người tham gia biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược. Công an và công an bận quần áo dân sự giả danh côn đồ cùng với côn đồ thật trong vai dân phòng đã đánh đập dã man những người yêu nước. Các cuộc biểu tình yêu nước dù chưa bị tắm trong bể máu nhưng đã bị đàn áp thô bạo và dẹp tan bằng bạo lực.

* “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.

Trong cuốn “A History of Reading”, Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:
“Các chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các chế độ này khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này, đọc sách báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại”.
Một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, 17.000 nhà báo và hàng chục ngàn dư luận viên truyền miệng và “bút chiến” trên Internet, cùng với bộ máy kiểm duyệt, thực sự là công cụ hữu hiệu phổ cập thông tin tuyên truyền, ngăn chặn thông tin ngoài luồng, thực thi chính sách ngu dân để trị. Con số hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58% dân số (tính đến 11/2012) chỉ đúng ở thông kê thuần tuý. Số người truy cập thông tin ngoài luồng vẫn chỉ là số ít, trong khi hơn 70% dân số sống ở nông thôn không có điều kiện tiếp cận. Thông tin là tri thức, chế độ thực dân cộng sản biết rất rõ.
* “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.
Mặc dù thuốc phiện, ma tuý trên phương diện chính thức bị cấm, nhưng mạng lưới cung cấp lẻ ma tuý của Việt Nam rất phát triển, mà chợ Thanh Nhàn ở Hà Nội, bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, Sài gòn), là những ví dụ. “Thuốc lắc”, từ thường gọi của giới nghiện dùng để chỉ Ecstasy, một loại ma túy tổng hợp dạng viên nén, viên nang, bột trắng hay màu, cũng được sử dụng nhiều tại một sô bar- nhà hàng ở Hà Nội và Sài Gòn.
Ăn nhậu thì khỏi nói. Ở đâu cũng có quán nhậu, người người nhậu, giờ nào cũng nhậu, từ các phố chính đến các hẻm nhỏ. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức tiêu thụ bia với gần 2,6 tỷ lít bia trong năm 2011, vượt xa hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines.
    Chưa kể nhiều nguồn bia, rượu làm giả, gây độc hại lâu dài cho sức khoẻ con người được bán tràn lan, dường như không có kiểm tra của cơ quan chức năng.
* “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ thực dân cộng sản đã tạo nên một giai tầng giàu có mới, ước tính chiếm khoảng 2-3% dân số, phần còn lại, nghèo đói được chia đều. Giới giàu có này bao gồm chủ yếu các quan chức cộng sản có chức quyền, giàu có từ tham nhũng, ăn lại quả hợp đồng hoặc rút ruột công trình, các doanh nhân thừa cơ “đục nước beo cò”, đầu cơ trục lợi…
Ngày 27/06/2013, tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, người nông dân Viêt Nam hiện nay sở hữu nhiều cái “nhất”: Đông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất…
     Ruộng vườn bị tước đoạt bất công, từ hai thập niên nay dân oan đi khiếu nại liên tục, ăn nằm vật vã nơi vỉa hè, công viên, bị khám xét, hạch sách, xua đuổi, đánh đập và bắt giữ. Đất đai không những bị thu hồi cho các công trình công cộng và còn cho cả doanh nghiệp tư nhân (như ở Văn Giang cho dự án Ecopark).
Chỉ trong vòng 4 năm 2008-2011 đã có hơn 1,57 triệu lượt người đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, với gần 673 nghìn đơn thư, trong đó, trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai.
  Trong bài “Thâu tóm đất đai“, nhà văn Phạm Đình Trọng viết: Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hệ thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.
Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lí của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước”.
Dự án, quy hoạch vẫn cứ đẻ ra để có ăn! Từ các khoản vay của nước ngoài. Nợ nước ngoài năm 2006 là 18,3 tỷ USD, đến ngày 31/12/2011 đã ở mức khoảng 1.042 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD), bằng 41,5% GDP. Như vậy trong khoảng thời gian Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, nợ nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi.
Vay nước ngoài để đầu tư phát triển là cần thiết, nhưng hiệu quả đầu tư đã giảm sút mạnh mẽ. Nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, đến giai đoạn 2006-2010 phải bỏ ra 7,4 đồng, sang năm 2012 ước tính là 7,56 đồng.
Tài nguyên bị khai thác ồ ạt bất chấp môi sinh, nhưng xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, một dịch vụ bạc cắc. Đất nước ngày mỗi nợ nần, kiệt quệ về nguồn tài lực.
* “Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”.
Điều này thì qua rõ. Ngân hàng nhà nước buôn vàng và nhập khẩu vàng không bị hải quan kiểm tra, là cái quyền của mafia trong hệ thống hiện nay. Xuất cảng và nhập cảng nằm trong chính sách thâu tóm của các nhóm lợi ích nhà nước nhằm ăn chặn, hưởng lợi.
* “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”.
      Thôi thì đủ các loại phí, chỉ cần lên Facebook nghe dân chúng kêu ca phàn nàn là thấy. Bộ máy hành chính công kềnh, vừa cơ quan đảng, vừa cơ quan của chính phủ tồn tại song song trong một nhà nước và ăn vào ngân sách, khiến dân chúng phải chịu đủ loại phí hay đúng hơn là thuế để nuôi cán bộ. Chuyện trong một xã mà có hàng trăm cán bộ ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá là một bi kịch.
Bài “Dân nghèo “gánh” các khoản thu vô lý” trên tời Dân Trí hôm 13/09/12, viết: “Người nông dân xã Hoằng Lương “một nắng hai sương” chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để trang trải cuộc sống, nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại phải è cổ đóng góp hàng chục khoản thu vô lý mà họ không thể từ chối”.
Bài “Nhiều khoản thuế vô lý“, tờ Người Lao Động ngày 15/09/2012, viết “đang kiệt sức và phải tả xung hữu đột để tìm đường sống, doanh nghiệp còn bị thu thuế 2 lần hoặc phải chịu những khoản thuế oan ức”.
Người lao động đã nghèo càng nghèo thêm vì kinh tế khốn khó, vật giá gia tăng, cộng thêm đủ các loại lệ phí, thuế, đấy là chưa nói đên loại phí “bôi trơn” khi phải giải quyết một việc gì đó ở cơ quan công quyền.
* “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Kinh tế quôc doanh với nhiều ưu đãi là xương sống của nền kinh tế thị truờng định hướng xã hội chủ nghĩa và nắm vai trò chỉ đạo, điều nay ai cũng biết. Doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển rất chật vật vì khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Trong thời gian qua đã có tới cả trăm ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc phá sản.
Công nhân lao động bị bóc lột thậm tệ dưới thời thực dân cộng sản, lương quá ít, ăn uống không đủ chất, thường xuyên bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong các khu công nghiệp. Tư bản thực dân đỏ, mafia kết hợp chặt chẽ với tư bản xanh, ra sức bóc lột tận cùng nguồn lực của giai cấp bần cùng này.
Hội nghị tổng kết của Bộ Lao Ðộng, Thương Binh và Xã Hội tổ chức hồi đầu năm 2012 cho thấy, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 4.142 cuộc đình công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chiếm 75.4% với 3.122 cuộc. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2011, số vụ đình công đạt mức kỷ lục với 978 vụ so với năm 2010 là 422 vụ, năm 2009 là 218 vụ, năm 2008 là 720 vụ…
Tổng Liên đoàn Lao động hoạt động lỏng lẻo, là công đoàn lao động quốc doanh và duy nhất, các cuộc đình công được tổ chức tự phát thường phải đối mặt với lệnh bắt giữ hoặc các biện pháp trừng phạt khác.
Kết luận

Đổ bao nhiêu xương máu để giành độc lập, nhưng nhân dân Việt Nam hoàn toàn không được hưởng tự do. Cả nước là một nhà tù vĩ đại mà mọi người đều có thể là một người tù dự khuyết.

Chế độ thực dân cộng sản thực chất là chế độ của một tập đoàn thiểu số “ăn trên ngồi trốc”, chỉ thu vén lợi ích riêng, vinh thân phì gia, phản bội lại tất cả những gì mà họ hô hào, kéo cả dân tộc vào những cuộc chiến tương tàn vô nghĩa.
© Lê Diễn Đức – RFA Blog

No comments:

Post a Comment